Vào một ngày đầu tháng 6 năm 2022, sau trận mưa lớn, lão Vương - một lão nông ở Sùng Châu, Tứ Xuyên, Trung Quốc quyết định khai hoang mảnh đất của mình.
Trong lúc đào đất, lão Vương tình cờ phát hiện có một khúc gỗ đen sì bị chôn sâu bên dưới. Lão Vương định kéo khúc gỗ ra nhưng không được. Cuối cùng, lão nông tiếp tục đào thêm thì nhận thấy càng đào xuống dưới khúc gỗ càng to ra.
Lão Vương cho rằng đây là một thân cây cổ thụ bị chôn vùi dưới lòng đất. Nhưng vùng đất này kể từ khi ông còn nhỏ chưa từng bị sạt lở nên ông suy đoán cái cây kia ắt hẳn phải ở dưới lòng đất từ rất lâu rồi. Với hiểu biết của mình, càng đào xuống sâu hơn, lão nông càng chắc chắn rằng thân cây này là một cây gỗ âm trầm nghìn năm tuổi.
Ngay lập tức, lão Vương gọi người nhà dặn thuê ngay máy xúc về để đào khúc gỗ. Rất nhiều người trong làng cũng tò mò kéo tới xem. Mọi người bàn tán sôi nổi, ai cũng cho rằng lão Vương đã tìm thấy một cây gỗ quý, giá có thể lên tới hàng trăm triệu nhân dân tệ.
Tin tức lan truyền nhanh chóng, sau đó, một nhóm các chuyên gia thực vật học của địa phương đã có mặt tại nhà lão Vương để xác minh thông tin. Sau khi kiểm tra, các chuyên gia xác nhận cây gỗ mà lão nông tìm thấy là gỗ âm trầm quý hiếm. Cây gỗ này có tuổi đời 4.000 năm và có giá ít nhất là 100 triệu nhân dân tệ (hơn 330 tỷ đồng), thậm chí là nhiều hơn.
Gỗ âm trầm hay còn gọi là gỗ cổ trầm là một loại gỗ cực kỳ quý hiếm với chất lượng vượt trội so với các loại gỗ quý khác. Nó còn được mệnh danh là "Đông phương thần mộc" và được giới yêu gỗ ráo riết săn lùng. Vì sao gỗ âm trầm lại được quan tâm như vậy?
Theo các chuyên gia, gỗ âm trầm là loại gỗ bị cacbon hóa vô cùng quý hiếm. Loại gỗ này được hình thành từ những cây cổ thụ cách đây hàng nghìn năm thậm chí hàng vạn năm, bị chìm, vùi lấp xuống sông do các nguyên nhân tự nhiên. Sau thời gian dài ngâm mình trong nước, kết cấu gỗ đã thay đổi. Cũng vì được ngâm mình trong nước rất lâu và nằm dưới đáy nên gỗ âm trầm còn được gọi là gỗ chìm.
Theo các nghiên cứu khác nhau, gỗ âm trầm đầm, chắc thịt, thớ gỗ mịn gần như không có tôm gỗ và xơ gỗ. Gỗ âm trầm còn có khả năng chống ẩm cực kỳ tốt. Chúng có mùi thơm đặc trưng như gỗ trồng trên thổ nhưỡng tự nhiên, nhưng đổi lại thì chất lượng gỗ vô cùng tốt vì không bao giờ lo bị mục nát. Gỗ âm trầm vừa có nét mộc mạc nguyên xơ lại vừa có nét nghệ thuật của đá, vân rắn, màu đen đặc trưng và mặt cắt vô cùng mịn màng, tinh tế.
Về đặc điểm màu sắc, gỗ âm trầm có nhiều màu khác nhau như nâu, xám, đen, xanh đen, tím… sau 1 thời gian dài, gỗ âm trầm bị cacbon hóa và trở thành màu sẫm đen như than. Cùng sự xâm nhập của các loại khoáng chất khác và sự ngâm mình trong nước cả vạn năm nên gỗ âm trầm được coi là tinh hoa của trời đất.
Trong thời cổ đại, các quan chức và văn nhân Trung Quốc đều coi gỗ âm trầm như một món đồ nội thất “di sản” và các tác phẩm nghệ thuật chạm khắc từ gỗ âm trầm có giá trị vô cùng lớn. Đặc biệt là trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh, gỗ âm trầm đã trở thành loại vật liệu được ưa chuộng cho tất cả các cung điện hoàng gia và dùng làm quan tài cho vua chúa. Hoàng đế triều đại nhà Thanh coi nó như là một vật liệu hoàng gia và người dân không thể sử dụng nó cho mục đích cá nhân.
Hiện nay, gỗ âm trầm là một trong những loại gỗ quý hiếm bậc nhất, nằm trong danh mục bảo vệ cấp quốc gia nên rất khó có thể tìm thấy chúng trên thị trường. Chính vì vậy, giá thành của loại gỗ âm trầm này cực kỳ cao. Đồng thời mọi người cũng không dễ dàng mua được những cây gỗ quý hiếm này.
Minh Hoa (t/h)