Phạm Đức Dũng được biết đến là đạo diễn trẻ có nhiều năm làm phim hài Tết với những bộ phim mang chất hiện đại, phản ánh cuộc sống hối hả, nhưng cũng không kém phần vui vẻ hiện nay. Có thể kể đến nhưng bộ phim như: Khóc hay cười, Seri phim Tiền đồ với sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng như: NSND Trung Hiếu, Quang Thắng, Hiếu Hiền…
Trong cuộc trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, đạo diễn Phạm Đức Dũng lên tiếng về phim hài nhảm, về những khó khăn mà nhiều đoàn làm phim làm hài Tết đang gặp phải hiện nay.
Đừng đánh đổi tiếng cười bằng từ “nhảm”
Chào đạo diễn Phạm Đức Dũng, cứ cuối năm, nhiều đoàn làm phim lại rộn ràng sản xuất phim Tết. Anh có cho rằng, sự ra đời ồ ạt nhiều phim hài Tết quá sẽ khiến cho khán giả chán và ngán ngẩm vì “phim nào cũng gần giống nhau” không?
Các cụ có câu “buôn có bạn, bán có phường”, tôi cho rằng, nhiều đoàn làm phim hài Tết sẽ tạo ra thị trường phim phong phú hơn, khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn. Mỗi bộ phim đều có một nội dung kịch bản khác nhau, nên nếu nói “phim nào cũng gần giống nhau” là không đúng.
Lâu nay, tôi rất tự tin vào năng lực của mình. Càng đông nhà sản xuất phim, tôi lại càng biết mình đứng ở đâu, giá trị của tôi như thế nào. Bản thân tôi không ngại về sự cạnh tranh giữa các phim với nhau. Vì tôi tin vào khả năng của mình.
Vài năm gần đây, nhiều người cho rằng, phim hài Tết có nội dung nhảm nhí quá nhiều. Vậy, làm thế nào phân biệt được phim hài nhảm và không nhảm?
Tôi không quan niệm là hài nhảm hay không nhảm, đừng đánh đổi tiếng cười bằng từ “nhảm” mà người ta hay nói. Sau một năm làm việc mệt mỏi, thì vào dịp Tết đến xuân về, việc được xem phim hài Tết để cười là một nhu cầu tất yếu.
Hãy coi phim hài Tết như một món rau salad trên bàn tiệc, nó sẽ làm khán giả đỡ ngán hơn sau khi ăn đủ cao lương mỹ vị. Không có tiếng cười nhảm, chỉ có chuyện, kịch bản phim đó có đáng cười hay không thôi.
Được biết, năm nay anh có làm phim Tết mang tên Tiền đồ 4 với sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng như: NSND Trung Hiếu, Thanh Hương, Xuân Nghị, Hiếu Hiền... mời những diễn viên này có khó không, bởi cuối năm, họ cũng chạy show rất nhiều?
Tôi và các anh chị diễn viên có mối quan hệ khá tốt, nên khi tôi có dự án là được họ ủng hộ luôn. Cuối năm đúng là các diễn viên rất bận với nhiều show diễn, bộ phim, nhưng vì tình cảm quý mến nhau nên các nghệ sĩ đã sắp xếp thời gian để tham gia phim của tôi. Năm ngoái, diễn viên Thanh Hương bận quay phim Quỳnh búp bê nên không kịp tham gia, nhưng năm nay chị đã nhận lời tham gia phim của tôi.
Năm vừa rồi, diễn viên Xuân Nghị được chú ý khi vào vai Mr. Cần- trô trong phim Ngày ấy mình đã yêu, anh nhận xét gì về Xuân Nghị? Liệu cách diễn của Nghị có “khớp” với các diễn viên miền Bắc luôn không?
Xuân Nghị là một diễn viên trẻ có cách diễn linh hoạt, ấn tượng. Ngoài đời, Mr. Cần – trô Xuân Nghị cũng hài hước lắm. Bạn ấy biết cách biến hoá trong cách diễn, và tôi tin rằng bạn sẽ rất ăn ý với dàn diễn viên ngoài Bắc. Tôi cũng từng học ở TP.HCM và tôi hiểu rằng, sự kết hợp giữa các diễn viên là rất quan trọng để tạo nên tính logic của bộ phim. Quan trọng là diễn viên có nghề thật sự, thì họ không ngại điều gì cả.
Anh có tự tin rằng, phim hài Tết của mình sẽ được khán giả đón nhận không, vì cuối năm, có nhiều sản phẩm được trình làng lắm?
Phim của tôi năm nào cũng hàng chục triệu lượt xem, qua đó tôi cũng biết được thị hiếu của khán giả là như thế nào. Tôi luôn chú trọng đến những điều mới mẻ, mang tính thời sự và hướng đến thị hiếu của khán giả. Quan trọng nhất là nắm bắt được sở thích của khán giả và khán giả chính là yếu tố để tôi sáng tạo. Hy vọng, những nỗ lực của ê-kíp sẽ khiến khán giả hài lòng.
Không nhặt lại bối cảnh, kịch bản của người khác
Người ta cho rằng, nhiều nhà sản xuất làm phim hài Tết chỉ để... lấy tiền của nhà tài trợ, nhưng nội dung phim rất nhảm. Anh nói gì về điều này?
Sự thật là nhiều đoàn làm phim hiện nay “mọc” lên theo kiểu tự phát. Đơn vị tôi có thương hiệu nên rất chỉn chu. Còn với các đơn vị tự phát, nếu nhà tài trợ không tỉnh là họ lấy tài trợ xong làm ẩu, nội dung phim không ổn tí nào. Những bộ phim hài Tết chất lượng thấp đó rất mang tiếng các nhà làm phim.
Có những đạo diễn xin đi theo tôi sang Hàn Quốc để xem phim được sản xuất thế nào, nhưng họ về Việt Nam lại nói với đối tác là phim do chính họ đạo diễn. Rồi bối cảnh phim tôi làm năm trước, thì năm sau họ nhái theo. Tôi cũng dựa vào các nhà tài trợ, nhưng một mặt vẫn phải đầu tư vào kịch bản phim. Khi viết kịch bản tôi thường đầu tư kỹ, viết những vấn đề mang tính thời sự mà khán giả luôn mong đợi ở phim hài của mình.
Nếu có ý kiến cho rằng, vì phim hài Tết của mình dở quá, nên anh phải mời những diễn viên tên tuổi tham gia để được chú ý hơn, anh có buồn không?
Tôi nghĩ, mỗi người một suy nghĩ, họ nói sao thì chịu thôi, tôi không có thói quen đi đôi co với dư luận. Nếu mời được diễn viên nổi tiếng mà kịch bản dở, đạo diễn kém, thì phim vẫn nhảm như thường. Phim của tôi khán giả đã đón nhận bao năm qua rồi, đã có tên tuổi, có thương hiệu, nên tôi luôn tự tin với bất kỳ sản phẩm nào ra mắt. Bao năm qua, tôi làm phim với đề tài luôn mới, tôi không nhặt lại bối cảnh, kịch bản của người khác.
Theo anh, để một bộ phim hài Tết được khán giả chú ý đến, thì kịch bản chiếm bao nhiêu phần trăm mới làm nên thành công của phim?
Tôi cho rằng, kịch bản chiếm 40% đấy. Ngoài ra, các yếu tố khác như: Diễn viên, bối cảnh, diễn xuất cũng rất quan trọng.
Nhiều nhà sản xuất hiện nay làm hài Tết theo hơi hướng hài dân gian, anh có định theo mô-típ này không?
Thực ra, việc thực hiện hài Tết dân gian cũng gặp khá nhiều cản trở. Cái khó ở chỗ, nếu có kịch bản hay thì việc đi tìm bối cảnh xưa ở hiện tại cũng rất khó khăn vì nhà cao tầng đang mọc san sát nhau. Tôi thích làm phim hiện đại, động chạm đến các vấn đề nóng hổi của thời cuộc. Mỗi đạo diễn có một hướng đi riêng, và tôi cũng vậy.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!