Đào móng gây sập nhà, hàng xóm tử vong bị xử lý ra sao?

Đào móng gây sập nhà, hàng xóm tử vong bị xử lý ra sao?

Duong Quang Sơn

Duong Quang Sơn

Thứ 6, 21/04/2017 16:36

Bà Huệ thuê thợ đào móng xây nhà mình, nhưng nhà hàng xóm lại sập và có người chết. Vậy pháp luật quy định xử lý vấn đề này ra sao?

Vụ sập nhà khiến 1 người chết, 2 người bị thương, 1 ngôi nhà bị đổ sập và 1 ngôi nhà khác bị ảnh hưởng tại đường Trần Hưng Đạo, TP.Quy Nhơn (Bình Định) vào sáng ngày 20/4 khiến nhiều người dân vẫn còn bàng hoàng.

Theo đó, sáng 20/4, khi các nhân công đang thi công đào móng xây nhà số 298 Trần Hưng Đạo (Quy Nhơn, Bình Định) thì ngôi nhà liền kề số 296 bất ngờ đổ sập khiến ông Phan Văn Th. (84 tuổi, chủ ngôi nhà bị sập) tử vong. Hai người bị thương là ông Bùi Văn Nhàn và bà Nguyễn Thị Thơm. Vụ việc cũng khiến 1 ngôi nhà liền kề bị nứt tường.

Anh Phan Văn Hưng (46 tuổi, chủ căn nhà 296, con trai cụ Th.) cho biết, ngôi nhà 298 đường Trần Hưng Đạo đang xây dựng là của bà Huỳnh Lệ Huệ (46 tuổi). Trước đây, căn nhà này, gia đình anh Hưng thuê của bà Huệ để buôn bán.

Góc nhìn luật gia - Đào móng gây sập nhà, hàng xóm tử vong bị xử lý ra sao?

 Đào móng nhà mình gây sập nhà chết người có nguy cơ đối mặt với án phạt tù.

Mới đây, bà Huệ lấy lại nhà để xây dựng nhà mới nhưng khi vừa đào móng thì xảy ra sự cố sập. Ông H.V.A được xác định chủ thầu tư nhân xây dựng ngôi nhà 298 Trần Hưng Đạo. Vụ đào móng nhà mình gây sập nhà, chết hàng xóm khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Nhiều người đặt ra câu hỏi, về mặt pháp luật, vụ việc này sẽ bị xử lý ra sao?.

Trao đổi với PV, luật gia Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, việc khởi công xây dựng một công trình nhà ở đô thị phải có giấy phép xây dựng của các cấp chính quyền cơ sở, đối với công trình này là UBND TP.Quy Nhơn.

Theo Điều 89, luật Xây dựng năm 2014, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 89. Mà công trình xây dựng tại số 298 không nằm trong những trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 89 nên bắt buộc phải có giấy phép xây dựng.

Nếu chủ thửa đất này xây dựng công trình khi chưa có giấy phép xây dựng thì căn cứ vào khoản 6, Điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013  thì chủ công trình bị phạt từ 3 đến 50 triệu đồng.

Ngoài ra, với hành vi đào móng xây dựng nhà gây sập nhà chết hàng xóm có dấu hiệu vi phạm vào Điều 229, Bộ luật Hình sự về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Người phạm tội có chức vụ, quyền hạn hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 8 năm đến 20 năm.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do việc đào móng nhà gây ra, theo luật gia Hùng được quy định cụ thể tại Điều 605 về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra.

Theo đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

Xuân Hòa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.