Kiên Giang là một trong 4 tỉnh vùng trọng điểm kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, từng bước phát triển nhanh, đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng, đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành du lịch đạt 24 triệu lượt khách trở lên, trong đó, khách quốc tế hơn 1,7 triệu lượt.
Tỉnh Kiên Giang phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên tự nhiên, tính độc đáo về văn hóa, con người Kiên Giang, hình thành các sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu du lịch của địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh về du lịch của tỉnh.
Tỉnh Kiên Giang tăng cường liên kết và hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế.
Theo đó, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển các khu du lịch; hạ tầng giao thông kết nối, hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các khu, điểm du lịch với hệ thống giao thông của tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch, trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, tận dụng các nền tảng xã hội trong xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch trên các chuyến bay, tại nhà ga, bến cảng, phương tiện giao thông công cộng và qua các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài…
Tỉnh Kiên Giang tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh với các địa phương trong và ngoài nước để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “Một cung đường – nhiều điểm đến”, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương; hợp tác chặt chẽ trong đầu tư, phát triển sản phẩm, truyền thông, quảng bá và triển khai các chiến dịch kích cầu du lịch.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Kiên Giang Nguyễn Vũ Khắc Huy, đề xuất, tỉnh cần rà soát, đánh giá lại hệ thống sản phẩm du lịch theo vùng, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh, đặc thù như: Du lịch biển, đảo, nông thôn, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch giải trí cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tiệc cưới, du lịch thể thao.
Xây dựng và phát động chương trình “Mỗi vùng du lịch trọng điểm tiến tới mỗi huyện, thành phố một sản phẩm du lịch đặc thù”. Phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái ven biển, du lịch biên giới.
Khuyến khích, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu đầu tư phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng, liên địa phương để thu hút và giữ chân du khách; phát triển đồng bộ cả du lịch bình dân, cao cấp và đặc biệt cao cấp…
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa; xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.
Tỉnh Kiên Giang cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhằm huy động, khơi thông hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cho các dự án lớn đầu tư phát triển du lịch tại tỉnh.
Ngành du lịch đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đối tác ở nước ngoài tham gia hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao; chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.
Đạt nhiều danh hiệu quốc tế
Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, cuối năm 2017, Tỉnh ủy ra Nghị quyết 03-NQ/TU về phát triển du lịch Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Qua thực hiện nghị quyết này, đến nay, du lịch Kiên Giang có nhiều thay đổi, phát triển tích cực, là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường.
Du lịch Kiên Giang không ngừng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh đã đón hơn 24,6 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, trong đó, trên 973.860 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch đạt hơn 39.130 tỷ đồng.
Ước 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đón trên 5,4 triệu lượt khách du lịch, đạt 59,2% kế hoạch, trong đó, khách quốc tế khoảng 508.645 lượt, đạt 45,1% kế hoạch; tổng thu 13.394 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch năm.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Kiên Giang Nguyễn Vũ Khắc Huy, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vina Phú Quốc travel chia sẻ, Kiên Giang khẳng định vị trí, thương hiệu du lịch xứng tầm khu vực và quốc tế với nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế.
Trong đó, đảo ngọc Phú Quốc đạt những danh hiệu như: Điểm đến hấp dẫn, điểm đến mới nổi ở Châu Á và thế giới; Khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emaeld Bay đã được “Oscar của ngành du lịch thế giới” trao tặng giải thưởng đặc biệt: Khu nghỉ dưỡng và villa trên đảo sang trọng hàng đầu thế giới năm 2018 (World’s Leading Luxury Island Resort & Villas 2018) và Khu nghỉ dưỡng chủ đề sang trọng bật nhất thế giới (World’s Leading Luxury Themed 2018).
Đảo Phú Quốc cũng nằm trong top 14 bãi biển đẹp nhất châu Á của tạp chí Planet Ware, Phú Quốc được World Travel Awards trao giải “Hòn đảo có thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới" năm 2022; Phú Quốc nằm trong top 10 hòn đảo du lịch hàng đầu châu Á năm 2023 được tạp chí Condé Nast Travele của Mỹ trao giải thưởngg Readers' Choice Awards 2023...
Đặc biệt, những tháng đầu năm 2024, Phú Quốc đón một số “siêu” tàu du lịch quốc tế đưa hàng ngàn du khách trên thế giới đến tham quan, du lịch, trải nghiệm đảo ngọc.
Với tiềm năng, lợi thế du lịch vượt trội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang liên kết hợp tác với các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền Trung, cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long nhằm quảng bá, giới thiệu du lịch Kiên Giang đến với du khách, nhất là xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Đến nay, Kiên Giang thu hút được 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn với tổng diện tích 9.754 ha và tổng vốn đầu tư 393.135 tỷ đồng.
Trong đó, 79 dự án đã đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 18.384 tỷ đồng; 81 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư hơn 213.000 tỷ đồng; 157 dự án đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, tổng vốn đầu tư trên 161.700 tỷ đồng.
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển du lịch được tỉnh quan tâm đầu tư như: Giao thông với hạ tầng đường bộ, đường thủy, đường biển, đường hàng không; hệ thống điện lưới quốc gia đưa ra các đảo trên vùng biển Tây Nam; các công trình cấp nước, khu xử lý rác thải, nước thải...
Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có khả năng tiếp nhận các loại máy bay lớn và hiện đại với công suất phục vụ khoảng 2,65 triệu khách/năm.
Sân bay Phú Quốc đang được quy hoạch mở rộng đường bay, kết nối sâu hơn Phú Quốc với tất cả các vùng miền trên cả nước và thế giới, đưa khách du lịch đến tỉnh.
Mặt khác, tỉnh quy hoạch 4 vùng du lịch trọng điểm phù hợp với điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch của mỗi vùng, gồm: Thành phố Rạch Giá và vùng phụ cận phát triển du lịch sinh thái, biển đảo, di tích lịch sử, lễ hội; Hà Tiên - Kiên Lương phát triển du lịch biển đảo, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; U Minh Thượng phát triển du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử U Minh Thượng; Phú Quốc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và dịch vụ quốc tế chất lượng cao của khu vực và thế giới.
Đặc biệt, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang phát triển du lịch sinh thái, kết hợp nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, sản phẩm du lịch của Kiên Giang phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách như: Khu vui chơi giải trí Vinpearland, Khu vui chơi giải trí VinWonders, Khu bảo tồn và chăm sóc động vật hoang dã Safari Phú Quốc, Cáp treo Hòn Thơm vượt biển dài nhất thế giới, Casino Phú Quốc, đi bộ dưới biển, công trình Cầu hôn Phú Quốc...
Có thể nói, du lịch Kiên Giang đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông - lâm - thủy sản và kích thích thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển; giải quyết việc làm cho người lao động góp phần tăng thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách.
Tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng cao và đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế.