Đó chính là hòn đảo đặc biệt có tên Gehegeer, nằm cách thủ đô Phnom Penh của Campuchia chỉ khoảng 30 km.
Những việc cày cấy trên đảo đều do phụ nữ đảm nhiệm
Cách đây không lâu, một tổ chức phi chính phủ có tên "Hagar” đã lập một đề án nhằm giúp đỡ các trẻ em đường phố và những phụ nữ nghèo neo đơn tại đất nước Campuchia. Trong số những đối tượng được hưởng quyền lợi trong đề án này, tổ chức Hagar còn quan tâm đến những phụ nữ thường xuyên bị bạo hành bởi những người chồng vũ phu. Vì thế khi đề án được thành lập, Tổ chức này đã đưa 109 trẻ em và phụ nữ thuộc đối tượng trên đến một hòn đảo cách thủ đô Nompenh 30 km về phía bắc để xây dựng một cuộc sống mới. Đa phần những “cư dân” mới của hòn đảo đặc biệt này đều cho biết, họ sẽ xây dựng một cuộc sống mới mà không cần bóng dáng của người đàn ông trên đảo. “ Chúng tôi có thể tự mình làm mọi thứ mà không cần những người chồng”- Một phụ nữ từng bị bạo hành- thành viên của 109 cư dân mới trên đảo cho biết.
Trong kế hoạch của tổ chức "Hagar”, tất cả những cư dân mới sẽ sinh sống trong một ngôi làng được dựng lên trên đảo Gehegeer,. Đa phần những ngôi nhà này được dựng bằng tre và được cung cấp điện bởi một hệ thống riêng tới đảo. Hiện tại, điện trên đảo Gehegeer mới chỉ được cung cấp vào ban ngày nhằm phục vụ nhu cầu làm việc của chị em. Hiện nay, những phụ nữ ở đây một phần làm những sản phẩm thủ công như thêu, đan, lát để bán sang các đảo khác. Ngoài ra, số khác làm các công việc liên quan đến nông nghiệp như cày cấy, chăn nuôi gia súc, thủy sản…Một phần của vụ thu hoạch sẽ sử dụng cho nhu cầu trên đảo, phần khác sẽ được gửi đến một ngôi làng gần đó để bán và đổi các nhu yếu phẩm khác.
Mặc dù hầu hết những công việc trên đảo Gehegeer đều do phụ nữ làm, nhưng một số công việc nặng hơn họ vẫn phải thuê nam giới từ nơi khác đến. “Tuy có một số công việc chúng tôi cần đến sức lực của nam giới, nhưng sự xuất hiện của họ trên đảo cũng giống như sự xuất hiện của một công nhân bình thường. Chúng tôi thuê họ làm việc và họ được trả lương. Mọi quyền quyết định và những việc lớn khác, phụ nữ trên đảo sẽ thay nhau đảm nhiệm”- Một công dân của đảo cho biết.
Sang Xina- một phụ nữ 36 tuổi bị chồng bạo hành và bỏ rơi cách đây 2 năm cũng đã tình nguyện đến đảo cùng 5 đứa con. Cô cho biết, để cuộc sống của 6 mẹ con được đầy đủ, cô đã phải làm việc rất vất vả. “ Tôi đã làm việc liên tục để đảm bảo cuộc sống cho các con. Tuy nhiên, tôi hạnh phúc vì được đến hòn đảo này. Ở đây chúng tôi có một ngôi nhà, được hưởng quyền lợi lao động của mình mà không bị sự soi xét của người đàn ông. Những đứa trẻ của tôi đều được đi học và sống đúng với lứa tuổi của chúng. Hy vọng cuộc sống của chúng sau này sẽ tốt hơn cuộc sống của tôi”.
Hải Hiền (Theo Ifeng)