Phim hay phải có cách kể chuyện hay
Nhiều đạo diễn trẻ đến với nghệ thuật thứ 7 bằng niềm đam mê cháy bỏng, bằng tài năng đã được bồi đắp và khao khát đạt được hai chữ thành công. Phan Đăng Di cũng không phải là một ngoại lệ trong số đó, song để đến mức sống chết với niềm đam mê điện ảnh như anh thì có lẽ rất hiếm người nào làm được. Vì dành một tình yêu vô điều kiện cho phim ảnh nên bất chấp mọi khó khăn, vất vả, anh luôn tìm mọi cách để hoàn thành tốt nhất đứa con tinh thần của mình. Hẳn nhiều người trong giới vẫn còn nhớ chuyện khi thực hiện Bi, đừng sợ - bộ phim đã đưa tên tuổi Phan Đăng Di lên một "tầm cao" mới, thiếu chút nữa anh đã phải bán nhà để lo đủ kinh phí hoàn thành bộ phim. Đó là một khó khăn nan giải luôn đặt ra đối với người đi tiên phong trong việc chọn con đường làm nghệ thuật hoàn toàn tự do, nhất là trong thời buổi điện ảnh Việt đang rơi vào tình trạng "bão hòa" như hiện nay.
Đạo diễn Phan Đăng Di
Anh ví von rằng: "Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, việc làm phim đối với tôi giống như việc đuổi theo một con ma. Vì ngoài ý tưởng của người đạo diễn, nó phụ thuộc vào diễn viên, vào điều kiện kỹ thuật và nhiều yếu tố khác. Cho nên, người đạo diễn gần như không có tự do". Vốn xuất thân từ khoa biên kịch, trường Sân khấu - Điện ảnh, Phan Đăng Di khởi đầu sự nghiệp với hai phim ngắn là Sen và Khi tôi hai mươi. Ngay khi vừa ra mắt, phim của anh đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của người trong giới và công chúng yêu điện ảnh. Kết quả là Sen đã đoạt giải đặc biệt tại LHP ngắn quốc gia và được trình chiếu tại nhiều LHP quốc tế (như Clermont Ferrand), còn Khi tôi 20 trở thành phim Việt Nam đầu tiên được lựa chọn vào cuộc thi Corto Cortissimo của LHP danh tiếng Venice (Italia). Tiếp nối thành công đó, năm 2007, kịch bản phim truyện dài đầu tiên của anh mang tên Chơi vơi đã mang đến một bất ngờ lớn với điện ảnh Việt khi phim thắng lớn tại Giải Fipresci (LHP Venise) và được đề cử giải Biên kịch xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh châu Á 2010.
Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến Bi, đừng sợ - Phim truyện thứ hai do Phan Đăng Di trực tiếp viết kịch bản và đạo diễn, tác phẩm được xem như là "dự án châu Á nổi bật nhất" trong số 35 dự án làm phim gửi từ 18 quốc gia vào thời điểm đó. Bộ phim đã "chu du" hàng chục LHP quốc tế, nhận được nhiều giải thưởng phim danh giá và đưa tên tuổi Phan Đăng Di vượt qua cả biên giới quốc gia. Thành công của Bi, đừng sợ lớn đến nỗi, nó trở thành một trong những câu chuyện nổi bật nhất trong đời sống điện ảnh Việt vài năm trở lại đây.
Với Phan Đăng Di, điều quan trọng nhất trong việc làm phim là cách kể chuyện. Anh cho rằng, một bộ phim hay nghĩa là người làm phim có cách kể chuyện hay: "Tôi đã xem rất nhiều phim của thế giới. Càng xem nhiều thì càng cảm thấy khó và càng biết sợ. Thế giới họ đã làm rất giỏi mọi thứ liên quan đến điện ảnh rồi. Cho nên, thách thức lớn nhất của mỗi đạo diễn trẻ là phải đưa ra được cái gì đó của riêng mình, mà điều này để được thừa nhận là vô cùng khó khăn. Trong quan niệm của tôi, làm phim nghĩa là đuổi theo một cái gì đó mang dấu ấn cá nhân, phải quên đi chuyện khán giả nhiều hay ít. Nếu phim mình làm cho chính mình lại nhận được sự đồng cảm của khán giả thì đó là sự cộng hưởng lý tưởng nhất".
Một cảnh trong phim Bi, đừng sợ
Chiêm nghiệm qua mỗi thước phim
Nếu ai đã từng một lần xem phim của Phan Đăng Di, hẳn đều sẽ có cảm giác như mình đang được đọc một cuốn tiểu thuyết đầy hấp dẫn. Với cách làm phim giàu suy ngẫm và khai thác chiều sâu tâm trạng con người, anh không tham vọng kể những câu chuyện có thể làm thay đổi thế giới mà chỉ mong muốn mỗi khán giả có thể nhận thấy chính mình trong đó và cùng chiêm nghiệm những câu chuyện về kiếp người, về cuộc đời. Các nhân vật đều vật lộn trong những mâu thuẫn, giằng xé của đời sống nội tâm và tìm cách thoát ra khỏi "mớ bòng bong" của chính cuộc đời mình.
Tiêu biểu như câu chuyện trong Bi, đừng sợ, bộ phim xoay quanh hành trình trải nghiệm của nhân vật chính là cậu bé Bi, từ lúc thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành. Phải đối mặt với những bổn phận, Bi lạc đường trong các mối quan hệ chồng chéo, phức tạp và rất khó khăn để có thể tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Bi kịch xảy đến ở cuối hành trình, khi cậu bé ngày nào đã trở thành một người đàn ông thấu hiểu mọi biến cố cuộc đời và sẵn sàng đón nhận cái chết. Phim xây dựng thành công những quan hệ phức tạp xảy ra trong một gia đình qua ánh mắt của một đứa bé 6 tuổi, nhưng sợi chỉ đỏ xuyên suốt và kết nối các thành viên trong gia đình vẫn là Bi.
Ở đó, người xem đều có thể cảm nhận mỗi thước phim như một sự tự vấn về tình yêu của người đàn ông và người đàn bà, những khát khao thầm kín được đan xen với những trách nhiệm, bổn phận. Mẹ của Bi dù đau khổ vì chồng không chỉ say rượu mà còn luôn mơ tưởng và khao khát dục vọng với một người đàn bà khác nhưng vẫn cam chịu, nhẫn nhịn. Dù vậy, sự tệ bạc của người đàn ông trong gia đình luôn được đổi lại bằng sự tử tế của người đàn bà. Luôn dành một sự ưu ái cho những người phụ nữ, Phan Đăng Di cho rằng, nếu không có sự nhẫn nại của người đàn bà thì thế giới này đã tan hết và không có sự tử tế của người phụ nữ thì người đàn ông chẳng còn gì. Vì thế, hình ảnh người phụ nữ trong phim của anh là một hình ảnh ẩn dụ, là hiện thân của cái đẹp và cũng là nơi neo đậu, hàn gắn, kết nối những đổ vỡ.
Trong quan niệm của Phan Đăng Di, làm phim là một chuyện không hề dễ dàng. Nó giống như việc theo đuổi một giấc mơ luôn ngoài tầm với, như anh tâm sự: "Tôi cho rằng, đang ngày càng ít đi những người ảo tưởng, biết sở hữu một ước mơ nào đó. Và ngay cả trẻ con cũng đang cạn dần ước mơ! Chúng ta đang tự đánh mất đi một thế giới rất đẹp của mình, chỉ bởi chúng ta tỉnh táo và thực tế quá. Sẽ không có điện ảnh và không có cả nghệ thuật, nếu chúng ta không còn mong muốn chạm tay vào ước mơ". Còn với nhận xét rằng, anh là một đạo diễn khó tính, Phan Đăng Di bày tỏ anh cần xác tín cho niềm tin của mình trong mỗi thước phim. Bởi theo anh, tất cả những câu chuyện trên đời đều đã được kể cả rồi và chúng ta đừng hy vọng là mình đang kể một câu chuyện mới. Vấn đề quan trọng là chúng ta kể câu chuyện của mình như thế nào mà thôi.
Những thành công mà Phan Đăng Di đạt được đến thời điểm này là những đóng góp đáng ghi nhận cho điện ảnh Việt. Hiện tại, anh đang bận rộn với hai dự án phim truyện dài là Cha, con và những chuyện khác do anh sản xuất và đạo diễn, đồng thời là nhà sản xuất phim Đập cánh giữa không trung cùng với Nguyễn Hoàng Điệp. Có thể nói, bên cạnh thành công về phim ảnh, Phan Đăng Di còn là một đại diện cho lớp trẻ trí thức dám nói, dám làm và dám nhìn thẳng vào những khiếm khuyết của cả thế hệ.
Loan Thanh