Từng là một diễn viên nổi tiếng được nhiều người biết đến qua những bộ phim tên tuổi: Gánh hàng hoa, Săn bắt cướp nhưng khi khẳng định mình ở vai trò đạo diễn, anh cũng liên tục cho ra đời những "đứa con tinh thần" được khán giả yêu thích. Đó là Ban mai xanh, Cầu vồng tình yêu... Dù là vai trò diễn viên, hay đạo diễn thì Trọng Trinh luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng về một người nghệ sỹ tâm huyết với nghề.
Đạo diễn Trọng Trinh giản dị giữa đời thường.
“Tôi là người bình thản, đứng ngoài cuộc vui và cơ hội toả sáng”
Trọng Trinh nói vui rằng: "Cũng như nhiều nghệ sỹ khác, tôi cố kiếm một nghề tay trái cho bằng bạn bằng bè. Vui là thế nhưng, cái tôi muốn là tình yêu nghệ thuật cháy bỏng truyền tới những em học sinh". Cách nói rất phù hợp với hình dung ngoài đời của anh, là quần bò, áo phông cùng với lối nói chuyện cởi mở, gần gũi. Một tuần, anh dành 2 - 3 buổi tham gia giảng dạy ở lớp học diễn xuất tại trường Sân khấu điện ảnh. Anh tâm sự: "Tôi "thương" học sinh của tôi không chỉ bằng tình thương của người thầy mà còn bằng tình cảm giữa những người đồng nghiệp với nhau. Tôi hiểu cái "bạc" của nghề mà." Bởi trong vô số học trò của anh, có nhiều diễn viên trẻ, triển vọng đã rẽ ngang vì không đủ sự nhẫn nại để theo đuổi nghệ thuật chân chính.
Là thế hệ đi trước, Trọng Trinh vô cùng tâm lý khi đứng trên bục giảng. Mặc dù anh không phủ nhận mình là người khá kỹ tính trong công việc và luôn đưa ra những tiêu chuẩn khá nghiêm khắc đối với diễn viên nhưng đằng sau đó anh lại rất thông cảm với nhịp học tập đôi khi có phần chểnh mảng của học sinh. Trọng Trinh hiểu rất rõ, bên cạnh những thuận lợi thì lớp diễn viên trẻ kề cận đang gánh trên vai những áp lực không tên của cuộc sống hiện đại.
"Ngày xưa, cuộc sống của thế hệ chúng tôi chủ yếu dựa trên nền tảng là sự cào bằng nên những thiệt - hơn trong cuộc sống không quá khắc nghiệt như bây giờ. Có lẽ cũng một phần vì thế nên mọi tâm huyết đều dồn hết cho việc học tập" - anh tâm sự. Hiểu thời thế nên khi là thầy giáo, anh truyền thụ cho học sinh không chỉ là những kỹ năng diễn xuất mà còn cho họ một lăng kính để nhìn nghề một cách thấu đáo. Phương pháp "truyền lửa" rất riêng này của anh giúp học sinh hiểu được trách nhiệm khi gánh hai từ nghệ sỹ trên vai cũng như cái gọi là "mang cái nghiệp vào thân". "Nghệ sỹ là một nghề chân chính và được xã hội tôn trọng. Theo nghiệp diễn đồng nghĩa với việc mình có nhiều cơ hội để thể hiện nhiều thân phận và sống nhiều cuộc đời khác nhau. Sao lại không đam mê cho được" - Trọng Trinh trầm ngâm nói.
Với Trọng Trinh, đạo diễn là niềm đam mê nhưng không phải lúc nào người đạo diễn cũng "lên đỉnh" (tức thoả mãn - PV) được với nghề. Trước thực trạng hàng loạt những đạo diễn gạo cội đang chuyển nghề, thậm chí chán nghề, bỏ nghề đi làm giám khảo các game show, kinh doanh... thì Trọng Trinh lại bình thản. Anh chia sẻ: "Thực tế, các chương trình giải trí đang phát triển rầm rộ với những kịch bản hấp dẫn được mua lại từ nước ngoài, thì giám khảo luôn là một cơ hội để tỏa sáng. Nhưng, tôi lại là người bình thản, đứng ngoài cuộc vui và cơ hội toả sáng ấy".
Trọng Trinh tâm sự: "Tôi nhận được không ít những lời mời từ những nhà tài trợ và ban tổ chức chương trình giải trí, game show truyền hình nhưng tôi đều khéo léo từ chối". Anh lý giải: "Những game show truyền hình thực tế luôn tuân theo kịch bản đã được sắp đặt sẵn, ngay cả những yếu tố tung hứng để gây kịch tính thì người trong cuộc lẫn ngoài cuộc đều có thể đoán trước. Vì thế, tôi từ chối thứ hào quang của cương vị giám khảo sắp đặt mà chọn nghề "giám khảo hồn nhiên" (tức thầy giáo - PV) để được tự do đánh giá năng lực của các học trò".
Đối với Trọng Trinh, đạo diễn không chỉ là một nghề mà còn là nghiệp đeo đẳng. "Đạo diễn mang đến cho tôi những khoảng lặng cần thiết đủ để hồi sinh những sáng tạo nghệ thuật trong mình. Tôi là nghệ sỹ nên ghét những sáng tạo nửa vời và dứt đoạn. Sáng tạo nghệ thuật theo tôi là một cỗ xe chạy liên hồi nhưng hỏng hóc thì phải thay, bảo dưỡng, thậm chí đại tu. Thế nên, bỏ hẳn nghiệp mà theo nghề khác thì tôi không làm được" - Trọng Trinh bộc bạch. Theo vị đạo diễn này, thực tế, nghề tay trái như giám khảo game show đem lại cho đạo diễn khoản thu nhập không nhỏ nhưng nó cũng được coi là khoảng lặng để người nghệ sỹ "làm mới" nghề của mình.
Một cảnh trong phim "Cầu vồng tình yêu" do Trọng Trinh làm đạo diễn.
... Chuyện nghề
Với lợi thế là một diễn viên gạo cội, trưởng thành và tỏa sáng qua từng vai diễn, Trọng Trinh quyết định gắn bó với nghề đạo diễn. Một nguyên tắc trong công tác đạo diễn của anh được ghi nhận là dù diễn viên trẻ mới ra trường hay những nghệ sỹ nổi tiếng, anh luôn tôn trọng họ. Ít ai biết đằng sau những thành công rực rỡ của bộ phim truyền hình dài tập gần đây nhất có tên Cầu vồng tình yêu được chuyển thể từ kịch bản phim Hàn Quốc cùng tên thì cái vất vả nhất của người đạo diễn chính là việc thuyết phục diễn viên tham gia phim.
Anh nói: "Số lượng diễn viên huy động lên tới con số hơn 100 người nên việc đo ni đóng giày cho từng diễn viên không đơn giản. Đến phút cuối, có phân cảnh đổ bể bởi lý do diễn viên "ngại" kịch bản nước ngoài hay sợ bị mất hình ảnh đẹp do không tỏa sáng được như những diễn viên nước bạn. Gặp những tình huống như thế, tôi phải dùng phương pháp tâm lý, khéo léo khơi dậy lửa nhiệt huyết, lòng yêu nghề để thuyết phục diễn viên. Là người đứng mũi chịu sào cho bộ phim nên tôi hiểu rất rõ, muốn chạm đến thành công cần phải có sự phối hợp ăn ý giữa diễn viên và đạo diễn. Thành công phải được xây dựng trên nguyên tắc thoải mái về tâm lý khi làm việc”.
Anh thành thật chia sẻ: "Bản thân tôi trong suốt quãng thời gian tham gia các vai diễn, cùng làm việc với rất nhiều đạo diễn nổi tiếng nhưng chưa bao giờ có chuyện "chạy" đạo diễn để được phân vai hay có hiện tượng đạo diễn xử ép, cho diễn viên này nhận vai này, bỏ vai khác...".
Trước thông tin, một số diễn viên trẻ "tố" đạo diễn gây khó dễ cho diễn viên bằng cách cho quay đúp nhiều lần phân đoạn của diễn viên, anh chỉ hài hước cho rằng, đó là những đạo diễn tâm huyết với nghề. Diễn viên nên cảm ơn vị đạo diễn đã "xử ép" để mình trưởng thành hơn. Anh lý giải điều này theo hướng thân thiện ở chỗ, nhu cầu văn hóa giải trí đang bùng nổ thì người đạo diễn cũng đứng trước sức ép về tiến độ hoàn thành những sản phẩm của mình nhanh, hiệu quả. Mà, thực tế làm việc nhanh thì khó có thể hiệu quả. "Chính vì thế rất khó kiếm được những đạo diễn tỉ mỉ với "đứa con tinh thần" của mình đến mức mỗi cảnh quay, cứ quay đúp hoài để tự làm tốn kém về sức người cũng như sức của, thời gian của toàn bộ ekíp. Trong khi, kinh phí của bộ phim là do đạo diễn phải chịu trách nhiệm trang trải. Mà, phim truyền hình thì kinh phí thật eo hẹp, đạo diễn phải thắt lưng buộc bụng".
Cảm xúc với vai diễn công an bắt tướng cướp Bạch Hải Đường Trọng Trinh gắn bó với nghề đạo diễn khi đang ở đỉnh cao trong nghiệp diễn. Anh tâm sự: "Tôi đang nổi với vai diễn máu lửa là chiến sỹ công an Năm Hà với hàng loạt những màn rượt đuổi nguy hiểm trên mô tô hay đánh đu trên xe tải chạy với tốc độ chóng mặt để truy bắt tướng cướp Bạch Hải Đường và một số vai diễn khác, lại chuyển sang làm đạo diễn, có lý do của nó. Khi đó, tôi vừa là diễn viên nhưng lại đang học nghề đạo diễn. Khi là diễn viên, cảnh quay đúp ở phim trường đối với tôi là hiếm. Khi là đạo diễn, thì rất khác". Nhiễu loạn danh xưng nghệ sỹ Trải qua những thăng trầm của nghề, thêm nhiều kinh nghiệm trong diễn xuất đồng nghĩa với việc anh tự biết cách làm "mềm" mình hơn. Trước hiện tượng một số diễn viên trẻ thay vì việc đầu tư cho những vai diễn lại "đi tắt đón đầu" bằng những chiêu trò đánh bóng bản thân, anh bình thản cho rằng, nghệ sỹ cũng chỉ là một nghề trong xã hội nên việc "phân chia đẳng cấp, giai tầng" phụ thuộc vào nhận thức cũng như năng lực của từng người, vào đánh giá của khán giả và người yêu mến nghệ thuật. Trọng Trinh cho rằng những danh xưng "nghệ sỹ", "ngôi sao"... được nhiều người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tự ý gắn mác tràn lan như hiện nay là một sự xúc phạm đến các nghệ sỹ chân chính. "Tôi thấy vô cùng lo ngại cho một lớp trẻ hiện nay đang bị thứ hào quang vô hình bủa vây..." - Trọng Trinh cho biết. |
Tuệ Linh