Các video quảng cáo, fanpage đào tạo “không cánh mà bay”
Qua tìm hiểu của Người Đưa Tin, trên facebook tài khoản cá nhân có tên Nguyễn Diệu Ngọc có gần 100 nghìn người theo dõi, liên tục đăng tải bài viết tuyển sinh đào tạo khoá học tiêm filler - botox liên quan đến Học viện thẩm mỹ Eva Dici, ngoài ra người này còn thường xuyên phát trực tiếp cũng như chia sẻ hình ảnh, video đào tạo học viên hay những khách hàng thực hiện thủ thuật tiêm filler, tiêm meso, căng chỉ tại Viện thẩm mỹ quốc tế Eva Dici.
Để tìm hiểu sâu hơn về “lò” đào tạo chuyên gia thẩm mỹ Eva Dici, Người Đưa Tinđã liên hệ sang Viện thẩm mỹ Eva Dici.
Ngày 14/8 PV liên hệ làm việc theo số điện thoại 093*****92 có đính kèm ở cuối mỗi bài đăng, trong cuộc gọi người này xác nhận mình chính là Nguyễn Diệu Ngọc - Chủ cơ sở Học viện Eva Dici. Vì chưa sắp xếp được công việc nên bà Ngọc hẹn PV vào ngày 17/8 sẽ làm việc trực tiếp tại 129 Hoàng Ngân - Cầu Giấy - Hà Nội.
Tuy nhiên khi chúng tôi đến đây, khác với hiện trạng ngày 29/7 trước đó, tất cả các sản phẩm filler trưng bày hay giấy tờ liên quan được nằm trên chiếc tủ đã “không cánh mà bay", đường link fanpage có tên “Học viện - Đào tạo thẩm mỹ Eva Dici"; “Học Viện thẩm mỹ Eva Dici - Đào tạo thẩm mỹ chuẩn Y khoa" và “Thẩm mỹ Eva Dici" được gắn trên bài đăng của cô cũng đã được khoá lại.
Tiếp chúng tôi là bà Ngọc bà giới thiệu người ngồi bên cạnh tên Vân là chị gái và cho biết Vân không liên quan đến cơ sở thẩm mỹ quốc tế Eva Dici. Thế nhưng, theo ghi nhận trước đó người chị gái mà bà Ngọc giới thiệu chính là Vân - người đã tư vấn học cho chúng tôi vào ngày 29/7.
Điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn, khi trao đổi bà Ngọc, bà lại phủ nhận mình không phải chủ cơ sở ở đây mà chỉ là người quản lý. Khi được hỏi về số lượng nhân viên, bà Vân tranh lời bà Ngọc: “Ở đây chỉ có khoảng 3 - 4 bạn thôi, 1 bạn sale, 1 bạn trực, 1 bạn kỹ thuật viên và 1 bảo vệ ở dưới toà nhà". Đọc lại bài 1 các bạn có thể dễ dàng nhận thấy điểm sai thứ 2 khi người này trả lời.
Bà Ngọc cũng nói thêm cơ sở này chỉ thực hiện làm spa thông thường chứ không có đào tạo học viên tại đây. Tuy nhiên, trên thực tế có phải vậy không? điều này chỉ có bà Ngọc hay bà Vân là người rõ nhất.
Quản lý kiêm luôn giảng viên đào tạo thẩm mỹ
Khẳng định với chúng tôi chỉ là quản lý của thẩm mỹ Eva Dici, thế nhưng mỗi video, mỗi hình ảnh trên trang cá nhân được bà Ngọc tự xưng là chuyên gia.
Chúng tôi xin được trích nguyên văn:
“Chuyên gia Nguyễn Diệu Ngọc
*Founder học viện thẩm mỹ quốc tế eva dici
*Kinh nghiệm 8 năm trong lĩnh vực filler - botox - căng chỉ
*Được đào tạo bởi các chuyên gia hàng đầu về thẩm mỹ nội khoa"
Hay người chẳng hề có mối quan hệ gì với cơ sở như bàNgọc nói cũng được quảng cáo là:
“Chuyên gia Ngọc Vân
*10 năm kinh nghiệm filler - botox
*Chuyên gia làm đẹp hàng đầu
*Đào tạo hơn 1000 học viên".
Không những vậy, người này còn rầm rộ quảng cáo công khai về các buổi dạy học viên thực hiện các kỹ thuật xâm lấn. Bên cạnh đó, là dày đặc các video feedback của khách hàng cảm thấy hài lòng khi làm dịch vụ tại cơ sở này...
Được biết, các dịch vụ nâng mũi, tiêm filler, cắt mí, cấy chỉ… đều là những thủ thuật có xâm lấn, cơ sở thực hiện dịch vụ phải được cấp phép hành nghề và phải được các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đã được cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện.
Nhiều bạn đọc đặt ra câu hỏi vậy người tự xưng là chuyên gia Nguyễn Thị Ngọc, Trần Thị Vân này có đủ bằng cấp chứng chỉ dạy nghề hay không? Ai là chủ cơ sở Thẩm mỹ quốc tế Eva Dici? Hoạt động kinh doanh ở đây là gì? Nếu xảy ra biến chứng người chịu trách nhiệm là ai?...
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND quận Cầu Giấy, Phòng Y tế quận Cầu Giấy cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ những vấn đề nêu trên để tránh những hệ luỵ về sau.
Có thể thấy sự lộn xộn trong đào tạo và cấp chứng chỉ thẩm mỹ hiện nay, chỉ cần có tiền, ai cũng có thể trang bị cho mình về bằng cấp hay khoác lên người vỏ bọc chuyên gia thẩm mỹ. Điều này đang là mối hiểm họa lớn, do đó cơ quan chức năng có thẩm quyền cần giám sát chặt chẽ hơn những cơ sở spa, những nơi đào tạo “chui” để tránh việc đào tạo thêm những “đao phủ” trong ngành làm đẹp.
Xem thêm: Giật mình với “lò” đào tạo chuyên gia thẩm mỹ: Vài tháng vững tay nghề
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc công ty Luật TNHH Chí công & Thiện cho biết, dạy nghề là một hoạt động giáo dục nghề nghiệp và khi một cơ sở muốn thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật như: Cơ sở vật chất, nhân sự đào tạo…mới được phép đào tạo.
Theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp,một cơ sở muốn được đào tạo nghề nghiệp thì phải được cấp phép theo quy định. Trừ trường hợp việc đào tạo để cơ sở đó sử dụng lao động và không cấp chứng chỉ hay văn bằng theo quy định tại Bộ Luật Lao động hiện hành.
Trong trường hợp việc đào tạo của cơ sở đó khi chưa được cấp phép có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 88/2022/NĐ-CP.
Mặt khác, có thể khẳng định mọi văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo trái phép đều không có giá trị. Nếu học viên sau khi tốt nghiệp sử dụng các chứng chỉ, văn bằng này hành nghề màkhông đáp ứng nhu cầu chuyên môn thìphải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có rủi ro về chuyên môn xảy ra.
Nhóm PV