Tuy nhiên, Đạo Phật khi du nhập vào bất cứ một quốc độ nào, trước tiên là phương pháp chuyển hóa để thực hiện tinh thần hội nhập , lưu xuất trong cộng đồng, lại cần phải tùy vào nền văn hóa giáo dục, những phong tục tập quán truyền thống đã được truyền tụng, tôn trọng, ca ngợi sẵn có của quốc độ ấy. Thế nhưng, cho dù có sự khác biệt thế nào đi nữa, thì lời dạy của Đức Phật cũng đã được khẳng định về mặt đạo lý hay luân lý của con người từ muôn thuở xa xưa cho đến ngàn thuở xa sau, như :
“Tâm Hiếu là tâm Phật’
Hạnh Hiếu là hạnh Phật”
Tâm và Hạnh là hai nhân tố song hành bất tuyệt biểu thị một giá trị tồn tại bất biến trong mọi hình thức đạo lý của con người. Chúng ta thấy, sự minh chứng đạo lý nơi bản xứ trong truyện thơ dân gian “Quan Âm Diệu Thiện” và đã được dân chúng Việt Nam biết đến nhiều, như ;
“Chân như Đạo Phật Nhiệm mầu
Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân
Hiếu là độ được song thân
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài…”
Qua lăng kính đạo đức của người Việt Nam đã có từ những thời đại ngàn xưa, sự chắt lọc ý thức truyền thừa không ngừng trong cộng đồng xã hội, đã tạo nên những đường nét thẫm mỹ bằng những ý niệm hành động giáo dục trong sáng lành mạnh được thấm nhuần vào trong mọi tầng lớp sinh hoạt đậm chất liệu đạo đức con người và vẫn luôn được thắp sáng, hiện hóa trong sự tươi mát, không những tự ngàn xưa, mà còn cho cả đến ngàn sau.
Do đó, để xây dựng cho bản thân một nhân cách đích thực, thì tinh chất của nhân cách ấy chính là lòng “Nhân”, những nỗi trắc ẩn trong đời sống được nói đến và được hành động một cách đúng đắn. Nhưng “Hiếu” lại chính là cội gốc của Nhân, là nền tảng đạo đức muôn đời trong trời đất.Theo quan điểm của Nho Giáo, thì Hiếu là gốc của Đức, là nguồn của Giáo, bước đầu của đạo Hiếu là phải giữ mình, vì thân thể tóc da của ta là từ nơi cha mẹ, nên không dám làm tổn thương, là nết đầu của Hiếu. Lập thân đem lại lợi mình, có danh phận ở đời, làm rạng rỡ cho cha mẹ, dòng họ, là nết cuối của Hiếu “Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, Hiếu chi thủy dã. Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu, Hiếu chi chung dã” (Hiếu Kinh). phathocdoisong.com
Thế nhưng, nếu đức tính Hiếu hay Nhân không được nuôi dưỡng để được lớn mạnh trong mỗi lúc, thì mọi hình thức trong cuộc sống sẽ bị biến dạng và sẽ làm nguy hại cho xã hội con người, nhất là ngay trong thời đại của chúng ta. Điều ấy, Đức Phật đã nói lên ngay từ buổi ban đầu, điều mà có năng lực ươm mầm cho đức Nhân và Hiếu, như :
“ Nầy Mahanama, dựa trên thiện nam tử có lòng Tin, các người trong gia đình được lớn lên về 5 phương diện; 1./ Lớn lên về lòng Tin, 2./ Lớn lên về Giới, 3./ Lớn lên về học hỏi ( các Thiện pháp), 4./ Lớn lên về Bố Thí, 5./ Lớn lên về Trí Tuệ. Dựa trên thiện nam tử có lòng Tin, các người trong gia đình được lớn lên vì 5 sự lớn lên nầy” (Kinh Tăng Chi, II).
Như vậy, qua 5 sự nuôi dưỡng ấy để được lớn lên, lớn mạnh, không phải chỉ để trong gia đình, mà là luôn thuận theo dòng chảy của thời gian, dẫu có bao biến động làm cồn lên nhịp sống.v.v.. Thì sự trải nghiệm qua bao dãi dầu, mỗi chặng đường đời. Khi ấy, con người vẫn tiếp nhận, tiêu hóa và tồn tại một giá trị bất tuyệt không thể thiếu được đó là Hiếu, nếu thiếu, thì không thể tròn nghĩa con người. Bởi vì, trong mỗi đời người ít nhiều đều có sự nếm trải, tiếp nhận hay từ chối.
Những tiếp nhận nào mà trong đó có sự xúc cảm từ địa vị, lợi lạc từ tài sản, những lạc thú từ những tiểu tiết thường tình… thì sớm chiều rồi cũng sẽ tàn phai vô vị, lãng quên theo dòng biến động thay đổi bất tận của thời gian, nó sẽ trở thành những hoài niệm vô vọng mà thôi. Nhưng, đạo lý “Hiếu” luôn được thắp sáng, rực sáng tận sâu thẳm tâm hồn của con người, luôn soi rọi trên mọi nẻo đời và vô cùng theo với thời gian, thành một sức sống tươi mát thánh thiện. Sự sống ấy, luôn nói lên cách hành xử căn bản từ tinh chất “Nhân Bản”, đó là việc biết ơn và đền ơn.
Nói đến việc biết ơn và đền ơn, trước hết, với thái độ của người con và nhất là đối với người đệ tử Phật không gì khác hơn là thực hiện tỏ bày một niềm Hiếu Tâm, Hiếu Hạnh và Hiếu Kính, Hiếu Đạo đối với Tổ thầy, ông bà cha mẹ khi còn sanh tiền khi chúng ta còn có cơ hội chỉ đến với chúng ta một lần trong đời, như lời dạy của Đức Phật đã cảnh báo, đánh thức trong lòng cho mỗi người con, đó là vận may tối thượng đến với con cái:
“Phụng dưỡng cha và mẹ
Là vận may tối thượng”
(Kinh Tiểu Bộ I)
Cái vận may ấy, chúng ta có thể đánh mất bất cứ lúc nào trong cuộc đời vô thường và ngắn ngủi nầy. Chính vì lẽ đó, Đức Phật đã nhấn mạnh vào trọng điểm nhằm nhắc nhớ người con phải thấy và biết về hai cái ơn sâu nặng ấy. phathocdoisong.com
Với đạo lý Nho giáo, Đức Khổng Tử cũng đã khuyên nhắc chúng ta: “Cư tắc trí kỳ Kính, Dưỡng tắc trí kỳ Lạc, Bệnh tắc trí kỳ ưu, Tang tắc trí kỳ Ai, Tế tắc trí kỳ Nghiêm” (Ở thì phải hết lòng cung kính, Phụng dưỡng thì phải vui vẻ, đau yếu thì phải biết lo toan, qua đời thì phải thương tiếc, cúng tế thì phải biết trang nghiêm.) qua những điều ấy, cũng đã thể hiện tương quan đến sự sống và sự chết từ cái đẹp suối nguồn của đạo lý con người muôn thuở.
Chúng ta cùng nghe lại, cùng suy nghiệm những lời quí giá bao đời của cha ông chúng ta trong kho tàng cadao dân ca Việt Nam, như:
“Ru hời, ru hỡi, ru hơi
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao, biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”.
Con người khi sanh ra trong đời, luôn có sự đan xen nhiều mối quan hệ chuyền níu trong xã hội, thế nhưng trong đó, mối quan hệ gần gũi thiêng liêng mật thiết nhất, đó là cha và mẹ, ân nghĩa sâu nặng nhất cũng bắt đầu từ cha và mẹ. Và cũng chính nhờ vào mối quan hệ thiêng liêng đó, nên có sự nuôi dưỡng mầm yêu thương ấy của những bậc cha mẹ cũng như những nhà lảnh đạo về mặt đạo đức, văn hóa giáo dục một cách tích cực trong sáng đúng nghĩa, thì đây là một cơ may đem lại cho đời sống từ gia đình đến ngoài xã hội trong một đất nước hằng có được một nếp nghĩ, sinh hoạt lành mạnh, nhiều sự bình yên. Nếu trái lại, thì sẽ phát sinh những bất an, đồng thời làm mất đi một trật tự đáng tiếc.
Qua một cái nhìn khác về đạo lý của “Hiếu”, Đức Phật đã giúp cho chúng ta phân định được giữa cái “Thiện và Ác” như sau : “Nầy các tỳ kheo, đối với những người độc ác, đây là những đặc tánh của họ được biết đến, tức là không biết ơn và không đền ơn. Còn bậc chân nhân, nầy các tỳ kheo, là biết ơn, là đền ơn. Đối với những thiện nhân, đây là những đặc tánh của họ được biết đến, tức là biết ơn và đền ơn…” (Kinh Tăng Chi I, 118). phathocdoisong.com
Chúng ta thấy, Đức Phật nhấn mạnh ở chổ “… Đây là những đặc tánh của họ được biết đến…”. Thế nên, sự sai khác chênh lệch nhau đã được bắt đầu từ một phát xuất do ý niệm đưa đến hành động, Và cũng từ hành động đã biểu thị cho thế giới tâm tư của vị ấy có cao thượng hay thấp kém. Đến đây, chúng ta lại nghe thêm lời dạy khác của Đức Phật giữa cái ác và cái thiện như thế nào !
“Điều thiện tối cao
Không gì hơn bằng Hiếu
Điều ác cực ác
Không gì hơn bất hiếu”
(Kinh Nhẫn Nhục)
Nếu như theo đà xu hướng và phát triển của xã hội hôm nay, thì cái ác (bất hiếu), nói một cách khác là không biết ơn và đền ơn cũng đã được báo động một cách đáng lo ngại về mặt đạo đức giáo dục, trong khi mức sống không phải dễ dàng đem lại ổn định phần đông cho số người trong cộng đồng. Mặc dù trên hình thức nào đó, chúng ta thấy những phương tiện phục vụ ngày càng nâng cao theo mỗi lúc. Đồng thời, tạo thêm nhiều nhu cầu bám víu, kích thích từ những cảm thọ lạc thú thấp kém hay bởi lắm bề bộn để được sinh tồn trong cuộc sống mà lãng quên hay bỏ qua đi .v.v… Điều nầy, đối với những nhà lảnh đạo tinh thần tôn giáo cũng như các vị có chức năng trong giới đào tạo và giáo dục của một tổ chức quốc gia, tưởng cũng cần phải theo dõi, quan tâm đến sâu sắc và có một định hướng hợp lý. Tất nhiên, cũng không thể không nói đến trách nhiệm trong việc chăm sóc, quản lý từ phía cha mẹ. mà trước đây trong kho tàng tục ngữ đã nói đến :
“ Cha mẹ ngoảnh đi, thì con dại
Cha mẹ ngoảnh lại, thì con khôn” (tục ngữ VN).
Mặc khác, để nâng lên tính cách tuyệt vời của Đức Nhân, Đức Hiếu qua giáo lý của Phật, lời dạy đã vượt ra ngoài phạm trù ước định giữa cha mẹ và con cái, giữa bản thân và quyến thuộc, nhằm mở rộng sự toàn mãn chân thiện của một tâm hồn, đó là :
“Giới danh vi Hiếu” (Giới là Hiếu).
Giới Kinh
Như vậy, Hiếu là cội nguồn của Giới, nếu người không hiếu thảo, thì người ấy không thể giữ giới trọn vẹn và do vậy, không thể tạo tác được các pháp lành (thiện pháp). Sự thâm thúy sâu kín trên đã minh họa cho một hiện trạng xã hội hưng thịnh một nếp sống lành mạnh (Chân-Thiện-Mỹ) hay một hình ảnh suy yếu, nguy hại từ sự lo âu, sợ hải của hổn loạn. Bởi vì, Hiếu mà ta thấy được là do “Hạnh” mà ra, còn Hiếu mà ta không thể thấy được bằng mắt, đó là “Lý của Hiếu”. Vì rằng; nhờ “Lý” (ý thức chơn chánh) mà “Giới” phát sinh, nhờ “Hạnh” (hành động đúng pháp) nên “Giới” mới hiển lộ. Nếu như người chỉ có “Hạnh” mà không nương theo “Lý” thì chỉ biết hiếu thảo với cha mẹ mà không có mở rộng tình thương yêu với mọi người, khi ấy chúng ta có thể sanh tâm bất thiện… phathocdoisong.com
Do đó, ngoài tinh thần báo đáp ân nghĩa sinh thành của con cái, đã được nhắc nhớ qua lời ca dao, như:
“Nghĩa cha sanh cùng công mẹ dưỡng
Thì ngày đêm tư tưởng chớ khuây
Hai công đức ấy nặng thay
Xem bằng bể rộng, xem bằng trời cao”
Ca dao.
Chúng ta còn phải hiểu thêm về lời dạy của Đức Phật, không phải chỉ biết ơn và đền ơn phụng dưỡng thôi là đủ, mà tự thân có thực hiện tu tập những giới pháp của bậc Thánh để được thuần tịnh tâm tư, còn giúp cho cha mẹ biết hướng tâm về Tam Bảo, các thiện pháp, biết bố thí, có chánh kiến... để trở thành bậc thiện trí trong giáo pháp của bậc Thánh và trong đời sống hiện tại.
Giá trị đích thực của Hiếu không phải qua sự lập đi lập lại một định nghĩa nào đó, mà là ngay trong mỗi hành động ứng xử hằng ngày luôn phát tiết một cử chỉ chân thật và tôn kính, trân trọng, không dấu lại bên trong những điều bất mãn, nhọc nhằn hay một ý niệm cố gắng nào đó. nghĩa siêu vượt về Hiếu, nó không phải là một qui định, một nghĩa vụ, một bổn phận bắt buộc, mà là phải từ nguồn mạch yêu thương chân thật từ tinh chất đạo đức giáo dục mà các bậc Thánh đã thực hiện và đề ra.
Tóm lại, Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã là một gương sáng của đức Hiếu Hạnh, đã thể hiện qua nhiều đời kiếp và cho đến đời sống cuối cùng nơi cõi đời hiện tại, khi chấm dứt con đường sinh tử, công hạnh thiêng liêng đối với cha mẹ từ muôn đời nay đã viên mãn.
Đồng thời, từ khi Đạo Phật có mặt trong đời và theo suốt dòng thời gian trên 25 thế kỷ đi qua là một nhân chứng của đạo lý tình thương, biết ơn, nhớ ơn và đền ơn. Và cũng kể từ khi giáo lý bậc giác ngộ hội nhập cùng với đạo lý dân tộc Việt Nam đến nay, đã trở thành một nếp sống mang tính đặc thù và hòa quyện suốt chiều dài lịch sử của quê hương Việt và cùng với kho tàng ca dao, dân ca dân gian thấm đậm những sắc màu tươi mát, bình an mầu nhiệm từ bao thế kỷ xa xôi, hiện tại và cho đến vô tận mai sau.
Theo Mặc Phưởng Tử (Phật học đời sống)