Từng không thiện cảm với hình ảnh “soái ca”
Đang có sự nghiệp xán lạn ở Mỹ, tại sao đạo diễn Leon Quang Lê lại quyết định trở về Việt Nam làm phim?
Nói là xán lạn thì hơi quá, đúng hơn tôi có một cuộc sống ổn định. Nhưng, trong sự ổn định sẽ luôn thấp thoáng cảm giác nhàm chán, nhất là với một người luôn tìm kiếm thử thách mới như tôi.
Tôi không về Việt Nam làm phim vì cần công ăn việc làm, mà trái lại tôi đã phải hy sinh rất nhiều trong cuộc sống riêng tư cũng tài chính. Để hoàn tất Song Lang từ lúc đi kêu gọi đầu tư, quá trình tiền kỳ, quay phim và hậu kỳ, cho đến thời điểm này tôi đã ở Việt Nam gần 2 năm. Nhưng, nếu phải làm lại từ đầu, tôi vẫn chấp nhận đánh đổi tất cả để thực hiện giấc mơ điện ảnh của mình.
Những trở ngại bước đầu anh gặp phải khi “chân ướt chân ráo” thực hiện dự án đầu tay?
Trở ngại đầu tiên chính là tìm kiếm nhà đầu tư. Trong suốt quá trình đi chào kịch bản, hầu hết mọi người đều từ chối mặc dù họ biết rằng, đây là một kịch bản hay, nhưng “mấy phim nghệ thuật này không ai xem đâu!”.
Thất vọng thì có, nhưng tôi chưa một lần có ý định bỏ cuộc. Tôi luôn tin tưởng rằng mình sẽ thực hiện được Song Lang. Và đến với Ngô Thanh Vân, tôi đã tìm được người đồng hành cùng mình trong dự án này.
Những trở ngại sau đó thuộc về phần thiết kế và bối cảnh. Sài Gòn bây giờ đã thay đổi quá nhiều, trong khi bộ phim được lấy bối cảnh vào thập niên 80.
Dù ban đầu không hề ấn tượng với Isaac, nhưng điều gì ở chàng ca sĩ này khiến anh bị thuyết phục và đổi ý?
Bản thân tôi vốn không thiện cảm với hình ảnh “soái ca” nói chung, chứ không riêng gì với Isaac. Hai chữ “soái ca” làm tôi liên tưởng ngay đến những công tử trắng trẻo mang phong cách Hàn, Trung, Thái… quá chải chuốt, luôn cố giữ hình ảnh bóng bẩy, nên không còn một chút cá tính. Nhưng, sau khi trò chuyện cùng Isaac, tôi nhận ra ngoài vỏ bọc “soái ca”, ẩn bên trong anh là một người thông minh và tình cảm, có nhiều điểm tương đồng với kép hát Linh Phụng.
Sau đó, Isaac cũng trải qua quá trình thử vai như bao diễn viên khác, trước khi tôi quyết định giao vai. Chứ không ai có thể áp lực tôi chọn diễn viên, nhất là một vai diễn quan trọng trong phim Song Lang.
Vậy, đạo diễn Leon Quang Lê đã “mài giũa” thế nào để giúp Isaac từ một ca sĩ thần tượng thể hiện đúng chất một kép chánh Linh Phụng?
Để thể hiện được vai kép cải lương Linh Phụng, Isaac phải trải qua một quá trình học ca và vũ đạo cải lương. Rất may Isaac đã có căn bản nhạc lý, nên nhịp nhàng rất tốt. Điều khó nhất đối với Isaac chính là những luyến láy, nhấn nhá đặc trưng của cải lương, mà đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài năng khiếu trời cho, còn phải trải qua cả đời tập luyện và trau dồi mới có thể hoàn thiện.
Tôi hiểu mình không thể đòi hòi một ca sĩ nhạc Pop có thể ca diễn cải lương trọn vẹn như một nghệ sĩ cải lương thực thụ. Tôi thường nói với Isaac rằng, nếu muốn kiếm người khác để hát thế các phân đoạn cải lương thì quá dễ. Rất nhiều phim ca nhạc thế giới hiện giờ vẫn áp dụng cách này. Nhưng, tôi không hứng thú với việc đó. Tôi muốn diễn viên của mình phải tự đảm nhận phần ca, diễn, vũ đạo. Có như thế, họ mới cảm nhận, mới hiểu được cái hay, cái khó của cải lương để trân trọng nó hơn và diễn tả một cách thuyết phục vai diễn đó. Đối với tôi, cái hay, cái nghệ thuật và thú vị nằm ở chỗ đó. Sự không hoàn hảo đôi lúc lại là những điều tuyệt vời nhất.
Tuy nhiên, với một ca sĩ trẻ lần đầu thử sức với cải lương, nhưng chỉ có 2 tháng để tập luyện liệu có “non” quá so với Isaac?
Hai tháng tập luyện để có thể ca, diễn được như một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp đều là một thời gian “non” với bất cứ ai. Nếu tôi chọn một nghệ sĩ cải lương thực thụ, thì tôi cũng cần phải có thời gian để tập luyện cho họ từ bỏ những thói quen diễn xuất đặc trưng của sân khấu cải lương và làm quen với những kỹ năng điện ảnh.
Nói chung, không có con đường nào là đường tắt, là dễ. Nếu đòi hỏi một khoảng thời gian tập luyện đúng theo ý tôi, rồi mới bắt tay vào quay thì sẽ không một nhà sản xuất hay diễn viên nào chấp nhận hợp tác. Chúng ta đang làm phim ở Việt Nam, với một phong cách làm việc chạy nước rút từ bao đời, thì tôi chỉ có sự chọn lựa duy nhất đó là hoà nhập và linh động, để làm sao cuối cùng vẫn đạt được mục đích nghệ thuật của mình.
Trước khi bộ phim ra mắt, anh hé lộ rằng, Song Lang bị Hội đồng duyệt phim Quốc gia yêu cầu cắt một số cảnh mới cho ra rạp. Phải chăng, đây là những cảnh nóng liên quan đến Isaac và Liên Bỉnh Phát?
Tôi chỉ chia sẻ rằng, phim nhận được vài yêu cầu chỉnh sửa từ cục, không hơn, không kém. Tôi cũng không hiểu sao điều suy đoán đầu tiên của mọi người về cảnh bị cắt lại phải là cảnh nóng. Điện ảnh Việt Nam trước giờ đâu thiếu những cảnh nóng táo bạo đã được duyệt.
Thật sự, nó làm tôi hơi khó chịu khi thấy những suy diễn, nhận định ban đầu với sản phẩm của mình với một góc nhìn có phần hời hợt và “xôi thịt”. Có lẽ, vì đây là đứa con tinh thần của mình, nên tôi có cảm giác khi ai đánh giá nó, đồng nghĩa họ cũng đang đánh giá người sinh ra nó.
Tuy nhiên, không ít khán giả thắc mắc, việc chia sẻ thông tin này trước thềm phim ra rạp liệu có phải là “chiêu” để thu hút khán giả?
Việc bị yêu cầu chỉnh sửa một bộ phim cho phù hợp tiêu chí của hội đồng xét duyệt trước khi ra mắt dù có làm cho tôi lúng túng hay đau đầu cũng là chuyện rất bình thường, và Song Lang không phải là trường hợp cá biệt. Nếu sản phẩm cần PR thì đã có nhà sản xuất, tôi không đoái hoài, cũng không bao giờ chấp nhận đích thân đảm đương trách nhiệm này.
Trong trách nhiệm người nghệ sĩ với sản phẩm của mình, “chiêu” duy nhất của tôi để thu hút khán giả chính là bằng tất cả khả năng cho ra đời một sản phẩm điện ảnh hay, đẹp, chỉn chu và tâm huyết nhất.
Nghệ thuật và thương mại chưa để dung hoà
Cải lương vốn là một đề tài khá kén người xem, trong khi yếu tố doanh thu, lợi nhuận là rất quan trọng. Dường như đạo diễn Leon Quang Lê đang tự làm khó mình?
Thời gian qua, không thiếu những bộ phim điện ảnh với các thể loại mà nhiều người cho rằng là “dễ thắng” như: ngôn tình, học đường, kinh dị, hài, remake… Nhưng, phần lớn đều không thành công như mong đợi. Vậy ai có thể khẳng định thế nào là công thức làm phim ăn chắc? Nếu làm phim bất chấp thể loại gì cũng đều là “canh bạc”, thì tôi thà làm một bộ phim đúng theo ý mình, thay vì “bán rẻ linh hồn” làm những dự án mình không thật sự yêu thích, để rồi phần thắng cũng không nắm chắc được trong tay.
Vậy, theo đạo diễn Leon Quang Lê, làm sao để có thể cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và thương mại?
Tôi tin, trình độ khán giả chúng ta không thấp như các nhà sản xuất, đầu tư đang đánh giá hiện giờ. Tôi nhận thấy điều này qua các sản phẩm điện ảnh được tung ra thị trường hàng tuần.
Dường như mọi người đang “tham” quá khi cái gì cũng muốn, mà muốn ngay lập tức. Vừa muốn “nghệ thuật”, vừa muốn lời, mà phải lời thật nhiều. Ai cũng muốn phim mình thu về trăm tỷ. Mà để đạt được điều đó, thì công thức duy nhất là con số đầu tư phải thật thấp, sản xuất thật nhanh, phim phải chạy theo thị hiếu, chiêu trò PR lố lăng để câu khách. Đó chính là lý do mà hai yếu tố nghệ thuật và thương mại chưa để dung hoà.
Cần phải có những nhà đầu tư, sản xuất phim thật sự yêu điện ảnh, máu lửa để sẵn sàng hy sinh. Tôi không yêu cầu họ phải làm phim bất chấp khán giả, để nhận thua lỗ. Nhưng, họ cần chấp nhận sản xuất những sản phẩm với tiêu chí lời ít hay chỉ cần hoà vốn là đủ, để qua đó từ từ nâng tầm nghệ thuật, nâng thị hiếu khán giả và cân bằng lỗ hổng của thị trường điện ảnh Việt.
Cảm ơn những chia sẻ của đạo diễn Leon Quang Lê!