Thoát khỏi vòng xoáy của đất...
Vài năm trở lại đây, đời sống người dân Vân Đồn có nhiều biến chuyển. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Dự thảo đưa Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế vùng Đông Bắc, làm bộ mặt huyện đảo này đổi thay chóng mặt. Nhiều công trình hạ tầng được xây dựng như sân bay, khu đô thị, khu du lịch... cũng làm nhiều thứ thay đổi theo, nhất là giá đất.
Nhiều người muốn nhanh thoát nghèo, bán vài trăm, vài nghìn mét vuông đất, thu về vài trăm triệu, vài tỷ là chuyện không hiếm gặp. Nhưng những người dân vốn quen với tay lưới tay chài, biết làm gì để bám trụ trong vòng xoáy đất cát, tiền bạc ấy. Tiền tỷ tiêu rồi cũng hết. Và họ lại trở về với nghề biển bao đời, trở về với cây đào, trước nay vẫn giúp họ có cơm ăn áo mặc.
Anh Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch HĐND xã Hạ Long (Vân Đồn) chia sẻ, người Vân Đồn vốn hiền hòa, chất phác, yêu những thứ gắn bó vFới đời sống từ hàng chục năm nay, trong đó có cây đào. Anh Công kể, thời điểm 2010, khi ấy anh đang là Bí thư Đoàn thanh niên xã, thấy địa phương có giống cây đặc hữu như vậy, nhìn thấy tương lai có thể giúp người dân thoát nghèo. Anh đã cùng các cấp chính quyền tìm cách nhân giống, mở rộng diện tích trồng, hướng dẫn người dân sử dụng kỹ thuật chiết, ghép, nối để trồng, hay trồng bằng phương pháp ươm hạt truyền thống. Từ những hộ chuyên trồng đào bán ban đầu thấy có lợi nhuận cao, nên nhiều hộ khác cũng học theo, chỉ trong một thời gian ngắn, số hộ gia đình và diện tích đất trồng đào đều tăng lên đáng kể.
Toàn huyện Vân Đồn hiện có khoảng 70ha đất trồng đào thì riêng tại xã Hạ Long đã có tới trên 50ha, tập trung ở các xã Hạ Long, Đài Xuyên, Đông Xá. Sau thời kỳ sốt đất, diện tích trồng phần nào bị thu hẹp, mặc dù vậy, cây đào vẫn được hướng tới là một cây trồng giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững.
Đổi đời từ trồng đào
Cũng chẳng biết cây đào Vân Đồn có từ bao giờ, chỉ biết theo những người bản địa, cách đây 30-40 năm, người dân đã bắt đầu trồng đào. Từ những cây mọc tự nhiên, được đánh về trồng tại vườn nhà, đến mùa ra quả rụng xuống lên cây mới, cứ thế giống đào này được nhân rộng khắp cả vùng.
Đào Vân Đồn còn được gọi là giống đào đá, đào phai. Giống đào này có vẻ đẹp đặc trưng, khi mới nở, hoa đào có màu hồng, sau đó phai dần, phần cuối cánh hoa có màu tím phớt trông rất đẹp. Một điểm khác biệt của đào phai Vân Đồn mà người chơi ưa thích là dáng vẻ cằn cỗi, tự nhiên, thân cành xù xì, cổ kính, có lẽ là do điều kiện khí hậu đặc trưng ở vùng biển đảo.
Đào đá Vân Đồn không rực rỡ như bích đào hay đào Nhật Tân nhưng rất tự nhiên và có màu hồng thắm. Một điểm đặc biệt khác là hoa không bung cùng một thời điểm mà các cành nở xen kẽ, nở "đuổi", nối tiếp theo thời gian. Cũng chính vì lẽ đó mà đào Vân Đồn được các tay "đào thủ" rất chuộng, có thể trưng đến ngoài 20-25 Tết.
Đang say sưa làm cỏ, tỉa cành trong khu vườn rộng, anh Nguyễn Hữu Thuân, người dân thôn 6, xã Hạ Long bật mí, cứ đến dịp cuối tháng 11, 12 Âm lịch, anh cùng gia đình lại bắt đầu vặt lá cho từng cây đào, việc này giúp các chất dinh dưỡng tập trung nuôi thân, nuôi chồi, nụ, để hoa nở đẹp và đều. Riêng những bông hoa đào nở trước chỉ để lại một vài bông để điểm xuyết, còn lại cũng tỉa bớt cho hoa ra đẹp mắt hơn.
Anh Thuân kể, gia đình hiện có hơn trăm gốc đào các loại, thu nhập cũng được trên 200 triệu một năm, mang lại thu nhập đáng kể so với trồng các cây hoa màu khác. "Trước đây mình cũng có trồng các loại cây hoa màu, nhưng thu nhập chỉ được loanh quanh 3-4 chục triệu, lại không có đầu ra ổn định, từ ngày chuyển sang trồng đào, đời sống gia đình được cải thiện hơn hẳn", anh Thuân chia sẻ.
Thường đào trong vườn sẽ có hai loại, một loại để mọc tự nhiên, một loại đào thế. Đào thế là những cây được chọn, mất nhiều công chăm sóc, uốn tỉa để làm sao ra được đúng thế mình mong muốn. Chính vì vậy, đào thế thường có giá cao hơn nhiều.
Cũng ở thôn 6, anh Trần Văn Hùng là một trong các hộ có diện tích trồng đào thuộc hàng "khủng", đặc biệt lại có nhiều gốc đào thế vô cùng đẹp mắt. Anh Hùng bộc bạch, để có được một thế đào ưng ý tốn rất nhiều thời gian, từ vài tháng đến vài năm, thậm chí có gốc đào tới vài chục năm. Chưa kể phải bỏ ra rất nhiều công sức, trừ sâu diệt bệnh quanh năm, uốn nắn từng cành. "Mặc dù có thể thuê nhân công làm thay nhưng họ cũng chỉ làm được những công việc đơn giản như xới đất, làm cỏ, không thể tỉ mỉ, cẩn thận như tự tay mình làm được, phải thực sự yêu nghề, yêu đào mới hiểu được sự cẩn trọng ấy".
Ngoài những gốc đào được bán đứt, người trồng đào cũng sẵn sàng cho thuê từng gốc khi khách có nhu cầu. Với cách này, người chơi đào vẫn có một gốc đào đẹp trưng cả Tết mà không phải bỏ ra số tiền quá lớn như mua đứt, lại có thể thay đổi kiểu dáng sau mỗi năm, lúc nào cũng có đào mới. Tuy nhiên, việc trồng lại này đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm và rất nỗ lực, các chủ vườn mới có thể "cứu sống" các gốc đào. Bởi khách thuê đào thường là công ty, doanh nghiệp. Trong mấy ngày Tết không ai biết chăm sóc, không tưới nước, không quan tâm, đào thường nhanh héo và dễ chết. Có chỗ lại tưới nước nhiều làm cây bị úng hoặc thối rễ. Chị Hiền, vợ anh Hùng nói vui, mất nhiều công sức lắm nên cũng phải được giá mới bán. Những cây thế đẹp có giá bán từ 3-4 triệu, 8-10 triệu, có những cây vài chục triệu là chuyện thường.
Theo số liệu, mỗi dịp Tết, huyện Vân Đồn xuất chừng 3-4 nghìn gốc đào, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường, trong đó nhiều nhất là khách hàng từ Hạ Long, Cẩm Phả sang mua, xa hơn có cả Hải Phòng, Thái Bình cũng đến tận nơi chọn lựa. Cây đào giúp nâng cao kinh tế cho người dân, nhiều hộ có thu nhập trung bình khoảng 100-150 triệu đồng/năm, đối với những hộ thâm canh, chăm sóc tốt lên tới 300-400 triệu đồng/ năm.
Phạm Tâm