Phim truyền hình phát sóng khung giờ vàng trên VTV gây tranh cãi vì “nặng” cảnh nóng, bạo lực hẳn là chủ đề nóng nhận được sự quan tâm của khán giả thời gian qua.
Ồn ào lên đỉnh điểm khi bộ phim bị dán nhãn 18+ Quỳnh búp bê bị dừng chiếu chỉ sau 6 tập lên sóng. Trước đó, liên tiếp các phim Người phán xử, Mộng phù hoa, Mỹ nhân Sài thành,… cũng vấp phải dư luận trái chiều vì có yếu tố nhạy cảm.
Trước vấn đề nóng này, đạo diễn phim Mỹ nhân Sài thành Lê Cung Bắc nhìn nhận: “Tôi thấy rằng, những cảnh nóng và bạo lực trên phim truyền hình Việt thời gian qua chưa nhiều, nhưng tác động của nó khá mạnh và rõ ràng đối với người xem.
Trước hết, vì phim truyền hình phổ biến, không giới hạn người xem nên tác động của cảnh nóng và bạo lực dễ lan truyền rộng rãi. Người xem có thể bị sa vào hiện tượng tức thời trên màn ảnh mà không chú ý vào ý nghĩa sâu sắc của phim. Mặt khác, có những cảnh nóng và bạo lực không nên dành cho khán giả nhỏ tuổi chưa hoàn chỉnh về mặt nhận thức và chưa có trải nghiệm nhiều về cuộc sống, vì sẽ dễ tạo ngộ nhận khi xem những cảnh đó”.
Trước nghi vấn cho rằng, phải chăng vì sức ép rating (lượng người xem) khiến nhà sản xuất, đạo diễn khai thác những yếu tố nhạy cảm này để thu hút khán giả?, đạo diễn Lê Cung Bắc cũng đã bày tỏ quan điểm: “Theo tôi, những cảnh nóng và bạo lực không hẳn là lý do để nâng cao rating của một bộ phim, mà chính nội dung sâu sắc và các thể hiện nghệ thuật chỉn chu mới là yếu tố quan trọng lôi cuốn người xem.
Chính vì vậy, đạo diễn, nhà sản xuất không thể và không nên bị sức ép rating mà đưa cảnh nóng, bạo lực vào phim. Vì, những yếu tố này không thể cứ lặp đi lặp lại suốt mấy chục tập phim được. Tôi nghĩ, đạo diễn chỉ nên đưa cảnh nóng và bạo lực vào phim nếu cần thiết để thể hiện nội dung sâu sắc của bộ phim mà thôi.
Tuy nhiên, đạo diễn phim Mỹ nhân Sài thành cũng cho rằng, dù là phim điện ảnh hay phim truyền hình, thì việc có những cảnh nóng và bạo lực là chuyện bình thường. “Tuy nhiên, điều quan trọng là những cảnh này khi được đưa vào phim phải có ý nghĩa sâu sắc về mặt nội dung và phải chỉn chu nghệ thuật về mặt thể hiện. Đừng bao giờ để một bộ phim lâm vào tình trạng thiếu những cảnh cần phải có và thừa những cảnh không nên có.
Hơn nữa, khi một cảnh bạo lực hay cảnh nóng được thể hiện một cách thô thiển, bất hợp lý và trần trụi sẽ tạo sự phản cảm đối với người xem, không mang lại tác động tâm lý nào về cả hai mặt nội dung và nghệ thuật.
Có thể, trong kịch bản quy định những cảnh nóng và bạo lực, nhưng nếu nhận thấy không cần thiết thì đạo diễn có thể bỏ qua. Hoặc, nếu cảnh đó bắt buộc phải có thì quan trọng đạo diễn phải dàn dựng thế nào để người xem thích thú và đồng cảm về mặt trí tuệ chứ không phải bản năng”, đạo diễn Lê Cung Bắc nói.