Tổng thư ký Liên Hợp (LHQ) Quốc Antonio Guterres cho biết các đại diện quốc tế đã đạt được sự đồng thuận về một số vấn đề chính liên quan đến Afghanistan sau cuộc họp kéo dài 2 ngày ở Doha (Qatar), nhưng vẫn còn những trở ngại.
“Chúng tôi muốn một Afghanistan hòa bình, hòa bình với chính mình và với các nước láng giềng, đồng thời có thể đảm nhận các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của một quốc gia có chủ quyền”, ông Guterres nói trong cuộc họp báo sau đó hôm 19/2.
Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cũng chỉ ra rằng việc vượt qua một số trở ngại vẫn là cần thiết để phá vỡ thế bế tắc trong vấn đề Afghanistan, bao gồm việc tạo điều kiện để trong cuộc họp tiếp theo có sự hiện diện của chính quyền Afghanistan trên thực tế.
Cho đến nay chính quyền Taliban chưa được bất kỳ chính phủ nào khác chính thức công nhận kể từ khi trở lại nắm quyền ở Kabul năm 2021 và áp đặt một cách giải thích cực kỳ khắc nghiệt về Hồi giáo, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Cộng đồng quốc tế đã phải vật lộn để tìm cách tiếp cận phù hợp với thực tế lãnh đạo ở quốc gia Nam Á này. LHQ đã gửi lời mời chính quyền Taliban tham gia đàm phán, sau khi họ bị loại khỏi cuộc họp đầu tiên vào tháng 5 năm ngoái.
Tuy nhiên, Taliban đã tuyên bố sẽ không tham gia các cuộc đàm phán, trừ khi họ có thể là đại diện duy nhất của Afghanistan tại các cuộc họp – tức là loại trừ các nhóm xã hội dân sự. Trong khi đó, theo LHQ, phụ nữ nằm trong số đại diện xã hội dân sự Afghanistan tới cuộc họp của các đặc phái viên quốc gia và khu vực về Afghanistan.
Yêu cầu thứ hai là phái đoàn của Taliban phải gặp Tổng Thư ký LHQ và có cơ hội trình bày quan điểm của mình.
Ông Guterres cho biết ông đã nhận được một loạt điều kiện nhưng “không thể chấp nhận được”. Ông nói: “Những điều kiện này trước hết đã từ chối chúng tôi quyền nói chuyện với các đại diện khác của xã hội Afghanistan, và yêu cầu một cách đối xử, ở một mức độ lớn hơn, tương tự như sự công nhận”.
Cơ quan ngoại giao của Taliban ngày 17/2 cho biết, do yêu cầu của họ không được chấp nhận nên họ không coi việc tham gia cuộc họp ở Doha là có kết quả, và bày tỏ tức giận trước sự xuất hiện dự kiến của các đại diện Afghanistan không thuộc Taliban tại các cuộc họp. Taliban từ lâu đã có văn phòng đại diện ở Qatar.
Nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế và cơ quan viện trợ đã cắt giảm hoặc dừng tài trợ cho Afghanistan để phản ứng với các chính sách hà khắc của Taliban. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của quốc gia Nam Á.
“Một trong những mục tiêu chính của chúng tôi là vượt qua bế tắc này”, ông Guterres cho biết, giải thích rằng cần phải tạo ra một lộ trình trong đó “mối quan ngại của cộng đồng quốc tế được tính đến. Nhưng mối quan ngại của chính quyền trên thực tế của Afghanistan cũng phải vậy”.
Ông Guterres cho biết cuộc họp mới nhất ở Doha bao gồm đại diện từ hơn 20 quốc gia và tổ chức, như Mỹ, Trung Quốc, Pakistan và Liên minh châu Âu (EU), đã đạt được “sự đồng thuận hoàn toàn” về các đề xuất trong bản đánh giá độc lập của LHQ về Afghanistan.
Bản đánh giá đề nghị bổ nhiệm một đặc phái viên LHQ. Đề xuất này được các quốc gia phương Tây ủng hộ nhưng bị chính quyền Taliban bác bỏ.
Ông Guterres cho biết ông sẽ bắt đầu một quá trình tham vấn nghiêm túc để xem liệu có điều kiện để bổ nhiệm một đặc phái viên LHQ như vậy hay không. Đặc phái viên này sẽ đóng vai trò điều phối trong nước và làm việc hiệu quả với chính quyền trên thực tế của Afghanistan.
Ngoài ra, một “nhóm liên lạc” cũng được thảo luận. Nhóm này sẽ bao gồm một số quốc gia nhất định có thể có cách tiếp cận phối hợp hơn trong việc tương tác với chính quyền trên thực tế ở Afghanistan.
Ông Guterres cho biết nhóm này có thể bao gồm các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC), các nước láng giềng và các nhà tài trợ có liên quan nhưng sẽ “tùy các quốc gia thành viên quyết định cách thức thành lập nó”.
“Tôi tin rằng đó sẽ là một cách để có được sự gắn kết trong cách cộng đồng quốc tế hợp tác với chính quyền Afghanistan trên thực tế”, người đứng đầu LHQ nói.
Minh Đức (Theo AFP/France24, Xinhua)