Dù đã dành hơn 1 tuần để quét dọn, lau chùi nhưng với lượng đất đá đổ xuống phòng học tại điểm trường mầm non bản Lưu Thắng, thuộc trường mầm non Chiêu Lưu 2, huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An khiến các cô giáo cũng phải thở dài ngao ngán.
“Còn gần 1 tuần nữa là bắt đầu năm học mới rồi, vậy mà mọi thứ còn ngổn ngang quá. Ngày đầu tiên vào đây, nhìn thấy cảnh tượng này ai cũng rơm rớm nước mắt. Toàn bộ đồ chơi và vật dụng trong phòng do các cô tự tay làm cũng bị chôn vùi trong bùn đất”, cô Vi Thị Huế cho hay.
Theo các cô giáo, thời gian vừa qua trên địa bàn có mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, khiến đất đá từ ngọn núi phía sau đổ ập xuống phòng học bằng gỗ dành cho trẻ 3-4 tuổi.
Toàn bộ phần gỗ phía sau đổ sập, cột gỗ bị xô đổ kéo theo mái nhà bị hư, rất nguy hiểm. Phòng học cũng xuất hiện 1 vết nứt chạy ngang tường. Ngoài ra, bùn đất tràn vào phòng học xây kiên cố, khiến đồ đạc, thiết bị dạy học, bàn ghế hỏng, gãy… không sử dụng được nữa.
Ghi nhận của PV, bùn đất ngập trong phòng học có nơi đến hơn nửa mét. Một lượng lớn bùn đất tràn xuống bịt hoàn toàn lối đi từ phòng học kiên cố (dành cho trẻ 4-5 tuổi) ra vườn rau. Khu vườn của trường bị xóa sổ hoàn toàn.
Sau khi xảy ra sự việc, ban giám hiệu nhà trường, người dân, chính quyền địa phương và các giáo viên đã có mặt, tìm cách khắc phục hậu quả. Một số đồ dùng, thiết bị còn có thể tái sử dụng được chuyển ra ngoài, rửa sạch lớp bùn đất. Tuy nhiên, phần lớn tất cả đều đã hư hỏng hoàn toàn nên sau nhiều ngày cố gắng các cô cũng chỉ nhặt nhạnh được một số vật dụng nhỏ treo ở trên tường cao.
Cô giáo Doãn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Chiêu Lưu 2 thở dài: “Với sức lực, khả năng của các cô giáo thì chỉ có thể dọn dẹp bên ngoài. Khối lượng đất đá sụt lở, tràn vào khu vực điểm trường quá lớn, nằm ngoài khả năng xử lý của trường. Chúng tôi đã có văn bản báo cáo phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cũng như kiến nghị UBND xã huy động lực lượng, phương tiện cơ giới giải phóng số đất đá đó ra ngoài”.
Theo cô Hương, điểm bản Lưu Thắng có khoảng 50 cháu cho 2 nhóm lớp từ 3-5 tuổi. Trước những thiệt hại nặng nề như thế nào, cô trò cũng chưa biết phải bắt đầu năm học mới như thế này khi trường lớp không còn, bàn ghế chẳng có. Thậm chí, nếu có nguồn lực để xây dựng lại hoàn toàn thì cũng mất rất nhiều thời gian và công sức, chẳng biết khi nào mới xong.
“Điều đáng lo ngại nữa là mùa mưa vẫn chưa kết thúc nên việc sạt lở vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngay sau lớp học kiên cố là một tảng đá mồ côi lớn nằm chênh vênh, nếu mưa lớn thêm vài ngày nữa chắc chắn sẽ rơi xuống đe dọa tính mạng của cô trò. Chúng tôi đang rơi vào tình trạng “đi không được, ở không xong” nên đang chờ các cơ quan chức năng tìm phương hướng giải quyết”, cô Hương nói.
Sau khi trời hửng nắng, UBND xã Chiêu Lưu đã huy động lực lượng đào, vận chuyển đất đá ra khỏi khu vực trường học, sửa sang lại phòng học lớp 5 tuổi. Nhưng riêng phòng học cho trẻ 3-4 tuổi không thể tiếp tục sử dụng.
Ông Vi Quý Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu cho hay: “Trước mắt, do thời gian tựu trường đã cận kề nên để đảm bảo an toàn cho các cháu, chúng tôi bố trí lớp 3-4 tuổi sang học tạm tại nhà văn hóa bản Lưu Thắng ngay sát cạnh. Còn về lâu dài thì chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng, chứ với nguồn lực của xã thì rất khó”.
Một số hình ảnh tan hoang tại trường mầm non Chiêu Lưu 2: