Đất công cộng bỏ hoang và cho thuê
Trong KĐT Việt Hưng, đất bị bỏ hoang đến hàng chục ha. Người dân xung quanh tranh thủ ra đó cuốc đất, trồng rau. Ngay tại KĐT Linh Đàm kiểu mẫu cũng có đến vài ha đất bỏ hoang, cỏ mọc ngang người. KĐT Văn Quán có khu đất rộng, cắm biển "khu công trình công cộng xây dựng Câu lạc bộ" - chủ đầu tư Tập đoàn HUD. Biển báo tiến độ thi công là tháng 1/2010, hoàn thành tháng 1/2011. Giờ đang là tháng 8/2011, cỏ vẫn mọc đầy...
Biển của HUD ghi rõ, đất xây dựng trường học nhưng hiện là nơi để sắt vụn, nơi sản xuất nhựa, nhôm...
Đi một vòng quanh KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp, chúng tôi phát hiện vài ha đất cỏ mọc rậm rì ngay cạnh tòa nhà của khu chung cư. Tại đây có cắm một tấm biển đã cũ, ố, rỉ có ghi: "Lô C C... đất để xây dựng các công trình công cộng". Cũng ở KĐT này chúng tôi phát hiện, phần đất mà Tập đoàn HUD cắm biển, ghi đất xây trường học thì không có trường học nào trên đó. Nó được quây tôn để chứa sắt phế thải, máy móc.
Đặc biệt, trong khu đất ghi là để xây trường học này, chúng tôi thấy có xưởng sản xuất đang hoạt động. Mùi từ cơ sở sản xuất này bay ra rất khó chịu, nó giống mùi nhôm, nhựa đang được nấu, tái chế. Mặt tiền của khu đất xây dựng trường học này là lán, lều quán bán hàng, nơi giao dịch hàng hóa, sản phẩm cho cơ sở sản xuất bên trong khu đất, trông rất lụp xụp và mất mỹ quan. Đối lập với sự lụp xụp ở khu đất xây dựng trường học thì cạnh khu biệt thự có một diện tích rất rộng được xây tường rào kiên cố. Bên trong khu đất là sân, xưởng sản xuất, nhà điều hành, giao dịch... ở giữa khu đất này có một cột rất to, trên cột cắm biển Hino.
Ngoài ra, PV còn phát hiện ra một công ty nước ngoài và một số công ty trong nước cũng "sử dụng" rất nhiều đất của KĐT để hoạt động sản xuất kinh doanh. Quá trình tìm hiểu, chúng tôi không phát hiện ra trong bản thiết kế quy hoạch của KĐT Pháp Vân đã được phê duyệt không có phần nào dành cho diện tích đất cho thuê!
Cơ sở hạ tầng xuống cấp
KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp (thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã được HUD hoàn thành và bàn giao nhà cho người dân sử dụng vài năm nay. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng, KĐT này đang xuất hiện nhiều bất cập.
Có mặt tại các tòa nhà chung cư cao tầng Nơ 21, 23, 25, điều đập vào mắt chúng tôi đó là sự xuống cấp của hạ tầng cơ sở. Toàn bộ chân tường của tòa nhà đều xuất hiện các vết nứt, rạn chân chim, thậm chí nhiều nơi còn nứt to đến mức có thể nhét vừa 2 ngón tay!. Anh Trần Chiến Thắng, ở chung cư Nơ 21 cho biết: "Gia đình tôi chuyển về đây sống được gần 3 năm nhưng đã thấy chung cư xuống cấp trầm trọng. Phía ngoài thì nứt tường, bên trong căn hộ thì bong, tróc vôi vữa".
Cùng chung tâm trạng, bác Lê Thị Hiền trú tại chung cư Nơ 23 cho biết thêm: "Ở đây mỗi khi người dân muốn sửa chữa, thay đổi thiết kế căn hộ đều phải làm đơn, xin phép ban quản lý tòa nhà, nếu được đồng ý mới được tiến hành sửa chữa. Thế nhưng, chẳng hiểu sao những vấn đề liên quan tới chất lượng, mỹ quan tòa nhà mà người dân phản ánh thì ban quản lý cứ coi như không có chuyện gì. Chúng tôi rất lo lắng, vì những rạn nứt tường trong căn hộ hay trong khuôn viên tòa nhà đều ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng công trình và độ an toàn của tòa nhà".
Ngoài những phản ánh của cư dân sống tại các tòa nhà, PV còn phát hiện hàng loạt các hố ga "há miệng" đen ngòm, thậm chí ở ngay trước cửa trường mầm non của KĐT. Hố ga "há miệng" này sẽ là những cái "bẫy" nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Không chỉ nứt tường mà vỉa hè ở đây cũng bị cày xới, chỗ thì phồng lên, chỗ xẹp xuống gây mất cảnh quan đô thị. Ở khu biệt thự, vỉa hè bị bong, vỡ, gạch bị xới lên ngổn ngang. Theo phản ánh của người dân thì tình trạng này đã diễn ra từ lâu và người dân đã nhiều lần báo với ban quản lý KĐT nhưng đều bị bỏ qua. "Họ thờ ơ với quyền lợi của người dân, trong khi đó chúng tôi vẫn phải đóng phí dịch vụ hàng tháng", một người dân bức xúc nói.
Tại KĐT Việt Hưng cũng xảy ra tình trạng tương tự. Bác Nguyễn Văn Trọng, ở KĐT Việt Hưng than thở: "Chúng tôi mới dọn đến ở được vài năm mà tường đã nứt toác ra rồi. Mỗi khi nhà ở tầng trên sửa chữa, tôi cứ có cảm giác trần sắp sập. Toàn bộ căn hộ bị rung chuyển như thể có động đất vậy. Hệ thống thoát nước trong căn hộ kém đến mức khó hiểu, liên tục bị tắc, bị tràn nước. Nếu trời mưa to, úng nước ở đường thì những hộ ở tầng 1, thậm chí tầng 2, nước bẩn sẽ dềnh vào nhà từ cống thoát nước của nhà vệ sinh, bếp... Chúng tôi cũng kiến nghị đấy nhưng chẳng thay đổi được gì nên đành bảo nhau, nhà nào, nhà ấy tự lo".
Nhóm PVĐT