Chiều ngày 23/10, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). PGS.TS Phương cho biết, hiện tại, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 mới có duy nhất một trạm quan trắc đầu tiên đi vào hoạt động. Trạm quan trắc này cũng có thể ghi lại số liệu nhưng để có những số liệu chính xác nhất thì cần phải có sự hoạt động của cả một hệ thống mạng lưới quy mô. Trong thời gian ngắn nhất, một hệ thống mạng lưới gồm 5 trạm quan trắc sẽ được triển khai ở khu vực này. Khi đó, mạng lưới này mới có thể đi vào hoạt động bình thường và hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, để có được những thông số chính xác nhất của một trận động đất vừa qua, Viện Vật lý địa cầu phải kết hợp cả số liệu của mạng lưới quốc gia và các số liệu gia tốc nền tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Chính vì thế, mọi người không nên quá kỳ vọng vào hiệu quả hoạt động hệ thống trạm quan trắc địa phương khi mới chỉ có một trạm đầu tiên đi vào hoạt động.
Trạm quan trắc đầu tiên nhanh chóng đi vào hoạt động là một sự cố gắng rất lớn của các cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục gấp rút triển khai lắp đặt thêm 4 trạm quan trắc nữa trong thời gian sớm nhất. Hiệu quả hoạt động của các trạm quan trắc sẽ tăng gấp nhiều lần khi một hệ thống mạng lưới gồm 5 trạm đồng thời cùng đi vào hoạt động.
Cũng theo chuyên gia này, hiện tại Viện Vật lý địa cầu chỉ có thể khẳng định được, với xu thế này thì các trận động đất sẽ còn tiếp tục xảy ra ở khu vực Bắc Trà My. Và theo quy luật, cường độ của các trận động đất sẽ diễn biến theo hướng tăng dần cho đến khi đạt mức đỉnh điểm sau đó sẽ giảm dần đi.
Mặc dù không thể biết chắc khi nào thì động đất ở Sông Tranh 2 sẽ đạt đến mức đỉnh điểm và đỉnh điểm của nó sẽ là bao nhiêu. Tuy nhiên, chúng ta có thể yên tâm, động đất sẽ không quá mạnh để có thể gây ra những tổn hại lớn cho người dân. Tính đến thời điểm này thì đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chịu đựng được những chấn động do các trận động đất gây ra, nhưng EVN cũng cần có trách nhiệm gia cố và tiến hành các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho cả công trình.
Vị PGS.TS này nhấn mạnh: "Để có thể có những thông số chính xác về động đất, chúng tôi cần có một hệ thống trạm quan trắc hoạt động. Đồng thời người dân cũng nên chủ động phòng tránh, đừng quá kỳ vọng vào trạm quan trắc địa phương".
Dương Dung - Tiền Đông