Mặc khi nào mới hợp lý?
Mấy ngày qua, hình ảnh nam cán bộ, công chức sở VH&TT Thừa Thiên - Huế mặc áo dài ngũ thân đi làm vào ngày thứ Hai đầu tháng trở thành chủ đề “chiếm sóng” bàn luận của truyền thông và dư luận. Câu chuyện vẫn chưa “ngã ngũ” bởi bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ, xuất hiện không ít ý kiến phản đối, thậm chí “ném đá” với những ngôn từ nặng nề, phản cảm.
Dành tình yêu lớn cho văn hóa dân tộc, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh bày tỏ: “Có thể thấy, động thái này của sở VH-TT Thừa Thiên Huế rất đáng hoan nghênh và cần phát huy. Đề án này góp phần hồi sinh và bảo tồn chiếc áo dài ngũ thân – một thời là biểu tượng bản sắc văn hóa của trang phục Việt.
Tuy nhiên, việc triển khai và áp dụng vào thực tiễn thế nào cho phù hợp mới là điều đáng bàn. Ở đây, cán bộ ngành văn hóa Thừa Thiên Huế đã trưng cầu ý kiến và nhận được sự đồng tình trước khi thử nghiệm. Hơn nữa, việc làm này không bắt buộc, mà khuyến khích mặc áo dài vào thứ Hai đầu mỗi tháng, và chỉ áp dụng với những cán bộ làm việc tại văn phòng, tôi cho rằng điều này là hợp lý và phù hợp với môi trường công tác”.
Cũng theo đạo diễn phim “Phượng Khấu”, thường những gì “mới-độc-lạ” nhận về những ý kiến trái chiều là lẽ thường tình. Khen-chê, ủng hộ-phản đối, yêu-ghét là quyền của mỗi người, những hãy là người có văn hóa. Đừng vì không thích mà buông những lời lẽ nặng nề, khiếm nhã, phản cảm. “Tôi thấy, tự thân chiếc áo ngũ thân nam rất đẹp và chứa đựng nhiều giá trị, chúng ta không nên “đính kèm” những yếu tố không thuộc về nó.
Đáng nói, phụ nữ đi làm mặc áo dài, nữ sinh mặc áo dài đi học được đại đa số đồng tình, hưởng ứng, cớ sao nam công chức mặc áo dài ngũ thân đi làm lại bị “ném đá” dữ dội như vậy. Chưa kể, chiếc áo dài nữ còn chiết eo, tần suất mặc cũng thường xuyên hơn nhưng các chị em vẫn thấy thoải mái, thì không lý gì đàn ông mặc áo dài sẽ gò bó, cản trở công việc.
Nếu ai đó nói, hành động này chỉ là sự học đòi, tốn kém, lãng phí, thì quả là phiến diện. Xét về mặt kinh phí, một bộ áo dài ngũ thân cũng chỉ có giá tương đương, thậm chí còn rẻ hơn mua một bộ vest hay một chiếc áo sơ mi xịn.
Còn ý kiến cho rằng, áo dài ngũ thân lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với môi trường công sở hiện tại là hoàn toàn không đúng. Nếu chúng ta nhìn ra thế giới, Ấn Độ, Bhutan,…họ đều có những trang phục truyền thống được nâng lên thành Quốc phục. Thế nên, việc phục dựng và hồi sinh chiếc áo dài ngũ thân nam–biểu tượng văn hóa một thời là xứng đáng, không hề đua đòi hay bất hợp lý gì”, nam đạo diễn nêu quan điểm.
Áo dài ngũ thân không có lỗi
Theo thời gian, chiếc áo dài nữ ngày càng “thăng hóa”, thì ngược lại chiếc áo dài ngũ thân nam dần rơi vào quên lãng, chỉ còn xuất hiện trên phim ảnh, sân khấu, trong dịp Lễ, hội,...
Bàn về nghịch lý này, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho rằng: “Dường như, những định kiến về ý thức hệ, đã khiến nhiều người hiểu sai khi nhìn thấy nam giới mặc áo dài ngũ thân. Họ cho rằng, áo dài ngũ thân gợi nhớ đến những phú ông, cường hào ác bá trong xã hội phong kiến. Nhưng, suy nghĩ này là sai lầm, bởi bản thân trang phục này không hề có lỗi. Hãy nhìn lại giá trị của những chiếc áo dài ngũ thân nam, xét về tổng thể trang phục này rất đẹp, trang trọng và uy nghiêm, tôn lên nét đẹp riêng cho người đàn ông Việt. Thực tế, đã có nhiều vị quan trong triều, các lãnh đạo và những người có chức sắc trong làng xã mặc chiếc áo dài này”.
Bản thân đã từng “chơi lớn” với dự án phim cổ trang “Phượng Khấu” và vấn đề trang phục là “cửa ải” khó nhằn nhất mà đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và ê-kíp đã phải “căng não” vượt qua. Anh cho biết: “Khó khăn lớn nhất là sự hiểu biết và phổ cập phục trang Việt Nam đã bị quên lãng khá lâu, không có tài liệu. Người ta chỉ nhớ đến chiếc áo dài chiết eo của nữ, áo the khăn xếp. Còn với nhiều trang phục khác, trong đó có áo dài ngũ thân nam, nhiều bạn trẻ không biết tên gọi là gì, và cũng không nghĩ đó là chiếc áo đặc trưng của người Việt. Thế nên, sự lạ lẫm, những tranh cãi, phản ứng “nổ ra” vô hình trung đã cản trở việc quảng bá văn hóa Việt tới bạn bè thế giới qua trang phục”.
Bàn về tính khả thi của việc phục dựng, hồi sinh để đưa chiếc áo dài ngũ thân vào cuộc sống hiện đại, nam đạo diễn cho rằng: “Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, muốn đưa áo dài ngũ nam vào đời sống thực tiễn, thì đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hội nhóm, truyền thông để nét đẹp văn hóa dân tộc được lan tỏa sâu rộng. Dần dần thừa nhận rằng, chiếc áo dài ngũ thân nam hoàn toàn có khả năng trở thành biểu tượng tôn vinh nét đẹp của đàn ông Việt Nam. Đã đến lúc cần có những hội thảo, phong trào tuyên truyền về giá trị của những cổ phục Việt, trong đó có chiếc áo dài ngũ thân nam”.