Ở Trung Quốc, người ta thường dùng từ “shengnu” để nói về những phụ nữ có công ăn việc làm vững chắc nhưng vẫn cô đơn hẩm hiu ở độ tuổi gần 30.
Theo một tài liệu điều tra xã hội học cho thấy, Bắc Kinh có khoảng 500 ngàn phụ nữ như vậy. Những cô gái càng thành đạt, học cao, có địa vị, có lương cao thì rất dễ trở nên… ế chồng.
Thống kê của trang mạng làm quen Jiayuan.com cho thấy khoảng 1/3 số phụ nữ trong tuổi từ 20 đến 30 đang cố gắng tìm chồng. Bà Ni-Lin, người điều phối một chương trình mai mối trên truyền hình ở Thượng Hải cho hay, người Trung Quốc vẫn có quan niệm trong quan hệ nam nữ, đàn ông phải trội hơn đàn bà về mọi mặt bao gồm chiều cao, học vấn, lương bổng. Chính vì thế mà dẫn đến hiện tượng là nam giới hạng A sẽ lấy nữ giới hạng B, nam hạng B thì lấy nữ hạng C, và nam hạng C lại tìm vợ hạng D. Do vậy cuối cùng thì phụ nữ hạng A và nam giới hạng D sẽ không có đối tượng.
Cô Xu Jiajie năm nay 31 tuổi với gương mặt trẻ trung, xinh đẹp, thuộc hàng phụ nữ loại A. Hiện tại cô có một công việc tốt với mức lương cao gấp đôi lương trung bình.
Nhưng Jiajie luôn bị áp lực từ phía gia đình và bạn bè trong việc lập gia đình. Suốt 5 năm qua cô đã tìm hiểu biết rất nhiều người đàn ông nhưng vẫn chưa tìm được ý trung nhân. Theo cô thì phần lớn họ đều là những người ít nói và ít giao thiệp vì loại đàn ông hoạt bát thì sẽ chẳng cần giới thiệu mai mối.
Còn cô Lucy Wang, một giáo sư ngoại ngữ thì kể rằng những đàn ông độc thân còn lại chung quanh cô hoặc là những người từng trải chơi bời, hoặc là những cậu ấm chuyên được mẹ nuông chiều hay thuộc tầng cấp thấp trong xã hội và làm rất ít tiền. Vì vậy, có những cuộc mai mối đến 20 ngàn người tham gia nhưng cô vẫn không tìm ra đối tượng phù hợp. Cô Lucy nghĩ, cô phải nhìn lại xem có vấn đề gì từ chính mình hay không.
Ở một nước đang mất cân bằng giới tính trầm trọng như Trung Quốc những vẫn có nhiều phụ nữ ế, quả là một hiện tượng lạ.
Anh Phương