Một năm chỉ nghỉ hai ngày
Bóng chiều đổ trên những trảng cát dài ven sông Trà Khúc. Chúng tôi theo chân các chị, các mẹ ra "công trường giá đỗ" lớn nhất miền Trung. Người đào hố, người vãi đỗ từng lớp một rồi lấp lại khiến cho khung cảnh bên sông nhộn nhịp.
Trồng giá trước tiên phải chọn chỗ cát thật "ngon"
Vừa hì hụi đào những lỗ tròn thẳng đều tăm tắp mà chẳng cần thước đo, bà Nguyễn Thị Đoàn Viên (51 tuổi, ngụ xóm Vạn, thôn Thọ Lộc) "bật mí" về nét độc đáo của nghề: "Giá đỗ nơi đây không làm theo kiểu ủ trong chum, vại, thùng xốp như nhiều nơi khác mà người dân ở đây đào "hầm" cát để ủ giá. Nhờ đó mà giá đỗ ở đây ngon và ngọt hơn".
Bà Viên quê ở thị trấn Sông Vệ (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) nhưng về làm dâu ở xóm Vạn hơn 30 năm nay. Cũng như bao phụ nữ khác ở xóm Vạn, bà Viên gắn bó với việc đào cát chôn đỗ. Từng ấy thời gian làm con dâu, bà Viên không ngày nào rời xa bãi cát xóm Vạn.
Để thu hoạch giá người dân phải dậy từ 1h sáng
Cách đó không xa, gia đình anh Nguyễn Văn Sang (35 tuổi, ngụ xóm Vạn, thôn Thọ Lộc) mỗi người một việc. Anh chọn đất mới để chuẩn bị đào "hầm", vợ thì bắt đầu công đoạn ủ giá, cậu con trai học lớp 5 cũng tranh thủ phụ ba mẹ tưới nước.
"Nếu gặp chỗ cát "ngon", sạch thì đào "hầm" rồi ủ đậu. Đậu xanh chỉ chịu nảy mầm trên cát sạch, nên những lớp cát đã làm rồi thì bỏ, phải đợi đến khi nào lũ cuốn trôi lớp cát cũ đi thì dùng được", anh Sang giải thích.
Đôi tay thoăn thoắt vãi đậu xanh xuống "hầm", chị Từ Ái Hồng vợ anh Sang tiết lộ cho chúng tôi làm quy trình giá sạch. Hạt đậu xanh trước khi gieo phải được ngâm trong nước sạch từ 3-4 giờ đồng hồ, vớt bỏ những hạt nổi lên trên mặt nước hoặc những hạt đỗ màu thẫm.