Theo tin từ thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị vừa có báo cáo tổng hợp sơ bộ về kết quả công tác thanh tra việc quản lý sử dụng đất của các nông - lâm trường (N-LT) và các công ty chuyển đổi từ N-LT trên phạm vi cả nước tính tới ngày 31/12/2012. Tuy nhiên, trong tổ số 50 tỉnh, thành được tiến hành thanh tra đợt này mới chỉ có 37 địa phương gửi báo cáo, 13 địa phương chưa có báo cáo gửi về Bộ; tổng số đơn vị được thanh tra là 73/99.
Hàng chục ngàn hécta đất bị lấn chiếm, chuyển nhượng, sử dụng sai...
Đánh giá chung về công tác quản lý, sử dụng đất tại các N-LT, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật diễn ra khá phổ biến, chưa được giải quyết; Tình trạng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật vẫn diễn ra ở nhiều đơn vị; Có một số đơn vị được thanh tra xảy ra tình trạng thế chấp và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất không đống quy định của pháp luật...
Khu vực rừng của Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê (Hà Tĩnh) bị người dân lấn chiếm trái phép. Ảnh: báo CANA.
Kết quả thanh tra trên được đưa ra đúng thời điểm dư luận đang “nóng” với tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng diễn ra phổ biến, làm mất mát tài nguyên quốc gia, ảnh hưởng tới môi trường…
Đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc hàng ngàn người dân xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An kéo vào lâm trường Cô Ba chặt cây, chia đất hồi giữa tháng 6 vừa qua.
Theo báo cáo Thanh tra, về việc quản lý sử dụng đất của các N-LT và công ty được chuyển đổi từ các N-LT trên phạm vi cả nước, hiện có tới 41/73 đơn vị để xảy ra lấn chiếm đất N-LT; 23/73 nông, lâm trường đã tự ý chuyển đổi trái phép từ đất nông nghiệp, đất rừng sang đất ở, đất sản xuất kinh doanh…
Cụ thể, liên quan tới việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật, có 23/73 đơn vị đã tự ý chuyển đổi hơn 1.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; trong đó chuyển sang đất ở là hơn 156 ha, đất xây dựng trụ sở và đất sản xuất kinh doanh là hơn 911 ha.
Qua thanh tra phát hiện có 41/73 (hơn 56%) đơn vị đã bị hơn 4.500 hộ gia đình, cá nhân, 4 tổ chức lấn chiếm đất đai với tổng diện tích hơn 8.400 ha. Ngoài ra có 12 đơn vị chưa xác định rõ số trường hợp lấn chiếm.
Trong đó, 10 đơn vị bị lấn chiếm gần 2.000 ha kết luận thanh tra đã kiến nghị thu hồi trả về địa phương; 22 đơn vị bị lấn chiếm hơn 3.200 ha mới ban hành quyết định cưỡng chế ở 1 đơn vị với diện tích hơn 36ha, số còn lại chưa được địa phương giải quyết, hoặc giải quyết chưa dứt điểm; 1 đơn vị bị lấn chiếm hơn 6ha đã cưỡng chế nhưng tái phạm; 8 đơn vị bị lấn chiếm hơn 3.200 ha không nêu rõ sử dụng vào mục đích gì và không nêu rõ kiến nghị xử lý.
Ngoài ra, báo cáo của thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định đã phát hiện nhiều N-LT trường tự ý chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; liên doanh, liên kết trong việc chuyển nhượng sử dụng đất trái pháp luật...
Phát hiện có 6/73 đơn vị đem thế chấp giá trị quyền sử dụng đất tại các ngân hàng, với diện tích gần 52.000 ha; có 15/73 đơn vị liên doanh, liên kết trong việc sử dụng đất (trong đó 9 đơn vị liên kết với hơn 2.000 hộ gia đình, cá nhân sử dụng hơn 9.000 ha đất vào mục đích nông nghiệp; 6 đơn vị liên doanh với 6 doanh nghiệp, tổ chức sử dụng gần 3.000 đất vào sản xuất nông nghiệp và trồng rừng).
Về việc cho thuê lại, mượn quyền sử dụng đất, thanh tra cũng phát hiện 20/73 N-LT đã cho thuê lại quyền sử dụng đất trái pháp luật với tổng diện tích gần 17.000 ha (trong đó có 9 đơn vị cho 9 tổ chức thuê gần 100 ha đất để sử dụng vào mục đích kinh doanh; 10 đơn vị cho 548 hộ gia đình, cá nhân thuê, mượn đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp).
Về tranh chấp quyển sử dụng đất, có 13/73 đơn vị có tranh chấp đất với 32 hộ gia đình, cá nhân và 4 UBND huyện giao trùng diện tích cho các hộ và 1 tổ chức với diện tích hơn 1.100 ha.
Kết quả thanh tra còn hạn chế
Đánh giá về việc sử dụng đất tại các N-LT và công ty chuyển đổi, Thanh tra bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật diễn ra khá phổ biến, chưa được giải quyết; Tình trạng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật vẫn diễn ra ở nhiều đơn vị...
Nguyên nhân cơ bản, theo Thanh tra, do một số cơ quan quản lý nhà nước có chức năng liên quan chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Thậm chí, nhiều địa phương còn có biểu hiện buông lỏng việc quản lý đất đai tại khu vực N-LT.
“Công tác giao khoán đất trước đây tại các địa phương còn thiếu cụ thể, chủ yếu trên giấy tờ. Cùng với đó, sự thiếu liên kết giữa chính quyền địa phương và các cơ quan chủ quản trong công tác quản lý, kiểm tra đã làm gia tăng các trường hợp lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê, mượn, chuyển nhượng, xây dựng nhà ở sai luật”, báo cáo thanh tra nhìn nhận.
Về công tác thanh tra, Thanh tra Bộ đánh giá, công tác chỉ đạo, triển khai, đôn đốc thực hiện chỉ tập trung vào nội dung hiện trạng quản lý, sử dụng đất của các N-LT, công ty mà chưa phản ánh được những nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất của những khu vực đất trước kia thuộc N-LT, công ty tại thời điểm thanh tra đã chuyển về địa phương quản lý, nên kết quả thanh tra còn hạn chế, chưa phản ánh được công tác quản lý của các cấp quản lý nhà nước ở địa phương với các N-LT; chất lượng báo cáo, kết luận thanh tra phần lớn chưa cao.
Ngày 24/6, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản trả lời chúng tôi về hiện trạng rừng và công tác bảo vệ rừng ở VN.
Cụ thể, về các vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi rừng vì mục đích kinh tế ở địa bàn Tây Nguyên, Tây Bắc, Tổng cục Lâm Nghiệp khẳng định phải theo quy định của pháp luật.
Về nguồn thu từ tận thu rừng trên diện tích chuyển đổi: Nếu rừng trồng do chủ rừng tự đầu tư thì chủ rừng được hưởng toàn bộ; nếu là rừng tự nhiên, rừng trồng bằng vốn ngân sách thì toàn bộ nguồn thu nộp vào ngân sách.
Tổng cục Lâm nghiệp cũng khẳng định, chỉ những dự án có đánh giá tác động môi trường mới được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Về kết quả triển khai dự án 5 triệu ha rừng, theo Tổng cục Lâm nghiệp, Nghị quyết số 18 của Quốc hội khóa 13 đã nêu: Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Theo Đất Việt