Thực tế đáng suy ngẫm
Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác bồi thường năm 2013 cho thấy, số tiền Nhà nước bồi thường trong năm 2013 tăng gấp 5 lần so với 3 năm trước đây. Ông đánh giá ra sao về thực tế này?
Trước hết phải nói rằng, các vụ việc được bồi thường theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có chiều hướng ngày càng tăng. Điều này cho thấy, luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày càng đi vào cuộc sống, trách nhiệm của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước và các cơ quan tư pháp các cấp đã có những cố gắng trong việc tiếp nhận, xử lý các vụ việc có đơn yêu cầu bồi thường Nhà nước.
Mặt khác, từ thực tế đó cũng cho thấy số vụ việc giải quyết của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không đúng với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong các lĩnh vực quản lý hành chính, hoạt động tư pháp và thi hành án được người dân yêu cầu bồi thường có xu hướng ngày càng tăng, trong đó có các vụ việc bị oan sai có số lượng tiền phải bồi thường lớn. Đây là những vấn đề bức xúc đặt ra cần phải có những giải pháp tích cực để hơn ai hết những người thực thi pháp luật phải mẫu mực trong việc tuân thủ pháp luật để quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thực sự được tôn trọng. Một trong những lĩnh vực phát sinh nhiều vụ việc bồi thường Nhà nước gồm: Đất đai, xử lý vi phạm hành chính.
Thực tế cuộc sống đã chỉ ra rằng lĩnh vực quản lý hành chính liên quan đến đất đai đang có nhiều khiếu kiện nhất và xét theo góc độ quản lý Nhà nước cho thấy đó cũng là lĩnh vực có nhiều sai phạm, tham nhũng và tiêu cực.
Ông Hoàng Văn Minh, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội.
Theo ông, nguyên nhân nào khiến lĩnh vực này có nhiều sai phạm, khiếu kiện nhất?
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tựu trung lại có hai nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, phải nói rằng lĩnh vực đất đai và quản lý hành chính là lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của mọi người dân trong xã hội nhưng luật pháp của chúng ta về quản lý lĩnh vực đó chưa đồng bộ và đang có những sơ hở nên việc thực thi pháp luật không nghiêm là điều dễ hiểu. Đặc biệt, khi có sai phạm xảy ra, người thực thi pháp luật luôn đưa ra những lý do, do hệ thống pháp luật chưa đầy đủ hoặc là chưa được quy định cụ thể để biện minh cho những sai phạm của mình và kết cục là người dân phải chịu nỗi oan khuất đó trong một thời gian khá dài, có vụ việc đến hàng chục năm mới được giải quyết.
Cũng xin được nói thêm rằng, hoạt động giải quyết bồi thường theo số liệu báo cáo chưa phản ánh đúng thực chất tình hình thực tiễn đang diễn ra. Tôi có được tiếp cận với báo cáo, chỉ riêng trong hoạt động quản lý hành chính, năm 2013, cả nước đã giải quyết trên 40.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo, trong đó, có gần 40% khiếu nại và trên 50% tố cáo được cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho rằng khiếu nại, tố cáo đúng hoặc đúng một phần. Theo tôi, số vụ việc phát sinh yêu cầu bồi thường chắc chắn là sẽ lớn hơn rất nhiều so với những con số đã nêu trong báo cáo.
Thứ hai, cũng cần nhìn nhận rằng lĩnh vực quản lý hành chính, quản lý đất đai đang là những lĩnh vực có nhiều khiếu kiện và tiêu cực diễn ra khá phổ biến. Điều đáng quan tâm là tiêu cực, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ của những cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Báo chí đã tốn không ít bút mực để nói về hiện tượng này nhưng đến nay xem ra vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Có thể nói đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều sai phạm trong quản lý hành chính, quản lý đất đai.
Xem xét trách nhiệm hoàn trả còn nhiều vớng mắc
Ông đánh giá ra sao về tỷ lệ thực hiện trách nhiệm hoàn trả chỉ đạt 8/25 vụ việc?
Tôi được biết, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả đã thực hiện đối với 8 vụ việc (trong lĩnh vực quản lý hành chính và thi hành án), với tổng số tiền là hơn 233,7 triệu đồng. Con số này so với các vụ việc Nhà nước đã chi trả tiền bồi thường, việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả đạt tỷ lệ thấp.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trách nhiệm cá nhân đang bị bỏ qua trong những vụ việc đã giải quyết bồi thường của Nhà nước, thưa ông?
Đây là vấn đề đang có những vướng mắc trong quá trình xem xét bồi hoàn. Việc xem xét trách nhiệm cá nhân vi phạm trong hoạt động quản lý Nhà nước, thi hành án chủ yếu mới chỉ bị xử lý ở mức hành chính như kỷ luật khiển trách, thuyên chuyển công tác; so với số tiền Nhà nước phải chi trả bồi thường hàng chục tỷ đồng thì số tiền hoàn trả của những người làm sai là không đáng kể. Bởi, muốn chứng minh được trách nhiệm bồi hoàn của cá nhân, cán bộ tham gia tố tụng thì cần phải chứng minh được lỗi cố ý của họ. Tuy nhiên, chứng minh được lỗi cố ý không phải chuyện đơn giản.
Để khắc phục trình trạng này, trong quá trình thực hiện bồi thường Nhà nước, việc xem xét trách nhiệm cá nhân cần được đặt ra một cách thực sự nghiêm túc để việc áp dụng trách nhiệm bồi hoàn được cụ thể, không tùy tiện bỏ qua. Hơn nữa, việc ban hành văn bản quy định cụ thể để áp dụng thống nhất cũng là vấn đề cấp bách cần được đặt ra để thực hiện trong thời gian tới. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng trách nhiệm cá nhân đang bị bỏ qua trong những vụ việc đã giải quyết bồi thường của Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Hương Lan – Đỗ Thơm