Khán giả không nhớ tên thật mà chỉ nhớ “thằng Chí ăn vạ”
Để có thể nhập vai vào vai diễn thì ông đã phải làm và chuẩn bị những gì để có thể ghi dấu một Chí Phèo đậm nét trong lòng người xem như vậy?
Để có thể nhập vai vào một vai diễn khó như Chí Phèo thì bên cạnh việc hóa trang tôi phải tìm hiểu diễn biến tâm lý nhân vật cũng như dáng điệu của Chí. Đặc biệt, Chí Phèo là vai chuyển thể từ tác phẩm văn học nên phải diễn sao cho đúng chất để có thể khái quát được tính cách nhân vật diễn đúng đến từng giọng cười, tiếng khóc. Khi tìm hiểu nhân vật Chí tôi đã đề xuất với đạo diễn Phạm Văn Khoa cho Chí hát sau đêm hoan lạc với Thị Nở và những câu hát đó chính là câu đồng dao của mẹ tôi vẫn ru con tôi ngủ”.
Khi nhận lời đóng vai Chí Phèo ông đã gặp phải những khó khăn gì?
Tạo hình của nhân vật Chí nhìn rất ghớm. Sau khi được đạo diễn Phạm Văn Khoa đưa đi hóa trang tôi đã không nhận ra mình trong gương, tôi vui mừng khi vào cơ quan bị bảo vệ chặn lại vì không thể nhận ra Bùi Cường. Sau khi chiếu phim ra đường nhiều người không nhớ tên của tôi mà cứ gọi “thằng Chí Phèo”.
Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy?
Cảnh diễn với Thị Nở ở vườn chuối là cảnh rất khó, bởi ở Việt Nam lúc bấy giờ cảnh “nóng” trên màn ảnh rất “chấn động”. Vậy nên tôi cùng Chị Đức Lưu mặc dù rất ngại ngùng nhưng vẫn cố gắng để hoàn thành vai diễn tốt nhất có thể. Bộ phim cũng bị kiểm duyệt rất lâu nhưng mọi thứ cuối cùng đều ổn.
Hay chuyện uống rượu và phải cười sao cho ra thật 'Chí Phèo' mới khó. Ở nhân vật này khi hắn la hét, đập phá chửi bới thì dễ nhưng khi hắn cười thì thực sự là khó, cười kiểu ha há hô hố sẽ không ra chất, phải cười sao cho thật nhân văn. Chính vì Chí Phèo bị xô đẩy kiếp người như kiếp chó nên tôi chọn tiếng cười ằng ặc nghẹn trong họng giống như chó bị hóc xương.
Đến nay khi xem lại bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy, thăm lại bối cảnh làm phim cảm xúc của ông như thế nào?
Đến nay khi xem lại bộ phim cảm xúc của tôi vẫn bồi hồi xúc động, vì anh em trong đoàn làm phim đã cùng nhau vượt qua những năm tháng khó khăn thiếu thốn, vui vẻ diễn bằng tất cả niềm say mê để có những thước phim hay cống hiến cho khán giả.
Chúng tôi cũng đã có chuyến về thăm lại nơi làm phim ở Hà Nam, giờ đây ekip làm phim người còn người mất. Chúng tôi rất xúc động khi ngôi nhà của Bá Kiến vẫn còn được lưu giữ cho đến bây giờ. Người dân trong làng mừng rỡ, niềm nở đón tiếp cả đoàn. Điều đặc biệt là họ tay bắt mặt mừng chẳng nhớ tên thật của tôi mà chỉ nhận ra thằng Chí Phèo hay ăn vạ.
Có phải vì đã quá nổi tiếng với vai Chí Phèo nên ông được các đạo diễn mời đóng nhiều bộ phim?
Sau thành công của vai diễn Chí Phèo, tôi được mời đóng một loạt vai diễn như Trần Tuấn trong phim "Phút thứ 89" (đạo diễn Quốc Long), Trần Quân trong phim "Kẻ giết người" (đạo diễn Hoài Linh), Tướng cướp trong "Dòng sông vàng" (đạo diễn Kiều Tuấn), Mộc trong phim "Không có đường chân trời" (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư), chủ quán trong phim "Vụ áp phe Đông Dương" (đạo diễn Trần Đắc) Năm Hòa trong phim "Biệt động Sài Gòn" (đạo diễn Long Vân),
Một phần lý do cũng vì sức ảnh hưởng từ vai Chí Phèo đã khiến tôi nổi tiếng nên được “ lọt” vào mắt của nhiều đạo diễn, nhưng tôi cũng tin vào khả năng diễn xuất của mình.
Chuyển sang làm đạo diễn vì "máu mê" nghệ thuật
Đang rất thành công trong nghiệp diễn xuất tại sao ông lại quyết định “ lấn sân” sang làm đạo diễn?
Tôi làm phim vì “máu mê” nghệ thuật như anh em nghệ sĩ vẫn nhận xét, may mắn trời cho sức khỏe nên còn làm việc được, khi làm điều mình yêu thích thì mình thấy vui và cuộc sống tươi trẻ hơn rất nhiều. Không phải vì tôi chán nghiệp diễn mà tôi nghĩ rằng làm đạo diễn cũng là làm nghệ thuật.
Thị trường phim ảnh bây giờ cần những cái chớp nhoáng, nhanh để kịp phát sóng vậy ông có ấp ủ cho mình những bộ phim điện ảnh hấp dẫn?
Tôi vẫn ấp ủ cho riêng mình những bộ phim hấp dẫn, có giá trị nghệ thuật cao và dù mỗi ngày thêm một tuổi nhưng tôi vẫn dành trọn vẹn niềm đam mê và luôn tìm thấy chính mình trong những thước phim mà cuộc đời đã đặt tôi vào đó như là định mệnh.
Người ta thấy rằng mặc dù tuổi cao nhưng Bùi Cường vẫn miệt mài khắp nơi để làm phim, ông có thể chia sẻ điều gì khiến ông giữ được bầu nhiệt huyết đó?
Dù đã có tuổi nhưng một ngày nghỉ ở nhà mà không đi làm phim tôi thấy khó chịu và buồn lắm. Tôi sẽ còn làm phim cho tới khi nào không thể làm được nữa, vì phim ảnh đối với tôi như một con đường bất tận, càng làm càng có nhiều điều rất thú vị, có khi phải mất cả đời mới có thể khám phá ra. Nhà có hai cô con gái, không ai theo nghệ thuật nhưng may mắn tôi đã “rủ rê” được một anh con rể theo nghiệp đạo diễn, giờ cậu ấy đang làm trợ lý đạo diễn cho tôi.
Là lớp diễn viên thời kỳ đầu của làng điện ảnh Việt và giờ đây, trong vai trò là một đạo diễn chắc hẳn ông có rất nhiều kinh nghiệm diễn xuất, vậy ông đã truyền dạy kinh nghiệm đó cho các lớp diễn viên trẻ như thế nào?
Khán giả ngày nay họ rất tinh khi xem phim không hấp dẫn, diễn viên diễn không đạt, cảm xúc không tới thì khán giả rất dễ chán. Vậy nên dù là đạo diễn hay diễn viên trong vai trò nào cũng cần có say mê, diễn với một cảm xúc thực sự. Dù là vai diễn lớn hay nhỏ cũng phải diễn hết mình chứ không được hời hợt, rất cần sự dấn thân, hy sinh cho nghệ thuật, đã làm thì phải làm cho tới. Thông qua những buổi diễn, tôi phân tích từng vai diễn để giúp diễn viên trẻ có thêm kinh nghiệm để có thể vào vai nhập tâm sao cho có hồn nhất.
Ông đã từng chia sẻ, ngoài sự chuyên cần, Bùi Cường còn may mắn. Ông có thể chia sẻ một chút về cuộc sống hiện tại ?
Để có thể gặt hái được những thành công như ngày hôm nay ngoài sự chuyên cần, tôi còn may mắn đủ bề. Trong đó, cái may lớn nhất đối với tôi là có một hậu phương vững chắc, một người vợ tảo tần, tháo vát chăm lo đời sống kinh tế, nuôi dạy con cái lớn khôn để tôi có thể chuyên tâm cho nghệ thuật.
Vợ tôi là người biết cảm thông cho niềm đam mê cũng như nghề nghiệp của chồng. Bà ấy là người đồng cam cộng khổ với tôi từ những ngày còn làm công nhân xí nghiệp Điện đến khi là một anh Chí Phèo nổi lên ở khắp các rạp chiếu phim và bây giờ là một đạo diễn vào Nam ra Bắc liên tục.
Tôi ít có thời gian dành cho gia đình, có nhiều lúc cũng thấy có lỗi, nhiều khi vợ cũng trách cứ nhưng rồi hiểu cho chồng nên lại âm thầm ủng hộ. Chính những bộ phim tôi làm ra được khán giả đón nhận, đó chính là động lực cho cả hai cùng cố gắng”.
Ông có thể chia sẻ với khán giả một chút về bộ phim đang được quay không?
Bộ phim tôi đang thực hiện có tên là "Ý chí độc lập". Đây là bộ phim sẽ tái hiện lại thời kỳ hoạt động cách mạng của Bác Hồ bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước với những khó khăn gian khổ. Bộ phim được quay ở rất nhiều địa điểm khác nhau như Cao Bằng, Pắc bó,… với những cảnh quay đẹp và chân thực.
Đạo diễn Bùi Cường chia sẻ:"Như một món nợ với nhà văn Nam Cao tôi muốn làm một bộ phim để tri ân nhà văn. Tôi đã viết xong phần kịch bản dựa vào tác phẩm "Bữa ăn cuối" của Lão Hạc, giờ đang trong giai đoạn tìm nhà sản xuất. Đây là một tác phẩm rất hay và đậm tính nhân văn. Bên cạnh việc tái hiện lại những ý nghĩa của tác phẩm, tôi đan xen nội dung bằng những câu chuyện trong xã hội hiện đại ngày nay cũng vì tranh chấp đất đai mà con người sẵn sàng tranh giành nhau, bạc bẽo với nhau. Chính điều này thể hiện rõ tính thời sự trong các tác phẩm của Nam Cao đến nay nó vẫn còn giữ nguyên giá trị. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho những con người chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà quên đi nghĩa tình, đạo lý giữa con người với con người”. |
Thắm Nguyễn