Sự việc xảy ra vào chiều 23/1/2013, tại nhà ông Khải (khóm 5, KV 5, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ).
Được biết, công an phường, tổ bảo vệ dân phố đã dùng súng “uy hiếp”, khống chế người dân và đập chết đàn gà. Vì cho rằng đàn gà gia đình ông Khải đang nuôi nằm trong đối tượng cần phải tiêu hủy theo chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 19/3/2009 của quận Ninh Kiều về việc “tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người”.
Hình ảnh hiện trường vụ việc.
Trên thực tế thời điểm hiện tại dịch bệnh gia cầm H5N1 không còn bùng phát mạnh mẽ, phổ biến như thời điểm năm 2009. Điều đáng nói trước khi đập gà, đoàn kiểm tra thuộc UBND phường An Khánh không hề có một thông báo, văn bản, hay quyết định nào đối với gia đình ông Khải về việc cưỡng chế, tiêu hủy số gà này.
Hành động đập chết gà của cơ quan chức năng phường An Khánh đã gây bức xúc, uất ức cũng như những thiệt hại về kinh tế cho gia đình ông Khải.
Chiều ngày 26/1/2013 phóng viên báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Toàn Thắng, luật sư Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, trưởng văn phòng luật sư Tâm Hoàng Nghĩa về vụ việc trên.
Thưa ông, với tư cách là một luật sư, ông đánh giá thế nào cách “tiêu hủy” gà của cơ quan chức năng phường An Khánh?
Cơ quan chức năng phường An Khánh đã thể hiện một cách làm việc thiếu chuyên nghiệp. Việc cưỡng chế, đập chết gà của dân như thế là thiếu đi sự mềm mỏng, thiếu đi cái tình, dẫn đến người dân bức xúc và uất ức. Chính quyền không hề thông báo, cũng không hề giải thích cho người dân hiểu mà hung hăng vào đập, giết gà như vậy cũng thể hiện sự thiếu chín chắn, thiếu chuẩn mực của cơ quan công quyền. Điều này phần nào làm xấu đi hình ảnh của cơ quan chức năng trong mắt người dân.
Thưa ông, được biết phía gia đình ông Hồ Văn Khải đang tìm luật sư nhờ trợ giúp làm văn bản đề nghị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của đoàn kiểm tra phường An Khánh. Theo ông cần xem xét trách nhiệm nào của đoàn kiểm tra phường An Khánh?
Trước hết, cần phải xem xét lại cách thức, quy trình làm việc của đoàn kiểm tra phường An Khánh. Theo tôi việc đoàn kiểm tra tự ý xông vào nhà dân đập chết cả đàn gà, thiệt hại cho người dân cả trăm triệu đồng như thế đã có dấu hiệu của việc lạm quyền.
Ngoài ra, trong trường hợp chứng minh được việc “tiêu hủy” đàn gà trên là không hợp lý, không phù hợp với thực tiễn địa phương, đàn gà không nằm trong diện cần tiêu hủy mà vẫn cố tình tiêu hủy của người dân thì hành vi đó đã có dấu hiệu của “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự năm 2009.
Vâng, cảm ơn ông!
“Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản 1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Để che giấu tội phạm khác; đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; e) Tái phạm nguy hiểm; g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.” |
Người dân, độc giả trên cả nước có thể phản ánh những vụ việc xảy ra tại địa phương mình tới tòa soạn Báo Người đưa tin qua địa chỉ email: luatsu@nguoiduatin.vn
> Tin tức hấp dẫn, thiết thực trên chuyên mục Luật sư báo Người đưa tin
Giang Quyết