Đạo diễn Trần Lực: Tôi chỉ đào hoa trên phim ảnh

Đạo diễn Trần Lực: Tôi chỉ đào hoa trên phim ảnh

Thứ 7, 30/03/2013 17:10

Từng nổi tiếng là gương mặt điển trai bậc nhất của điện ảnh Việt Nam những năm cuối thế kỷ 20, Trần Lực để lại nhiều dấu ấn với những vai diễn đầy số phận.

Nhưng cũng gần 10 năm nay, anh không còn xuất hiện trên màn ảnh nữa mà lui vào hậu trường, lặng lẽ và kiên nhẫn đứng sau những gương mặt mới. Sự ẩn dật của anh làm dấy lên nhiều câu chuyện độc đáo. Nhưng không phải chuyện nào cũng đúng với sự thật.

Hạnh phúc sau những đổ vỡ

Trần Lực hẹn tôi một buổi cà phê sáng để chuyện phiếm vui vẻ thay vì một cuộc phỏng vấn với nhiều câu hỏi mà anh không muốn trả lời. Chỗ ngồi của chúng tôi ngay ven Hồ Tây, cách công ty Đông A của anh chưa đầy 100m. Trần Lực nói, mỗi ngày anh chỉ muốn loanh quanh trong cái không gian lộng gió này. Cũng đúng thôi, với một nơi hữu tình, tĩnh lặng mà khoáng đạt thế này, không muốn yêu mến và gắn bó mới là lạ.

Mỗi ngày, ngoài công việc làm phim, anh còn có thú vui chụp ảnh. Niềm đam mê theo anh từ khá lâu nhưng mãi tận sau này, khi Đông A (tên công ty truyền thông của Trần Lực) đã thực sự trưởng thành và đi vào hoạt động, anh mới có chút thời gian để tự do phiêu du với những shoot ảnh. Trần Lực khoe với tôi những bức ảnh anh vừa chụp. Một con sóng lang thang, một cảnh hoàng hôn thơ mộng trên mặt hồ và gương mặt kháu khỉnh, ngây thơ của những đứa trẻ nhà anh. 

Nhân vật - Đạo diễn Trần Lực: Tôi chỉ đào hoa trên phim ảnh

Đạo diễn Trần Lực.

Có lẽ Trần Lực đang sống những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình. Một hạnh phúc giản dị nhưng ấm áp mà anh có được sau những đổ vỡ, mất mát, kiếm tìm. Người đàn bà hiện tại của anh là một người phụ nữ bình thường, không nổi tiếng và cũng không quá xinh đẹp. Người ta nói, Trần Lực đã biết cách chọn vợ thực tế hơn. Anh mỉm cười: "Vợ chồng là số phận rồi. Một khi ông trời đã se duyên thì không thể tránh được. Tôi chẳng phải là gã đàn ông trần trụi đến mức thực dụng ngay cả trong hôn nhân, tình yêu.

Tìm đến một người phụ nữ bình thường như bạn nói ấy là một cách lựa chọn một cuộc sống bình yên, giản dị. Ấy thế mà đôi lúc cũng không được. Vợ tôi sợ nhất những bài báo giật tít nói về cô ấy, xưng tụng là trợ lý đắc lực hay người đàn bà giỏi giang đứng phía sau lưng chồng. Thực tế, công việc của tôi và cô ấy không liên quan gì đến nhau. Nghề của tôi rất đặc thù. Cô ấy không phải là diễn viên, càng không phải là đạo diễn hay biên kịch, có muốn giúp chồng cũng chẳng biết làm thế nào. Tôi chỉ cần cô ấy xem phim của mình là được. Quan điểm sống của chúng tôi, là không bao giờ nói chuyện công việc hay nghệ thuật ở nhà".

Đào hoa là từ mà khán giả và bạn bè hay nói về anh. “Điều này cũng có lý nhưng chỉ là trên phim ảnh”, Trần Lực thanh minh. Tôi nhớ đến những vai diễn phong tình của anh. Cái tên Trần Lực ngày ấy luôn được đặt cạnh với nhiều giai nhân như Chiều Xuân, Thu Hà, Lê Khanh, Thanh Mai và làm nên biết bao hình ảnh đẹp đẽ, lãng mạn về tình yêu, cuộc sống. Nhiều thế hệ Việt Nam đã lớn lên trong sự say mê về những thiên diễm tình đẫm lệ trong Người yêu đi lấy chồng, Anh chỉ có mình em, Hoa ban đỏ, hay thơ mộng mà day dứt với Người đi tìm dĩ vãng, Mẹ chồng tôi, Đời hát rong. Lẽ dĩ nhiên, Trần Lực cũng trở thành một phần trong dòng ký ức ấy.

Thi thoảng anh nhớ lại những thước phim. Một con người bận rộn như anh cũng có thể dễ dàng bị cuốn theo những dòng những ký ức ấy xưa cũ ấy. Bởi với anh, "Kỷ niệm là những thứ máu mủ, quen thuộc. Chúng giống như những trang sách, chỉ cần có thời gian là tôi lại mở ra để chiêm nghiệm, nghiền ngẫm. Chúng đánh thức giúp tôi những đam mê, lạc quan, động lực trong nghề nghiệp lẫn cuộc sống".

Nhân vật - Đạo diễn Trần Lực: Tôi chỉ đào hoa trên phim ảnh (Hình 2).

Đạo diễn Trần Lực (phải) đang trò chuyện cùng Huy Khánh.

Phụ nữ đẹp ở sự hi sinh

Trần Lực luôn có cách nói chuyện khiến người đối diện cảm thấy thoải mái. Anh dí dỏm, lãng mạn nhưng không hề màu mè. Dường như vẻ nghệ sĩ, phong tình, lãng tử của anh không hề cũ đi theo năm tháng. Ngược lại, mái tóc dài đặc trưng, vóc dáng cao gầy càng làm anh trẻ hơn nhiều so với cái tuổi xấp xỉ ngũ tuần.

Người đàn ông này từng đi rất nhiều, sống rất lâu ở nước ngoài nhưng vẫn yêu đến cùng vẻ đẹp dịu dàng, sự nhu mì, giàu đức hi sinh của người phụ nữ Việt. Với Trần Lực, sự chờ đợi, mong ngóng của người đàn bà trong một bữa cơm cuối ngày, ấy là lãng mạn, Mong chồng về chỉ để nói một câu hờn dỗi mà hạnh phúc, riêng điều đó thôi cũng đủ khiến những đức ông chồng kia ấm lòng. Nhưng chúng ta lại đang thiếu điều đó bởi những bận rộn, bộn bề của cuộc sống mà không thể sắp xếp một cách ngăn nắp được. Một người đàn ông từng trải, phong tình là thế, điều cuối cùng vẫn là khát vọng trở về dưới một mái ấm, nơi có người đàn bà mang đúng nghĩa gia đình.

Anh kể với tôi về một bà chị họ xa, mà theo anh đó là hình ảnh mẫu mực về người phụ nữ Việt. Nhà tôi ngày xưa rất gia giáo, phong kiến. Nhưng tôi lại luôn mong có một cuộc sống gia đình như cái ngày xưa ấy. Mọi thứ trong nhà đều có trên có dưới, rất đầm ấm. Người phụ nữ luôn quán xuyến mọi chuyện, từ việc bếp núc đến việc to, việc nhỏ của gia đình. Với họ đó là niềm hạnh phúc. Họ làm bằng tất cả cái tâm và sự hứng thú của mình. Ngày ấy cuộc sống nghèo thôi nhưng đẹp lắm. Còn bây giờ, dĩ nhiên chúng ta đã thay đổi, đã ảnh hưởng bởi cái hiện đại nhưng vẫn phải duy trì nét đặc trưng của riêng người phụ nữ Việt. Vì đó là gốc tích, là văn hoá, là cội nguồn, là cái làm nên bản sắc dân tộc.

Trong con mắt của nhiều người, Trần Lực của sau hơn 10 năm ngừng đóng phim đã trở nên thực dụng với vai trò mới, vai trò giám đốc một hãng phim với quá nhiều sự lo toan, tính toán. Nhưng hoá ra không phải thế. Anh xoá tan sự nghi ngờ của người viết về những lời đồn thổi. Đau đáu và tỉ mẩn với những thước phim do mình làm ra, Trần Lực chọn cách làm ít để có thể kiểm soát chúng, cũng là một cách để gìn giữ phong cách Đông A mà mình đã cố tạo dựng bấy lâu.

Anh cũng đang lập dự án để chuyển thể thành kịch bản phim những trang sách lãng mạn của các nhà văn Khái Hưng, Trần Tiêu, những cái tên đình đám trong phong trào Tự lực văn đoàn từng làm nên đỉnh cao của tiểu thuyết Việt Nam. Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa hay Thừa tự, những trang sách ấy là một phần tuổi thơ anh. Trần Lực vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống về văn học nghệ thuật ở đất học Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cha anh là GS. NSND Trần Bảng, ông nội là nhà văn Trần Tiêu, em trai của nhà văn Khái Hưng. Dễ hiểu vì sao, anh được ngấm cái máu nghệ sĩ, phong trần từ rất sớm.

Bây giờ, Trần Lực và Đông A đã là những thương hiệu nổi tiếng của điện ảnh, truyền hình Việt Nam. Không còn đứng trước ống kính, nhưng những thước phim do chính tay anh làm cũng mang đến cho anh những độ phiêu linh đặc biệt. Trần Lực nói: "Nghệ thuật, dù ở vị trí nào cũng đều là sự sáng tạo, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có đầu óc tưởng tượng tốt. Dĩ nhiên, để tồn tại với nghệ thuật, mình không thể phi thực tế.

Nghệ thuật và tiền là hai cái dính vào nhau. Anh tử tế thì anh mới thu được tiền và thu được tiền thì mới làm được nghệ thuật tốt. Phim vừa hay vừa tạo ra tiền thì mới thành công và mới tạo được hứng thú đối với nhà sản xuất. Làm phim đôi khi là đầu tư mạo hiểm. Hiệu quả đôi khi nằm ngoài sự kiểm soát của người làm ra nó.           

Tôn trọng cá tính của con

Một tuổi trẻ bồng bột, ngao du, và phiêu lãng, Trần Lực đã sớm có những trải nghiệm. Dù rằng, những va vấp đầu đời của anh có cả những mất mát, xót xa. "Ngày xưa, mỗi lần đóng phim xong là tôi lại dành thời gian để nghỉ ngơi, đưa con trai đi chơi 1, 2 tháng. Hai bố con suốt ngày ăn cơm quán. Bố uống bia, con uống coca, ngồi công kênh với nhau rất vui. Trần Hoàng lúc nhỏ không thích đi với bố. Nó nói ngồi với bố chẳng thoải mái gì, toàn bị người khác nhìn ngó, khó chịu.

Sau này, khi đã lớn lên một chút, cu cậu bắt đầu hiểu và thông cảm với bố hơn. Hai bố con lại sát cánh với nhau, lại cà phê quán xá. Thiên hạ nhìn gì mặc kệ, chỉ cần mình nói nhỏ để họ đỡ nghe thấy là được. Trần Hoàng giờ đã lớn và đang du học ở Ý. Nó theo nghiệp của bố nhưng chưa bao giờ tôi áp đặt bất cứ điều gì với con. Tôi tôn trọng cách sống, tôn trọng cá tính và việc con làm. Không chỉ với Hoàng, các con của tôi, đứa nào cũng có thể nói chuyện với bố như những người bạn".  

Đào Bích

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.