Phát biểu tại buổi lễ, TS. Nguyễn Xuân Sang, Hiệu trưởng nhà trường đã nhấn mạnh tới mô hình đào tạo gắn kết Nhà trường - Doanh nghiệp- Thị trường lao động. Để làm tốt được điều này, bên cạnh chủ động tìm kiếm các đối tác, hàng loạt đối tác đã tìm đến, đồng hành cùng Nhà trường trong quá trình đào tạo, xây dựng chương trình, giải quyết thực hành, thực tập và đầu ra cho sinh viên.
“Sự kết hợp giữa Nhà trường và doanh nghiệp đã tạo cho nhiều ngành học, Sinh viên trong thời gian học đã có thu nhập qua các khóa thực hành, thực tập tại doanh nghiệp do các doanh nghiệp hỗ trợ. Mức hỗ trợ được doanh nghiệp dành cho này có thể đủ 50% hoặc đủ toàn bộ học phí khóa học thông qua vài tháng thực hành tại doanh nghiệp như ngành điện, du lịch
Điều này rất quan trọng đối với sinh viên do nhiều em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vừa đi học vừa phải đi làm thêm để học tập. Với sự kết hợp chặt chẽ với các tổ chức, doanh nghiệp, SV sau khi tốt nghiệp, các em được các doanh nghiêp, tổ chức tuyển dụng ngay bởi các em khi đó đã là sản phẩm đào tạo không phải chỉ của trường mà của cả doanh nghiệp”, ông Sang nhấn mạnh đến ý nghĩa của mô hình đào tạo này.
Xác định việc định hướng gắn kết với doanh nghiệp là xu thế tất yếu của các trường đào tạo, thông qua đó, nhà trường và doanh nghiệp hỗ trợ nhau cùng phát triển vì lợi ích chung và lợi ích của mỗi bên. Từ đó, vị Hiệu trưởng nhấn mạnh: “Việc hợp tác của Nhà trường với các doanh nghiệp, tổ chức trong thời gian vừa qua đã được triển khai rất tốt đẹp và chúng tôi luôn chào đón, mong muốn triển khai tiếp sự hợp tác này để nâng cao chất lượng đào tạo và đóng góp được nhiều hơn nữa vào cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội”.
TS. Nguyễn Xuân Sang cho hay, bên cạnh việc hợp tác với các đối tác trong nước, trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm học 2018-2019, Nhà trường đã đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nước ngoài để triển khai các chương trình trao đổi sinh viên, hợp tác trong đào tạo, thực tập theo chương trình intership… tạo ra cơ hội học tập và làm việc tại các nước phát triển như Nhật, Đức, Hàn Quốc… trong khi học và sau khi ra trường. Nhiều hợp đồng đã được ký kết và đang triển khai tại trường.
Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội qua 16 năm xây dựng và phát triển đã có khoảng 15.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường, đóng góp nguồn nhân lực cho đất nước trong xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Hiện trường được Tổng cục GDNN cấp phép tuyển sinh và đào tạo 27 ngành nghề bậc cao đẳng, 14 nghề hệ Trung cấp với 11 Khoa thuộc 4 khối ngành: Công nghệ, Kinh tế, Ngôn ngữ- Xã hội và Chăm sóc sức khỏe.