Lách luật?
Những ngày giữa tháng 6/2018, PV có mặt tại hòn đảo Phú Quốc trong vai một người cần mua đất. Liên lạc với "cò" đất tên Hạnh, PV đề nghị tìm kiếm 1 thửa đất khoảng 1.000m2 để làm khách sạn. Tuy nhiên, vừa dứt câu, Hạnh nói ngay: “Anh không biết đất nền có diện tích lớn đã bị ngăn cấm chuyển nhượng, giao dịch hay là đang nói đùa?”.
Dù vậy, khi được PV chứng minh quyết tâm mua đất, Hạnh vẫn “tư vấn”: “Thực ra cấm thì cấm nhưng vẫn có cách để anh có thể mua đất này. Bây giờ, anh không mua nguyên 1.000m2, thay vào đó có thể tách ra từng thửa nhỏ, khoảng 300 – 400m2 và nhờ nhiều người đứng tên khác nhau".
"Ngắm được thửa nào thì anh cứ mua bằng cách đó, coi như chẳng có vấn đề gì. Khi tách thửa vẫn tiến hành bình thường, diện tích đất 1.000 hay 2.000m2 vẫn là của anh, chỉ là do nhiều người khác đứng tên trên sổ mà thôi”, Hạnh “vẽ” thêm cho PV.
Dù vậy, Hạnh vẫn cho biết thêm, lệnh cấm chuyển đổi đất có diện tích từ 500m2 trở lên đã có tác động rất lớn đối với các nhà đầu tư, những người có nhu cầu mua đất tại Phú Quốc. “Nhiều người với tâm lý e ngại, đặc biệt là nghe nói đến lệnh cấm, cứ nghĩ là tất cả các loại đất đều bị cấm giao dịch. Do đó, không còn nhiều người đổ xô tìm đến đây mua đất như trước” - Hạnh cho hay.
Tương tự, ông Toàn, một người môi giới đất từng ăn nên làm ra ở khu vực này cho biết: “Bây giờ thi thoảng lắm thì mới có một vài người đến hỏi mua đất, còn lại là rất vắng vẻ, do tâm lý sau cơn sốt thời gian vừa qua. Trong đó, luật Đặc khu chưa được thông qua đã tác động mạnh”.
Thực tế, ghi nhận thực tế thị trường, hiện nay giá đất tại Phú Quốc “dù không tăng nhưng nói giảm cũng khó”. Tuy nhiên, điều có thể thấy rõ nhất chính là lượng giao dịch không ồn ào, tấp nập và xô bồ như trước đây.
“Tôi có thửa đất 200m2 đang chào bán ở xã Cửa Cạn. Tuy nhiên, đã cả tháng nay mà chưa thấy ai hỏi mua, dù vị trí rất đẹp”, bà Thúy, một người đang có nhu cầu bán đất nền tại Phú Quốc chia sẻ.
Giải quyết tồn đọng
Tại chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Quốc, lượng người đến giao dịch về đất đai rất đông. Anh Phú, một người đã mua được đất ở Phú Quốc cho biết: “Đây là đất tôi mua cuối năm 2017. Bây giờ, hai bên tiến hành làm các thủ tục pháp lý chuyển nhượng liên quan”.
Ông Toàn cũng cho biết thêm: “Hầu hết các giao dịch liên quan đến thủ tục pháp lý về nhà đất hiện nay tại Phú Quốc là do trước còn tồn đọng lại”.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cho biết: “Trong năm 2017, có gần 7.700 hồ sơ giao dịch, chuyển nhượng đất với tổng diện tích trên 634ha. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, có gần 4.600 hồ sơ giao dịch bất động sản với diện tích trên 361ha, tăng hơn 200% so với cùng kỳ”.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch hội Môi giới bất động sản Việt Nam, để hạn chế tình trạng trục lợi từ việc tạo cơn sốt đất thì chính quyền địa phương nên kiểm soát chặt chẽ và cấm hành vi thu gom đất, phân lô trái quy định pháp luật, đặc biệt là đất rừng và đất nông nghiệp. Mặt khác vẫn phải hỗ trợ cho người dân có nhu cầu thực hiện các giao dịch đúng pháp luật.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hoài Ân, một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM cho rằng: "Việc cấm mua bán, chuyển nhượng giao dịch đất có diện tích từ 500m2 ở các điểm nóng như vừa qua đã tạo hiệu ứng tâm lý tích cực. Tuy nhiên, để thật sự kiểm soát được thì cơ quan chức năng cần phải hành động quyết liệt hơn, không chỉ dựa vào mỗi lệnh cấm này. Tôi cho rằng, những người làm công tác quản lý Nhà nước tại địa bàn sẽ biết rõ giao dịch nào là thật giao dịch nào là “ảo”. Do đó, quan trọng nhất vẫn là tổ chức thực hiện”.
Cũng theo ông Lộc, hệ quả của việc sốt đất ảo là gây ra nhiều rủi ro và khó khăn cho chính các nhà đầu tư cũng như công tác quản lý đất đai tại địa phương. Thậm chí, nhiều trong số đó là các giao dịch chỉ viết tay hoặc đất rừng, đất nông nghiệp... sẽ để lại hệ lụy lâu dài, từ đó phát sinh tình trạng khiếu kiện, tranh chấp phức tạp hơn.