Theo phong tục cổ truyền, trong mâm cỗ cúng Giao thừa ngày Tết không thể thiếu con gà luộc, điều đặc biệt đây phải là gà trống miệng có ngậm bông hoa hồng đỏ.
Gà trống được chọn làm vật tế lễ thần linh, gia tiên là vì người xưa cho rằng gà trống có các tính quý và đẹp hơn hẳn các loại gia cầm khác:
Nhân (một gà trống có thể có 20-25 gà mái, đẻ ra hàng trăm gà con, nó thường kiếm ăn bên đàn gà mái nuôi con nhỏ, có mồi thường nhường cho cả mẹ con, có chim ác rình rập nó xả thân bảo vệ)
Dũng (mào đẹp, cựa nhọn sắc cứng như hai lưỡi gươm, bộ lông cánh sặc sỡ như áo giáp, dáng oai hùng, hiên ngang)
Trí (có những chú gà bé nhỏ hơn địch thủ, nhưng mưu trí, chiến thuật, dễ dàng hạ gục đối phương)
Tín nghĩa (dù nắng mưa, bão bùng nhưng cứ hửng đông, gà trống lại nhảy lên một vị trí cao nhất để cất tiếng gáy thanh cao, khỏe khoắn gọi mặt trời, đón ngày mới)…
Ngoài ra, cúng gà trống trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới còn thể hiện ước vọng nó sẽ đánh thức mặt trời, mang lại một năm nông nghiệp mưa thuận gió hòa.
Mặc dù là lễ vật quen thuộc nhưng nhưng nhiều người, nhiều gia đình không biết cách đặt gà cúng như thế nào cho đúng.
Khi chuẩn bị mâm cỗ Giao thừa cúng ngoài trời, phải đặt gà cúng lên đĩa to, tháo dây buộc (nếu có), bày ngay ngắn trên đĩa, tiết lòng đặt dưới bụng gà, mỏ ngậm bông hoa hồng đỏ. Điều quan trọng nhất là phải đặt đầu gà quay ra đường để đón quan Hành khiển cai quan năm mới đi qua, cách đặt gà cúng như vậy còn có ý nghĩa gọi mặt trời chiếu vào nhà mình.
Còn khi đặt gà cúng Giao thừa trên ban thờ, theo một số chuyên gia nghiên cứu về văn hóa dân gian, nên đặt gà quay đầu vào trong bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này được coi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu”. Không đặt gà quay đầu ra, vì cho đó là gà “không chịu chầu”.
Minh Hoa (t/h)