Một trong những môn phái võ ở Thất Sơn danh chấn thiên hạ là môn phái võ Đường Phong, do võ sư Nguyễn Đa (hay còn được gọi là cụ Cử Đa) sáng lập ra từ thế kỷ 19. Đến nay truyền nhân cuối cùng của võ phái này vẫn còn sống, và đó cũng chính là võ sĩ, đạo sĩ cuối cùng trên núi Cấm - đạo sĩ Ba Lưới vừa tròn 100 tuổi.
Giai thoại về người sáng lập ra môn phái
Nguyễn Đa thi đỗ võ cử nhân (năm Thiệu Trị thứ năm - 1845 hoặc thời vua Tự Đức - 1852) nên được người dân tôn gọi là Cử Đa. Ông là người làng Phù Cát, huyện Bình Khê, phủ Quy Nhơn (nay là tỉnh Bình Định).
Sau khi đỗ chức cử nhân võ, ông ra sức phò trợ quân đội chống Pháp ở Hà Nội, Huế. Năm 1885, khi Phụ chính Tôn Thất Thuyết tổ chức tấn công kinh thành Huế bị thất bại, vua Hàm Nghi phải tạm trốn khỏi kinh thành, ra chiếu Cần Vương thì ông càng hết lòng dốc sức phò trợ hơn trước nữa.
Sau nhiều cuộc khởi nghĩa thất bại, vua Hàm Nghi bị bắt và bị thực dân Pháp đày ở Algerie, ông đến Nam Kỳ và bắt đầu xác định lại con đường riêng của mình. Ông lưu lạc nhiều nơi từ Bến Tre, Kiên Giang, An Giang, sang Cao Miên (Campuchia) đến ở Cần Vọt (Kampôt), Cần Trạch (Kam - pong Trạch) và cuối cùng đến núi Tà Lơn (Bokor).
Tại đây, ông gặp được minh sư, xin được quy y và được ban pháp danh Ngọc Thanh. Khi về An Giang, ông bị thực dân Pháp theo dõi rất gắt gao nên phải cải danh thành với cái tên giả là Sư Bảy để truyền đạo. Ông đến núi Cấm (An Giang) tu ở điện Bồ Hông và sau dời qua Trung Tòa rồi động Cao Vân. Lúc ở An Giang, nhiều người nghe giọng của ông là người miền Trung nên gọi ông là thầy Huế.
Ở đây, ông ra sức chiêu mộ nhân tài, nhằm tạo dựng lực lượng chờ định ngày khởi binh đánh Pháp. Và từ đó võ phái mang tên Đường Phong ra đời. Ở Vồ Thiên Tuế (núi Cấm) có một tảng đá lớn, bề mặt bằng phẳng là nơi mà ông cùng đệ tử luyện tập võ nghệ.
Sau khi nhận thấy lực lượng đã mạnh, binh khí cũng đã rèn giũa được nhiều, ông bắt đầu tính chuyện dấy binh. Ông tìm đến núi Tượng, nơi tu đạo của Đức Bổn Sư Ngô Lợi (người sáng lập ra đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa) để bàn chuyện cùng nhau hợp sức đánh giặc.
Nhưng giáo chủ Ngô Lợi nhận thấy thời cơ chưa đến nên nói với ông về đóng một chiếc cối xay lúa rồi mang đến gặp ông, nếu sau 3 tiếng chuông gõ mà cối vẫn còn nguyên thì cuộc kháng Pháp thành công, bằng không sẽ thất bại.
Cử Đa về núi đóng cối mang lại gặp Giáo chủ Ngô Lợi, nhưng sau 3 tiếng chuông thì chiếc cối vỡ tan. Mặc dù không được sự hỗ trợ của Giáo chủ Ngô Lợi, Cử Đa vẫn tập trung lực lượng kéo quân đánh Pháp ở mé kênh Vĩnh Tế. Do binh lực còn non kém, vũ khí thô sơ không địch lại súng đạn của giặc, quân của ông thất bại. Ông buồn bã, không về lại núi Cấm nữa mà đi thẳng lên núi Tà Lơn trên đất Cao Miên.
Ở xứ Cao Miên, Cử Đa cũng thu nhận nhiều đồ đệ, thỉnh thoảng, ông vẫn về Thất Sơn để thăm nom đệ tử. Ông căn dặn nếu chưa có mệnh lệnh nào thì đệ tử không được bạo động, tránh gây cảnh máu đổ đầu rơi vô ích. Rồi dần dần người dân vùng Bảy Núi cũng không còn thấy bóng dáng của ông nữa. Thỉnh thoảng có người dân lại thấy một ông già, râu tóc bạc phơ cưỡi hổ mun từ trên núi Cấm đi xuống, họ lại bảo nhau đó là ông Cử Đa.
Đạo sĩ Ba Lưới.
Truyền nhân và tuyệt chiêu Bình phong lạc nhạn
Đạo sĩ Ba Lưới nay đã 100 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Khi còn trẻ, ông là một nhân vật nổi tiếng vùng Thất Sơn với võ nghệ siêu quần, nhiều lần tay không đả hổ và diệt mãng xà khổng lồ.
Đạo sĩ Ba Lưới tên thật là Nguyễn Văn Y, quê ở Cù lao Giêng thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 19 tuổi, gặp thời buổi loạn lạc ông ngao du đây đó và lạc lên núi Cấm. Đến đây như có linh tính mách bảo ông phải ở lại đây tu học thành tài.
Vị đạo sĩ già vuốt bộ râu trắng phơ nhớ lại, vào những năm 1930, trên núi Cấm vẫn còn hoang sơ lắm, hùm beo, hổ mang, mai gầm, lợn rừng còn nhiều vô kể. Những người lên núi nếu không có võ công phòng thân thì không dám đi đâu xa hơn 100 thước vì chẳng mấy chốc mà gặp loài thú ăn thịt.
Ông Ba Lưới cho biết, ông theo học rất nhiều sư phụ, ông học bốc thuốc cứu người của thầy Năm Sanh, học võ thì theo rất nhiều người nhưng môn phái ông theo học chánh tông là Đường Phong. Có thể nói ông là đệ tử chân truyền của Cử Đa, người sáng lập ra môn phái võ Đường Phong.
Ông Ba Lưới kể lại, tuyệt chiêu lợi hại nhất của sư phụ Cử Đa mang tên Bình phong lạc nhạn. Tuyệt chiêu là phương pháp đối phó hữu hiệu nhất khi gặp phải thú dữ mà đặc biệt là hổ. Tuyệt chiêu Bình phong lạc nhạn được thực hiện bằng cách nhảy tung lên không trung và tung cước liên tục, mức tối thiểu phải là 3 cước được tung ra trong mỗi cú nhảy, phải nhanh và chuẩn xác.
Ông Ba Lưới kể: Sư phụ Cử Đa đã dùng chiêu thức này để đánh một con hổ lớn. Khi sư phụ Cử Đa lên núi Cấm, vì lạ đường nên không biết những chỗ cần tránh thế là chạm trán ngay hổ dữ. Khi con hổ hung hăng lao vào tấn công chỉ với một cú nhảy, ông nhún chân một cái, phi thân lên cao hàng chục thước. Từ trên không trung, lựa thế thích hợp nhất, ông nhẹ nhàng đáp xuống như một cánh hạc và tung liên hoàn cước vào chỗ hiểm hạ gục con hổ trong nháy mắt.
Nói về võ phái Đường Phong, ông Ba Lưới cho biết, có rất nhiều thế võ rất hay và cực kỳ lợi hại nhưng không phải ai cũng có thể học được, những đệ tử có thể lãnh ngộ được rất ít. Khi ông nhập môn thì cụ Cử Đa đã rời núi nhưng những thế võ tuyệt chiêu vẫn được truyền lại qua nhiều đời và ông là người may mắn có thể lãnh hội được tuyệt chiêu này.
Đạo sĩ Ba Lưới còn cho biết thêm để luyện được chiêu thức này cũng không hề đơn giản. Ngoài việc phải là người có tư chất luyện võ còn cần có sự kiên nhẫn luyện tập. Ông kể lại lúc luyện chiêu thức này, hàng ngày ông phải gánh cả trăm kg đá lên xuống núi nhiều lần để luyện sức dẻo dai, ông còn đào hố sâu để tập nhảy lên nhảy xuống nhiều lần và mỗi ngày cái hố mỗi sâu hơn. Sau một thời gian kiên trì, cơ thể của ông đã nhẹ nhàng và linh hoạt hơn. Từ dưới hố sâu gần chục mét, ông cũng có thể nhún chân phi thân lên dễ dàng.
Chiêu thức lợi hại của võ phái Đường Phong Bình phong lạc nhạn là chiêu thức lợi hại nhất trong võ phái Đường Phong. Chính nhờ chiêu thức này mà ông Ba Lưới đã sống sót và giành chiến thắng trong một lần đả hổ và 2 lần chạm trán với rắn hổ mây khổng lồ nặng gần trăm ký. Đối với hổ thì thế võ này dễ dàng tránh né nó vì khi gặp hổ có thể phi thân lên cao để trốn tránh nhưng nếu gặp rắn hổ mây thì phải nhanh chóng lựa thế thích hợp để ra đòn hạ gục đối thủ nhanh chóng, nếu chậm trễ sẽ thành mồi ngon của nó. |
Nguyên Việt
Kỳ 2: Đạo sĩ Ba Lưới kể chuyện đả hổ và hai lần hỗn chiến mãng xà khổng lồ Vồ Bồ Hông, trên đỉnh núi Cấm, nơi Cử Đa tu hành.