Guardiola vĩ đại hơn Man City
Chính là Guardiola. Không nhầm đâu! Không phải Man City. Phải là Guardiola! Vâng, Man City là đội bóng được điều hành tốt, với chiến lược tuyển dụng khôn ngoan, tiền bạc rủng rỉnh và quyền lực cực lớn. Tuy nhiên, nếu không có Guardiola, Man City đừng nghĩ đến chuyện vô địch Premier League 5 lần trong 6 năm.
“Không ai được phép lớn hơn CLB” là phát ngôn đậm chất dân túy và thật thao túng tâm lý. Thành công trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng thuộc về cá nhân chứ chẳng phải tập thể. Trên sân cỏ, Quả bóng vàng là bảo chứng cho đẳng cấp hay thậm chí sự vĩ đại cho một danh thủ, cho dù chẳng có chuẩn mực nào cho cuộc bình chọn này. Messi giành Quả bóng vàng vẫn bị chê không xứng, trong khi HLV trưởng ĐTQG Lào từng bỏ phiếu cho học trò vì ông thấy cậu ấy xứng đáng. Chẳng sao cả, mỗi người một quan điểm.
Dù vậy, đôi khi tầm ảnh hưởng của huấn luyện viên bị đánh giá thấp. Chẳng hạn như Arsene Wenger hay Sir Alex Ferguson. Arsenal và đặc biệt Man United không thể vĩ đại nếu thiếu đóng góp của hai nhà cầm quân kiệt xuất này. Điều đáng nói hơn nữa, cái gọi là truyền thống, bản sắc hay lối chơi đặc trưng thực ra đâu phải do CLB sản sinh ra. Chính những vị chiến lược gia tạo nên phẩm chất quý giá ấy cho mỗi CLB. Tương tự là Guardiola tại Man City. Các đội bóng khác e sợ Man City hay e sợ Guardiola? Nếu Guardiola ra đi, Man City liệu có thể thống trị thêm nhiều năm nữa?
Tầm vóc Guardiola phản chiếu qua câu chuyện Man Untied và Sir Alex
Không ai trả lời được cho tương lai nhưng dưới đây là một câu chuyện phản chiếu từ quá khứ được ghi lại bởi cây bút kỳ cựu Martin Samuel, phụ trách chuyên mục thể thao của tập đoàn báo chí News Uk, đơn vị xuất bản 3 tờ báo danh tiếng The Times, The Sunday Times và The Sun ở Anh:
“Vài năm trước, trên đường đến xem một trận đấu của đội tuyển Anh, tôi tình cơ ngồi đối diện David Gill, lúc đó là Giám đốc điều hành Man United. Một cuộc thảo luận giữa tôi và ông ta về chủ đề Luật Công bằng tài chính diễn ra sau đó. Tôi phản đối FFP vì luật này thật phân biệt giao cấp, bảo hộ cho tầng lớp tinh hoa và hẳn nhiên sinh ra từ ảnh hưởng của những đội bóng lớn tự cho mình đặc quyền phát xét, chẳng hạn như Man United của David Gill. Chẳng có gì ngạc nhiên, ông ta phản đối tôi.
Tôi lập luận rằng FFP đã củng cố Man United ở một vị trí không bao giờ có thể thất bại. Tôi truy vấn ông ta rằng tại sao Man United không thể nào vô địch Ngoại hạng Anh mỗi mùa cho dù ưu thế tài chính của đội bóng ngày càng lớn hơn. Ông ấy không thể đưa ra lý do nào, nhưng chúng tôi đồng ý sẽ thảo luận về vấn đề này vào một dịp khác.
Và khi gặp lại nhau, luận điểm tôi đưa ra trở nên vô nghĩa. Tôi đã sai. Không phải FFP. Ngay cả những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho Luật công bằng tài chính này giờ đây cũng phải thừa nhận nó chẳng đem đến sự công bằng nào và chỉ làm hỏng tính cạnh tranh. Tôi sai là sai về Man United. Đội bóng do David Gill điều hành không còn chễm chệ trên đỉnh bảng xếp hạng vì đội bóng ấy là Manchester United không Sir Alex. Man United đã vươn tới đỉnh cao chói lọi lẫn sự thống trị nhờ Sir Alex và khi vị chiến lược gia người Scotland ra đi, triều đại của Quỷ đỏ cũng kết thúc”.
Allardyce càng ghen tỵ, Guardiola càng vĩ đại
Vì thế, điều tương tự sẽ xảy ra nếu Guardiola rời Man City. Đó là lý do tại sao những đồng nghiệp nhỏ nhen của Pep như lão già tham lam Sam Allardyce khoe khoang rằng ông ta cũng có thể đạt được thành công tương tự nếu có được cơ hội tương tự là một sự xúc phạm, cứ như thế yếu tố duy nhất dẫn đến thành công chỉ là tiền bạc. Khi Allardyce dẫn dắt đội tuyển Anh trong quãng thời gian ngắn ngũi, ý tưởng sáng tạo nhất của nhà cầm quân này là cố thuyết phục Steven N'Zonzi, một cầu thủ người Pháp, khoác áo Tam sư.
Trong khi đó, Guardiola có hàng tá phát kiến chiến thuật lưu danh sử sách. Ông đưa Messi vào vị trí “số 9 ảo”, trao vị trí tiền vệ mỏ neo cho Sergio Busquets, kéo Philipp Lahm vào trung lộ, sử dụng Joao Cancelo như hậu vệ cánh di chuyển nghịch chân hay dấu ấn lớn nhất ở mùa giải này là biến John Stones thành hậu vệ lai tiền vệ. Chỉ Guardiola nhìn thấy John Stones có thể đá cặp tiền vệ trung tâm với Rodri khi Man City có bóng rồi lùi về vị trí trung vệ khi Man City mất bóng. Thiên tài!
Stones đã làm việc với rất nhiều HLV: Keith Hill, David Flitcroft, Micky Mellon và Danny Wilson tại Barnsley, David Moyes và Roberto Martínez tại Everton, Roy Hodgson, Allardyce và Gareth Southgate ở đội tuyển Anh, không ai nghĩ đẩy cầu thủ này lên trung tuyến khi có bóng cả.
Như vậy, sự thông tuệ của Guardiola chính là điểm mấu chốt để Man City vô địch Ngoại hạng Anh 3 mùa liên tiếp và 5 lần trong 6 năm gần đây. Sự thống trị ấy nhiều khả năng còn nối dài tùy thuộc vào vị chiến lược gia người Catalonia ở lại Etihad bao lâu.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu “cú ăn ba” có phải là đỉnh cao hoàn hảo để chia tay Man City hay không, Guardiola đã ỡm ờ. Chẳng ai, kể cả nhà cầm quân kiệt xuất này biết bao giờ ông rời Etihad, chỉ biết là sẽ có một ngày nào đó mà thôi. Bởi vậy giới chuyên môn lẫn người hâm mộ vẫn vững một niềm tin rằng Man City tiếp tục thống trị và biến Premier League từ giải đấu cạnh tranh nhất thành sân chơi buồn tẻ, nơi cuộc đua á quân mới khó đoán còn danh hiệu vô địch khó lòng thoát khỏi tay thầy trò Guardiola.
Khi Guardiola ra đi, Man City sẽ lao đao như Man United
Chỉ đến khi vị chiến lược gia người Catalonia ra đi, cục diện mới thay đổi. Man City không thể thống trị trước khi Pep đến, và khả năng cao kịch bản tái diễn khi ông đi, họ cũng mất khả năng làm bá chủ đảo quốc sương mù. Giống như Ferguson, Guardiola là độc nhất vô nhị trong thời đại này. Và như Ferguson, sự thành công của ông ấy gần như không thể tái hiện.
Tròn 10 năm sau khi Alex Ferguson nghỉ hưu, Man United vẫn chưa vô địch Premier League. Quỷ đỏ đã thử nhiều chiến lược gia, những nhà cầm quân tài danh có, huyền thoại CLB có, ngay cả người được Sir Alex chọn hay HLV đương nhiệm đang được đánh giá rất cao cũng chưa bao giờ đưa Man United đến gần danh hiệu.
Vì vậy, không có gì là mãi mãi trong bóng đá và trong khi FFP tăng khả năng thành công cho những ông lớn truyền thống, cũng chẳng ai đảm bảo các ông lớn ấy duy trì được vị thế. Do đó, hóa ra Alex Ferguson mới là nhân tố đặc biệt chứ không phải thực thể Man United. Nhiều yếu tố đặc biệt làm nên thành công của Quỷ đỏ, nhưng khi Sir Alex ra đi, sự kỳ diệu cũng đi theo.
Guardiola rồi cũng vậy. Rốt cuộc ông cũng rời Etihad. Man City có thể vẫn giàu có bậc nhất xứ sở sương mù. Nhưng thì sao? Man City luôn đầy tiền từ khi Sheikh Mansour mua lại đội bóng này, nhưng chưa bao giờ đội bóng thành công như hiện tại. Roberto Mancini chỉ giành 1 chức vô địch trong 4 mùa giải. Manuel Pellegrini cũng đăng quang 1 lần sau 3 mùa, và vị trí của Man City ngày càng tụt dốc, từ thứ nhất rồi xuống á quân rồi chỉ nắm suất cuối cùng trong top 4.
Chính Guardiola biến ưu thế rõ rệt của Man City thành công thức chiến thắng bền vững. Ai đủ khả năng kế tục Pep? Có nhà cầm quân nào đủ tầm vóc trở thành nhà cách mạng chiến thuật như Pep không? Nếu Guardiola ra đi, Man City sẽ lạc hướng như Man United 10 năm về trước. Sử dụng huyền thoại của đội bóng như Vincent Kompany? Một người liên tục giành danh hiệu như Zinedine Zidane? Hoặc có thể là Arne Slot hoặc Luciano Spalletti? Ai có thể nhìn ra khả năng những cái tên vừa nêu vô địch Premier League 5 trên 6 mùa giải không? 4 trên 6? 2 trên 3? Tất cả chỉ là suy đoán.
Nhưng mẫu số chung trong mọi kỷ nguyên chứng kiến sự thống trị của một CLB tại xứ sở sương mù đều là tài năng kiệt xuất của HLV. Herbert Chapman ở Huddersfield thập niên 1920 và Arsenal thập niên 1930, Bob Paisley ở Liverpool cuối thập niên 1970 và đầu 1980 hay Sir Alex ở Man United. Joe Fagan, Kenny Dalglish và Jürgen Klopp đều giành được chức vô địch với Liverpool nhưng không thể giữ vững ngai vàng còn mọi nhà cầm quân kế nhiệm Alex Ferguson ở Old Trafford đều thất bại trong việc chinh phcuj Premier League. Giả định rằng ngay cả khi không có Guardiola, Man City sẽ tiếp tục giành chiến thắng theo cách tương tự chưa hề được lịch sử chứng minh.
Hoàng Giang