Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đảo Khỉ nằm trong khu vực Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP.HCM) là một căn cứ cách mạng nổi tiếng trọng yếu của quân ta, nơi giao liên và tiếp nhận binh vận và vũ khí. Cho đến chiến tranh chống Mỹ, một tổ chức quân sự của ta được thành lập gọi là "Biệt khu Rừng Sác". Năm 1962 -1963, nơi đây trở thành trạm tiếp nhận hàng quân sự từ Bắc vào Nam.
Các chiến sĩ Đoàn 10 đang chiến đấu trong rừng Sác
Tham gia lực lượng đặc công Rừng Sác hoạt động đảo Khỉ có hơn 1000 người đến từ ba miền Bắc - Trung - Nam, trong đó có 43 nữ đặc công. Chiến tranh kết thúc, 869 người lính đặc công hy sinh, trong đó có những người còn rất trẻ và chưa một lần yêu.
Năm 1964, một phân đội đánh tàu của Bộ Tham mưu Miền đã cắm chốt ở đây. Sau đó không lâu, đội công binh thủy thành lập đoàn 125, rồi đoàn 5001. Nhiệm vụ của lực lượng Đặc khu Rừng Sác tập trung kiểm soát sông Lòng Tàu, chặn đứng các tàu chiến địch vận chuyển vũ khí, quân trang quân dụng, đánh vào kho tàng, cảng của địch. Trong hơn chín năm đương đầu trực tiếp với quân đội Mỹ, Trung đoàn đã đánh 595 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 lính Mỹ, Ngụy; đánh chìm và đốt cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu, bắn rơi 29 máy bay trực thăng, thiêu hủy hàng trăm triệu lít xăng dầu và rất nhiều chiến công khác.
Để "đập tan thế cầm cự của Việt Cộng", Mỹ đã trút xuống khu vực Đảo khỉ hàng triệu tấn bom đạn và hơn 4 triệu lít chất hóa học bằng một chiến dịch hủy diệt bằng máy bay B52. Sau chiến dịch khai hoang này của địch, cỏ cây ở đây bị thiêu đốt sạch, lính đặc công không còn chỗ ẩn nấp, cuộc chiến sinh tử lại càng cam go hơn bội phần. Thế nhưng, những người lính đặc công vẫn bám trụ trận địa và tiếp tục lập thêm những chiến công hiển hách.
Sau tất cả những trận chiến, một chỉ huy của Đoàn 10 đã từng phải thốt lên, những năm tháng ở Đảo khỉ nằm trong Đặc khu Rừng Sác hồi ấy chỉ có những con người cộng sản mới đủ sức làm những chuyện tưởng chừng không thể như vậy. Sở dĩ, quân ta thắng địch ở Rừng Sác là nhờ vào ba điểm mà địch không có, đó là lòng yêu nước, chí gan dạ và trận địa lòng dân.
Theo như các đồng chí hướng dẫn ở Đảo khỉ cho biết thì trong một thập kỷ ngày ấy ở đây, anh em Đoàn 10 luôn phải sống trong cảnh thiếu cơm, nước ngọt, thuốc men và vũ khí. Chiến khu là rừng ngặp mặn, khu này bị cô lập với thế giới bên ngoài bằng sông nước. Căng nhất là khi rừng bị định khai hoang trắng mặt đất, địch bao vây bốn phía. Để tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, chiến sĩ đặc công chỉ có thể liên lạc với bên ngoài bằng cách nhờ dân dùng ghe hai đáy để chuyển gạo vào chiến khu. Lúc không còn nguồn lương thực tiếp tế, dân lại nghĩ ra cách thu hoạch lúa xong vùi lúa trong rơm ngoài đồng rồi chỉ cho lính đặc công đêm ra lấy về. Muốn có cơm ăn, người lính đặc công phải nấu dưới hầm 2/3 là nước bằng bếp không khói. Khi nguồn tiếp vận vũ khí bị địch chia cắt, lính đặc công đi mót đạn, mìn lép về cưa ra lấy thuốc chế lựu đạn.
Vì đây là khu nước mặn nên để cầm hơi, lính đặc công đã dùng nước mặn nấu nước cất như cách người ta nấu rượu rồi dùng bịch ni lông để dành. Không chỉ vậy, mỗi khi các đồng chí của ta bị thương. Vì thiếu bông băng nên anh em đã cắt mùng chống muỗi luộc chín làm băng, dùng muối hột nấu nước để sát trùng vết thương.
Thế nhưng, tất cả những khó khăn vất vả vẫn không hề làm nao núng tinh thần chiến đấu của anh em Đoàn đặc công. Chả ai đào ngũ, mà cũng không ai than thân trách phận, họ luôn chiến đấu với tinh thần và cũng là câu khẩu lệnh Một tấc không đi, một ly không rời trận địa. Còn người còn bám trụ, còn người còn chiến đấu.
Sau 36 năm được giải phóng, khu đất chết Đảo khỉ - Rừng Sác năm xưa nay đã hồi sinh mạnh mẽ. Toàn bộ khu vực Rừng Sác, trong đó có đảo Khỉ với 40.000 ha rừng, chiếm 54% diện tích của cả huyện Cần Giờ (trong đó có hơn 30.000 ha là rừng tái tạo) bị bom, thuốc độc thiêu đốt sạch nay là khu rừng ngập mặn trù phú. Cần Giờ bây giờ cũng đã thay da đổi thịt. Thế nhưng, tất cả những chiến công oai hùng của Đoàn đặc công 10 vẫn còn đó trong những trang sử của dân tộc và trong lòng đồng bào miền Nam.
Thơ Trịnh - Tiến Thoại