Có “móc nối” giữa công ty và nhà trường không?
GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam - đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với PV Người Đưa Tin Pháp luật về những sự cố thương tâm trong các buổi hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm thời gian qua.
PV: Thưa GS.TS Phạm Tất Dong, để xảy ra sự cố dẫn đến thương vong cho học sinh như vậy, trách nhiệm lớn nhất thuộc về ai?
GS.TS Phạm Tất Dong: “Những trường hợp này, trách nhiệm đến từ nhiều phía chứ không nằm riêng về phía nhà trường. Chương trình trải nghiệm ở mỗi nhà trường đều đã có kế hoạch từ trước. Cần xác định, những sự cố dẫn đến thương vong xảy ra trong khu vui chơi, liệu có nằm trong nội dung hoạt động trải nghiệm hay không? Nếu trong chương trình trải nghiệm không có hoạt động cho học sinh vui chơi, mà nhà trường lại tổ chức, thì trách nhiệm rất nặng. Còn nếu có nội dung cho học sinh vui chơi trong hoạt động trải nghiệm, phía nhà trường đã kết nối với phía các công ty và có hợp đồng cam kết, đảm bảo an toàn cho học sinh, thì trách nhiệm lại nghiêng về phía các công ty.
Đang trong giờ học do nhà trường tổ chức, xảy ra sự cố thì nhà trường phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, nhà trường “khoán trắng” cho công ty du lịch mà không có một kế hoạch cụ thể để bảo vệ học sinh, rồi lại để xảy ra sự cố như vậy, chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm.
PV: Được biết, năm 2014, khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ) đã từng xảy ra sự cố tương tự khiến 6 học sinh nhập viện. Phải chăng, khi lựa chọn địa điểm trải nghiệm, phía nhà trường không biết, hay không tính đến các phương án an toàn cho học sinh, thưa ông?
GS.TS Phạm Tất Dong: Trong sự cố đáng tiếc tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh vừa qua, phụ huynh học sinh hoàn toàn có thể phân tích rằng: Đáng lẽ, học sinh chỉ tham quan khu di tích lịch sử thì sẽ không có chuyện gì nguy hiểm. Nhưng sau đó, nhà trường lại cho học sinh đến khu du lịch để trải nghiệm, phải chăng có sự “móc nối” về lợi ích nào ở đây, trong khi công ty du lịch này cung cấp hoạt động cho nhà trường nhưng lại không có chương trình bảo vệ sự an toàn tương ứng.
PV: Vậy, thưa ông nhà trường cần xác định những tiêu chí như thế nào trong việc lựa chọn môi trường trải nghiệm cho học sinh?
GS.TS Phạm Tất Dong: Hoạt động trải nghiệm và sinh hoạt ngoại khóa là nội dung bắt buộc trong chương trình mới. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tổ chức như thế nào? Trước hết, nhà trường phải lên một kế hoạch cụ thế như thế nào? Bên cạnh đó, nơi tiếp nhận cũng phải có chương trình cụ thể, dịch vụ đảm bảo nhu cầu. Phía nhà trường phải xác định rõ, chương trình trải nghiệm đi với mục đích gì để tìm đến những địa điểm phù hợp. Chẳng hạn, muốn cho học sinh tìm hiểu về rừng và sinh vật rừng thì phải tìm đến các vườn quốc gia, khu bảo tồn; muốn cho học sinh dung nạp kiến thức về văn hóa, lịch sử, thì phải đến những di tích lịch sử…
Quan trọng nhất, luôn phải đặt sự an toàn của học trò lên hàng đầu! Cần phải xem xét lại quy trình giám sát, đảm bảo an toàn cho học sinh. Những chuyến đi tham quan, trải nghiệm, ngoại khóa cần phải được tổ chức chặt chẽ, quy củ hơn, phân công và quy nhiệm vụ đối với từng giáo viên đi theo giám sát học sinh.
Xin cảm ơn ông!
Nhiều trường học đang đánh tráo khái niệm
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên - giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục (bộ GD&ĐT) phân tích: “Trước tiên, dắt học sinh đi chơi không phải hoạt động trải nghiệm, nhiều người đang đánh tráo khái niệm về sự trải nghiệm để thu lợi ích. Tổ chức đi chơi một vòng xong đi về, học sinh không nhận được gì ngoài sự giải trí. Do đó, phải tách bạch việc đi giải trí, đi chơi với đi trải nghiệm. Không thể nói là đi trải nghiệm mà lại dẫn học sinh đi chơi trò chơi. Nếu chỉ dắt học sinh đi chơi thì bố mẹ cũng làm được, cần gì nhà trường? Mục tiêu của hoạt động trải nghiệm có nhiều hướng, như: củng cố kiến thức, bài học, hoặc hình thành kỹ năng, các hiểu biết xã hội…
Đã là trải nghiệm thì phải có mục tiêu, còn đi chơi không gọi là trải nghiệm. Hiện nay, nhiều nhà trường tổ chức cho học sinh đi chơi chỉ vì những “lợi ích nhóm” chứ không đem lại lợi ích thực sự cho học sinh. Đã là trải nghiệm thì phải đảm bảo 4 đặc điểm: Mục tiêu, cách tổ chức, nội dung và đánh giá trải nghiệm”.
“Mà cho dù là đi chơi hay hoạt động trải nghiệm, chắc chắn nhà trường cũng phải quan tâm đến sự an toàn, mua bảo hiểm cho học sinh, tổ chức việc quản lý, chăm sóc học sinh như thế nào?” - vị chuyên gia giáo dục nhấn mạnh.
“Trong trường hợp công ty du lịch không thực hiện đúng các quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2019/NĐ-CP. Cụ thể: Khoản 9 Điều 7 quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành. “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: b) Không sử dụng dịch vụ do tổ chức, cá nhân thuộc Danh mục tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch theo quy định”.
Để xác định cụ thể và chính xác trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong trường hợp này, cần có kết luận của cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. Theo lời nữ sinh bị thương trong vụ tàu lượn siêu tốc trật bánh, khi nhóm học sinh này đến, tàu lượn siêu tốc không đóng được cửa, thanh chắn và đai bảo vệ bị hỏng, nhưng vẫn đón khách..., thì trước tiên. trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và gia đình nạn nhân sẽ thuộc về phía khu du lịch theo quy định tại Điều 590, Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015.
Ngoài ra, những người có trách nhiệm liên quan trong khu du lịch có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vô ý làm chết người”, được quy định tại Điều 128, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm” - Luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự).
Cẩm Mịch