Theo đạo diễn Lê Quý Dương, trong một tuần với lịch làm việc dày đặc, gần 200 nghệ sĩ của các trường nghệ thuật sân khấu quốc tế đã giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy và học tập chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn.
Đặc biệt các buổi giao lưu về kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và hiệu ứng hình ảnh sân khấu, phương pháp tổ chức thị trường cho một vở diễn sân khấu, cách tiếp cận và sáng tạo các chương trình giao lưu sân khấu quốc tế cộng hợp nhiều bản sắc văn hóa, đã diễn ra hết sức sôi nổi và lý thú. Một trong những nội dung đặc sắc của cuộc hội ngộ liên hoan lần này là việc trao đổi chuyên môn sâu qua các bài tập mẫu của từng trường, giúp các thành viên có thể hình dung ra bức tranh tổng thể của công tác giảng dạy và học tập chuyên ngành sân khấu biểu diễn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện nay.
Theo đó, đây là lần đầu tiên tại Hà Nội, hơn 140 sinh viên sân khấu biểu diễn xuất sắc được tuyển chọn từ 19 trường nghệ thuật trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với những nét truyền thống văn hóa hết sức khác nhau đã cùng hội nhập trong không khí vô cùng thân thiện, chuyên nghiệp và sáng tạo.
BTC cũng chia sẻ, toàn bộ kinh phí tổ chức chương trình Liên hoan Sân khấu – Du lịch với chủ đề Hội ngộ Hà Nội được xã hội hóa 100% với sự quan tâm ủng hộ của Hội Nghệ Sĩ Sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Bộ Văn hóa Thể Thao và Du Lịch.
Chương trình đã đóng góp tích cực vào việc giới thiệu hình ảnh thủ đô Hà Nội – Thành phố Hòa Bình – để lại những ấn tượng tốt đẹp và kỷ niệm sâu sắc cho các giảng viên và sinh viên ngành sân khấu biểu diễn trong khu vực Chấu Á – Thái Bình Dương.
Khi được hỏi: Việc mời gần 200 nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam có khó không? Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin: "Tôi là một trong các thành viên sáng lập ra Hiệp hội các trường Nghệ thuật Sân khấu Châu Á - Thái Bình Dương nên việc mời không khó. Festival này là lần thứ 12. Tất cả 11 lần trước đã diễn ra ở các nước khác nhau trong đó có Việt Nam (tại TP.HCM) năm 2013. Họ đến Việt Nam với tinh thần học hỏi chia sẻ kinh nghiệm.
Cái khó là các vấn đề thủ tục hành chính vì sự kiện có liên quan tới yếu tố nước ngoài. Các đoàn vào quá gấp vì nghĩ đơn giản như các nước khác. Thêm nữa, phải thích ứng với toàn bộ các điều kiện mới như không gian tổ chức và chương trình. Kế hoạch cũ là biểu diễn sân khấu lớn được thay bằng một chương trình hoàn toàn mới thích nghi và tuân thủ các qui định của Việt Nam.
Chính trong cái khó đó, một quan niệm mới và cách tổ chức mới với mô hình mới đã được tìm thấy hiệu quả hơn".
Trả lời câu hỏi: Vậy việc mời các nghệ sĩ ấy đến Việt Nam thì BTC đã phải trả mức cát - xê có cao không? Đạo diễn Lê Quý Dương thẳng thắn: "Có thể là bất ngờ với nhiều người nhưng sự thật là các bạn ấy hoàn toàn không lấy thù lao. Chúng tôi không bán vé. Không diễn trước công chúng vì là đây việc phát triển kỹ năng chuyên môn sâu giữa các trường.
Các nghệ sĩ có thể biểu diễn, cháy hết mình ở bất cứ nơi đâu miễn nơi ấy có khán giả. Mô hình này đã được thống nhất để áp dụng cho các sự kiện sau ở nước khác. Mô hình mới đó là tạo nên những thách thức để sinh viên, nghệ sĩ trẻ nâng cao năng lực thích nghi, trí tưởng tượng sáng tạo và sự kết nối chia sẻ giữa những bản sắc văn hóa khác biệt.
Ngoài mô hình mới, dự án mới cũng xuất hiện tại giao lưu giữa các trường nghệ thuật quốc tế đó là: Sân khấu- Du lịch. Ngoài học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm diễn xuất, họ được khám phá nhiều nét văn hoá, cảnh đẹp khắp nơi để tích luỹ vốn sống của mình".
Một trong những nội dung đặc sắc của cuộc hội ngộ liên hoan lần này là việc trao đổi chuyên môn sâu qua các bài tập mẫu của từng trường, giúp các thành viên có thể hình dung ra bức tranh tổng thể của công tác giảng dạy và học tập chuyên ngành sân khấu biểu diễn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện nay.