“Kho báu” bên bờ ruộng
Vào những ngày cuối tháng 11, người dân thôn Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa (Quốc Oai, Hà Nội) tình cờ phát hiện được chum tiền cổ với số lượng lớn khi đang tiến hành làm đường liên thôn.
Theo thông tin của người dân nơi đây, chum tiền cổ đầu tiên được phát hiện nằm ngay trên thửa ruộng đầu làng, cách cổng làng chừng 150m. Người đầu tiên phát hiện thấy hũ tiền cổ là một thợ máy xúc đang làm đường, khi đang tiến hành trắc địa thì phát hiện thấy hũ tiền cổ.
"Tiền cổ" có màu xanh lục đường kính khoảng 2cm.
Ông Nguyễn Quang Huân, trưởng thôn Cổ Hiền cho biết thêm: “Hũ tiền cổ đó nằm ngay ở bờ ruộng nhà tôi, chỉ nằm cách mặt đất chừng 50cm, khi mở ra thì phát hiện toàn tiền xu với số lượng lớn, dễ nặng cả mấy chục kg. Người dân xung quanh sau đó đã chia nhau mỗi người một ít mang về nhà”.
Theo quan sát của PV, số tiền cổ có kích thước giống nhau, các hoa văn cũng rất đặc biệt. Đường kính mỗi đồng tiền rộng chừng 2cm, ở giữa đục một hình vuông cạnh khoảng 1cm. Các đồng tiền có màu xanh lục và đều đã hoen rỉ.
Người dân phỏng đoán rằng hũ tiền cổ phải có giá trị rất lớn. Bởi sau khi trong làng tìm được “kho báu” cổ, đầu tháng 12 đã xuất hiện nhiều người lạ tới làng. Họ mang theo máy dò kim loại và phát hiện thêm bốn chum tiền cổ nữa. Chum nặng nhất cũng đến hơn 1 tạ, các chum khác cũng có số lượng rất lớn. Tất cả số lượng tiền cổ đều được họ đóng gói mang đi cộng thêm những mảnh sành sứ tìm được gần đó.
Cả làng náo loạn tìm tiền cổ
Ngay sau khi tìm được thêm bốn chum tiền cổ, trong làng lại rộ lên thông tin nhóm người lạ mặt sẵn sàng mua lại số tiền cổ với giá cao. Có người nói rằng họ mua với giá 500.000 đ/1kg, có người lại nói họ mua tới 700.000 đ/1kg. Thế là cả làng, chẳng ai bảo ai đổ hết ra đồng đào bới tìm tiền cổ.
Người dân dùng máy dò kim loại đi tìm "tiền cổ".
Người dân trong làng cho biết những ngày qua thôn Cổ Hiền trở nên náo động bất thường. Từ ngày phát hiện “kho báu” lạ khiến tình hình trong thôn trở nên căng thẳng. Ai ai cũng đổ xô ra đồng tìm tiền cổ “tiền cổ”. Người có máy dò thì liên tục rà soát cả những khu vực xung quanh, người không có máy thì dùng cuốc, xẻng đào gần vị trí đã từng phát hiện.
Nhiều thanh niên trong làng thậm chí bỏ công bỏ việc, chia nhóm, lập hội rủ nhau đi đào tiền cổ. Có những nhóm thanh niên còn mất ăn mất ngủ, thuê máy dò kim loại những vẫn không tìm thấy hũ tiền cổ nào.
Ngoài ra nhiều người tò mò đi theo xem họ đào khiến khu vực đó luôn đông nghẹt. Đặc biệt nhiều ngày liền cứ từng đoàn, từng đoàn người ở tứ phương đổ về xem như đi hội. Họ đổ về muốn chứng kiến tận mắt các đồng tiền có hình thù ra sao và nơi phát hiện có dấu tích gì không.
Một người dân cho biết: “trong làng có người đã tích được đến 40 kg tiền cổ, cứ tính ra, nếu chỉ 500.000 đ/1kg thì người đó đã có 20 triệu đồng rồi. Quê nghèo này làm gì ra. Dễ hiểu vì sao đến thanh niên cũng ham đi tìm tiền cổ”.
Dân làng tích "tiền cổ" để bán với giá cao.
Tuy nhiên một người đã bán được một lượng tiền cổ nói rằng, nhóm người kia chỉ lọc tìm với số lượng ít những đồng tiền mà họ ưng ý để mua với giá cao. Còn những đồng tiền sứt sẹo, mờ màu… là họ không mua hoặc mua với giá thấp hơn rất nhiều. Một người lo ngại rằng, nếu những người lạ mặt kia không tới mua nữa thì số tiền đó cũng chỉ còn đem bán đồng nát.
Hé lộ niên đại “kho báu” cổ
Trưởng thôn Nguyễn Quang Huân cho biết nơi phát lộ “tiền cổ” nằm trước ngôi miếu phía Nam của đình làng. Sở dĩ phân rõ hướng miếu là do đình làng có tới bốn miếu ở bốn hướng xung quanh. Do thôn Cổ Hiền thờ một vị thành hoàng làng là Độc Nhĩ Vương Đỗ Cảnh Thạc - người từng phò tá Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán (thế kỷ X). Nơi đây chính là “thành Quèn” của Độc Nhĩ Vương.
Theo các tư liệu “thành Quèn” là thành do Độc Nhĩ Vương Đỗ Cảnh Thạc xây dựng trước khi giúp Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán. Ở đây ông rèn binh, luyện tướng và là nơi bất khả xâm phạm với các trấn xung quanh.
Vị trí phát lộ chum chứa “tiền cổ” nằm phía trước ngôi Miếu phía Nam. “Thành Quèn” là toàn bộ phần đất làng Cổ Hiền ngày nay với trung tâm là đình làng nơi thờ Độc Nhĩ Vương. Xung quanh bốn hướng có bốn ngôi Miếu trước đây là bốn cổng thành nơi trấn giữ của bốn vị tướng dưới trướng Độc Nhĩ Vương. Sau khi mất, bốn vị tướng được người dân xây Miếu thờ tại đó.
Như vậy, nếu số lượng tiền cổ này có từ thời Nam Hán thì chúng đã có niên đại hơn 1000 năm lịch sử. Về nguồn gốc của chúng, người dân đặt ra giả thiết số tiền trong chum là kho quân lương cho binh lính thời thành hoàng làng Độc Nhĩ Vương cầm quân.
Sơn Tùng