Gameshow cần trách nhiệm của người nghệ sĩ
Từng tham gia dàn dựng những gameshow nổi tiếng vào những năm đầu thập niên 2000 như Nốt nhạc vui, Rồng Vàng... nhưng phải đến khi tự thành lập công ty riêng (công ty Truyền thông Khang năm 2015) thì đạo diễn Vũ Thành Vinh mới có thêm nhiều đột phá.
Không chỉ thể hiện dấu ấn qua các chương tình hài kịch với các phiên bản Cười xuyên Việt, anh còn có công trong việc phục dựng lại nền văn hóa âm nhạc Bolero với loạt chương trình như Tình Bolero, Solo cùng Bolero, Tình Bolero hoan ca,...
Anh bày tỏ: “Nhiều người nói với tôi, Kịch cùng Bolero có lẽ là chương trình lạ nhất trong số các chương trình truyền hình trong năm qua. Quả thật, tôi cũng thấy mình quá liều khi thử kết hợp 2 loại hình nghệ thuật này. Mà chuyện là từ lúc thực hiện Tình Bolero trước đây, khi thể hiện chủ đề Tình đời với một câu chuyện về thân phận Kiếp cầm ca, tôi thử đưa kịch kết hợp với hát nhạc Bolero mà không ngờ được khán giả ủng hộ”.
Vậy là từ đó, đạo diễn Vũ Thành Vinh quyết tâm làm một format mới. Anh kể rằng, mình rất mê kịch nói, những vở kịch kinh điển như Lá sầu riêng, Nhân danh công lý, Bí mật vườn Lệ Chi... vẫn khiến anh trăn trở đến tận bây giờ. Rồi nhìn sang sân khấu kịch nói hiện tại, anh lại thấy đau xót cho tình hình các đồng nghiệp đang gặp khó khăn.
“Thời lượng truyền hình thì có hạn nên nếu làm kịch dài sẽ khó cho khán giả cảm thụ. Thay vì thế, tôi muốn làm kịch ngắn, nội dung khúc chiết hơn và kết hợp cùng nhạc Bolero để tạo nên màu sắc mới”, NSƯT Vũ Thành Vinh cho hay.
Cứ thế, từng thử nghiệm mới của đạo diễn Vũ Thành Vinh trong năm nay như Hát cùng mẹ yêu, Quyền lực ghế nóng, Gương mặt điện ảnh,... đã chinh phục khán giả bởi nét sáng tạo cùng ê-kíp yêu nghề.
Với sự đầu tư của NSƯT Vũ Thành Vinh, thị trường gameshow trong năm qua bỗng nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên, anh cũng phải đối mặt với không ít lời chê bai, cho rằng gameshow truyền hình đang góp phần đẩy thị hiếu của khán giả xuống thấp.
Đạo diễn Vũ Thành Vinh thẳng thắn: “Cuộc sống ngày càng phát triển thì áp lực cũng nhiều lên, các chương trình giải trí đa dạng và phong phú để phục vụ khán giả thì có gì sai chứ. Lĩnh vực truyền hình bị đánh giá nhiều nhất vì vốn ai cũng có thể xem được, có tính đại trà đến nhiều tầng lớp khán giả. Nhưng quả thật trong năm qua, mảng gameshow về hài đúng là bị phê bình nhiều nhất”.
Anh nói thêm: “Tôi không dám nói các chương trình khác, tôi chỉ soi vào Cười xuyên Việt của chính mình mà nói. Thứ nhất, hài kịch có dễ dãi hay không là do chính nghệ sĩ có lòng tự trọng với nghề hay không. Dù rằng kịch bản tốt về mảng miếng mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ cao, có giá trị giáo dục là không dễ có được.
Thứ hai, ở sân khấu Truyền thông Khang, chúng tôi tạo điều kiện cho các em trẻ được vào nghề. Mà thậm chí nhiều em nói với tôi, nếu không diễn ở sân khấu truyền hình thì họ chẳng biết diễn ở đâu. Vì vậy, tôi luôn quan niệm, người làm văn hóa phải thấy điều tích cực để dung hòa giữa thị hiếu, thị trường và sứ mệnh, trách nhiệm của mình.
Làm đạo diễn tức là chỉ ra hướng đi cho các diễn viên. Thì cũng có người này người kia, người làm đúng người làm sai. Nhưng nếu chỉ vì vài cá nhân nào đó làm chưa đúng mà quy chụp tất cả gameshow đều không có chất lượng thì nghe hơi đau lòng”.
Chê bai nhạc Bolero, cứ để khán giả phán xét
Không chỉ chăm lo cho mảng hài kịch, đạo diễn Vũ Thành Vinh còn được các nghệ sĩ gọi vui là người làm sống lại văn hóa nhạc Bolero. Anh cho hay: “Tôi có thói quen quan sát cuộc sống để lấy chất liệu đưa vào tác phẩm của mình. Phần lớn các chương trình của Khang đều từ những chất liệu tôi lấy từ cuộc sống xung quanh.
Tôi thấy người dân mình rất thích hát, đặc biệt là nhạc Bolero. Trong tất cả các cuộc liên hoan lớn nhỏ, nhất là khi về các vùng quê, tôi đều nghe người ta hát Bolero. Sự yêu thích dòng nhạc này là điều có thật và nếu không vinh danh nó trên sóng truyền hình thì thật đáng tiếc”.
Vậy là, nhiều chương trình âm nhạc Bolero dưới bàn tay đạo diễn của NSƯT Vũ Thành Vinh đã ra đời, giới thiệu đến khán giả nhiều giọng hát chinh phục khán giả như Tố My, Quý Bình, Tấn Hoàng,...
Nhưng cũng giống như hài kịch, với tần suất dồn dập của các chương trình về nhạc Bolero trong năm qua, nhiều đồng nghiệp cũng lên tiếng gièm pha dòng nhạc này. NSƯT Vũ Thành Vinh chia sẻ: “Tôi chẳng để ý nhiều về những điều đó, vì tôi biết mình đang làm gì. Thời buổi này chúng ta không thể áp đặt những suy nghĩ chủ quan của mình rồi bắt người khác nghe theo.
Có nhiều người phát biểu về Bolero để ăn theo thì đúng hơn là xây dựng. Bản chất của Bolero là tiếng lòng, mà những gì là tiếng lòng thì sẽ ở lại rất lâu. Chúng tôi đã thành công trong việc đưa dòng nhạc Bolero trở lại một cách mạnh mẽ, và được nhiều người đón nhận đó là một điều hạnh phúc cho những người làm nghề như tôi. Còn những thị phi khác, hãy cứ để khán giả phán xét”.
Qua nhiều năm, sân khấu Truyền thông Khang của đạo diễn Vũ Thành Vinh đã tạo ra không ít quán quân. Thậm chí đến mức quá nhiều quán quân dù điều đó là cần thiết khi môi trường văn hóa ngày càng phong phú.
Nói về hướng đi mà các nghệ sĩ có thể tiến xa với nghề và thoát khỏi cái bóng của danh hiệu, nghệ sĩ Vũ Thành Vinh bày tỏ: “Tất nhiên, đã tổ chức cuộc thi thì phải vinh danh người chiến thắng. Danh hiệu trong một cuộc thi là sự ghi nhận nỗ lực của thí sinh sau một chặng đường nhất định. Đó cũng là cơ hội, là bàn đạp để thí sinh được khán giả biết đến nhiều hơn”.
Song, anh cũng khuyên đàn em: “Nhưng để nổi tiếng và chiếm được trái tim của khán giả thì đó là sự nỗ lực lâu dài và không ngừng của người nghệ sĩ. Thậm chí, với các nghệ sĩ nổi tiếng nhất hiện nay, họ vẫn đang lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ.
Gameshow chỉ kéo dài vài tháng, chỉ giúp bạn có những bước đi ban đầu để khán giả biết đến. Còn về đường dài, muốn được sống với nghề, được khán giả nhớ tên và ủng hộ thì chỉ có cách là phải lao động nghệ thuật miệt mài, chăm chỉ và có tâm, có trách nhiệm. Chứ chiêu trò thì sẽ có cái giá của nó”.
Vừa đảm nhận chuyên môn đạo diễn, vừa điều hành sản xuất nhiều chương trình, NSƯT Vũ Thành Vinh vui vẻ nói: “Bạn bè thường gọi vui tôi là “doanh sĩ”, tức là nghệ sĩ làm kinh doanh. Mà đúng là để hài hòa giữa cái “bay” của nghệ thuật và sự “tỉnh” trong kinh doanh là một thách thức rất lớn. Vì tôi hiểu, nghệ sĩ có thể thỏa sức biểu diễn, người làm kinh doanh thì cần lợi nhuận. Nhưng “doanh sĩ” thì phải cân bằng 2 điều này.
Sản phẩm tôi làm ra là văn hóa giải trí, nó vô hình chứ không cụ thể như gói xôi, tô phở nên không thể đong đếm được giá trị vật chất một cách chính xác với mấy trăm triệu, mấy tỷ đồng. Vì là sản phẩm văn hoá để phục vụ số đông công chúng nên chúng tôi rất cẩn trọng và đặt cái tâm của mình vào từng điều nhỏ nhặt. Đó là trách nhiệm mà chúng tôi theo đuổi”.