Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu trấn áp hoạt động đào Bitcoin tại nước này từ tháng 5/2021, hàng loạt cá nhân và tổ chức đào tiền mã hóa đã chuyển sang Kazakhstan, đẩy nước này lên vị trí thứ 2 sau Mỹ trên bảng xếp hạng đào tiền mã hóa.
Theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge, 18,1% hashrate của Bitcoin - một chỉ số dùng để mô tả tổng năng lực giải thuật toán của giới đào Bitcoin - đến từ Kazakhstan, tăng 4 lần so với năm trước.
Mức tăng trưởng này dựa một phần vào chủ ý chính sách của Kazakhstan. Quốc gia này đã tạo ra một môi trường thân thiện với giới đào tiền mã hóa bằng cách thiết lập khung pháp lý cho lĩnh vực này vào tháng 7/2020 và sẵn sàng đón nhận lợi ích tài chính từ nó. Cùng với khung pháp lý, việc sản xuất dư thừa điện năng cũng làm Kazakhstan trở thành một điểm đến lý tưởng cho các công ty phải rời khỏi Trung Quốc.
Thiếu điện và giải pháp điện hạt nhân
Vấn đề đặt ra là mạng lưới điện của Kazakhstan cũng có giới hạn nhất định, trong khi đào tiền mã hóa lại tiêu tốn lượng năng lượng khổng lồ. Theo Thứ trưởng Bộ Năng lượng Murat Zhurebekov, bình thường mức tiêu thụ năng lượng của Kazakhstan tăng trưởng 1-2% mỗi năm, nhưng trong năm nay mức tăng đạt tới ngưỡng “bất thường” là 8%, tức khoảng 1000-1200 MW.
Vào tháng 10 vừa qua, Công ty Vận hành Lưới điện Kazakhstan (KEGOC) cho biết việc mất điện tại 3 nhà máy, bao gồm nhà máy lớn nhất Kazakhstan Ekibastuz-1, một phần là do nhu cầu tăng cao từ các công ty đào tiền mã hóa. Nguy cơ thiếu điện đã khiến Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev phải đặt lựa chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân lên bàn làm việc tại một cuộc họp tuần trước ở thành phố Almaty.
Năng lượng hạt nhân dường như khá phù hợp với một quốc gia sản xuất tới 41% lượng uranium của cả thế giới vào năm 2020, theo dữ liệu từ Hiệp hội Nguyên tử Thế giới (WNA). Tuy nhiên, sử dụng loại năng lượng này lại là vấn đề gây tranh cãi tại Kazakhstan, chủ yếu do hậu quả từ những vụ thử vũ khí hạt nhân thời Liên Xô.
Theo một báo cáo đăng trên tạp chí khoa học Nature, Liên Xô đã thực hiện 110 vụ thử vũ khí hạt nhân trên mặt đất tại Kazakhstan từ năm 1949 đến năm 1963, trước khi chuyển sang thử dưới lòng đất. Giới chức y tế quốc gia này ước tính khoảng 1,5 triệu người đã bị phơi nhiễm phóng xạ từ thử vũ khí.
Nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Kazakhstan đã đóng cửa vào năm 1999, và bất kỳ đề xuất nào về việc xây dựng một nhà máy mới đều bị phản đối. Trong quá khứ, Tổng thống Tokayev đã từng gợi ý việc trở lại với năng lượng hạt nhân và cho rằng thái độ phản đối chỉ thể hiện “nỗi sợ không phù hợp”, nhưng ông cũng hứa rằng sẽ tham khảo đầy đủ ý kiến công luận.
Đất nước khó rời xa nhiên liệu hóa thạch
Cơ quan Năng lượng Quốc tế mô tả Kazakhstan là “nước sản xuất sản lượng lớn tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch”, bao gồm than, khí tự nhiên và trữ lượng dầu mỏ xác thực đứng thứ 12 thế giới. Dữ liệu từ Statista cũng cho thấy Kazakhstan là nước sản xuất than đứng thứ 8 thế giới vào năm 2020.
Tuy nhiên, Kazakhstan đã cam kết sẽ giảm lượng carbon thải ra trong lúc than còn chiếm 70% năng lượng sản xuất ra tại nước này. Nhiều nhà máy nhiệt điện tại đây được xây dựng từ thời Liên Xô và cần được duy tu và sửa chữa thường xuyên.
Ở thời điểm hiện tại, đề bù đắp thiếu hụt năng lượng, Kazakhstan đã nâng lượng điện mua lại từ Nga dưới một thỏa thuận cho phép 2 quốc gia sử dụng điện của lưới của nhau tùy theo nhu cầu dao động. Các điều khoản trong thỏa thuận này mang tính phi thương mại, nhưng việc mức tiêu thụ điện tăng mạnh tại Kazakhstan đã làm Nga khó chịu, trong khi hai bên đang đàm phán để thỏa thuận về giá điện cố định cho lượng điện Kazakhstan phải nhập.
KEGOC lại đang phải chia nguồn cung điện cho khoảng 50 công ty đào tiền mã hóa hoạt động chính thức tại Kazakhstan. Các công ty này đều nộp thuế và có thỏa thuận với KEGOC, nhưng còn có nhiều tổ chức đào tiền hoạt động trong “vùng xám” không có giới hạn về lượng điện tiêu thụ. Số các tổ chức loại này đã tăng mạnh trong những tháng gần đây khi cuộc di cư từ Trung Quốc tiếp tục diễn ra.
Alan Dorjiyev, chủ tịch Hiệp hội Blockchain và Ngành Trung tâm dữ liệu Kazakhstan, cho rằng việc kiểm soát hoạt động đào tiền mã hóa thiếu cơ sở pháp lý sẽ đóng vai trò thiết yếu trong bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn của Kazakhstan.
Tăng nguồn thu bằng cách đánh thuế “thợ đào”
Từ năm 2022, chính phủ Kazakhstan sẽ đưa ra một loại thuế mới cố định ở mức 1 Tenge (0,0023 USD) trên mỗi kWh điện dùng bởi các công ty đào tiền có đăng ký, nhờ vậy mà việc đưa thêm tổ chức đào tiền từ “vùng xám” vào “vùng sáng” pháp lý sẽ tăng nguồn thu từ thuế và làm nhu cầu điện dễ dự báo hơn. Đối với các công ty đào tiền đăng ký mới trong tương lai, chính phủ Kazakhstan đang xem xét quy định đặt mức tiêu thụ năng lượng tối đa tại mỗi cơ sở là 1 MW và 100 MW trên toàn quốc cho mỗi công ty.
Tuy tạo ra nhiều thách thức, hoạt động đào tiền mã hóa vẫn đang tạo ra giá trị đáng kể cho nền kinh tế Kazakhstan. Lĩnh vực này được dự đoán sẽ mang lại 1,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và tăng thêm 300 triệu USD cho nguồn thu từ thuế.
Kazakhstan là điểm đến hấp dẫn đối với các công ty đào tiền mã hóa do giá điện tương đối rẻ, môi trường pháp lý thuận lợi và tiềm năng năng lượng tái tạo chưa được tận dụng hết. BIT Mining, một công ty hàng đầu trong lĩnh vực đào tiền mới dịch chuyển từ Trung Quốc sang, đã viện dẫn những lý do như vậy khi đề xuất xây dựng một trung tâm dữ liệu 40 MW tại quốc gia này.
Tùng Phong (Theo Nikkei Asia)