Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 gắn với triển khai Nghị quyết 29 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức diễn ra chiều 14/6 dưới sự đồng chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là chuyển đổi then chốt
Tại diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, BCH Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 29 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là Nghị quyết chuyên đề có tính tổng thể đầu tiên của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xác định rõ mô hình, quan điểm, mục tiêu và hệ thống các chính sách và giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Và đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Nghị quyết số 29 đã xác định mô hình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam là mô hình dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt..
Ông Tuấn Anh nhấn mạnh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là các quá trình chuyển đổi then chốt, là những phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trong đó, xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá.
Báo cáo tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho hay, để triển khai thực hiện Nghị quyết, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29.
Theo Thứ trưởng, dự thảo đã được lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ với đa số các thành viên Chính phủ đồng ý. Hiện Bộ KH&ĐT đang tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2023.
Trong dự thảo Chương trình hành động, Chính phủ dự kiến giao 23 chỉ tiêu cho các cơ quan của Chính phủ chủ trì, theo dõi, đánh giá theo định kỳ thời gian cụ thể; đồng thời đưa ra 10 nhóm giải pháp chủ yếu và 59 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030.
Các nhóm giải pháp này tập trung vào đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường.
Đồng thời, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Về phía doanh nghiệp, ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel cho biết, doanh nghiệp cũng rất mong chờ 59 danh mục được Bộ KH&ĐT xây dựng như thế nào để thực hiện.
Ông cũng đề xuất Nhà nước cần đặt ra những mục tiêu thật sự thách thức để thể hiện khát vọng trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
"Trước đây, chúng tôi đã được Chính phủ giao những nhiệm vụ rất khó khăn, có thể nói xuất phát từ số 0, nhưng với sự nỗ lực, tìm tòi, nghiên cứu, chúng tôi vẫn làm được. Hiện nay, chúng tôi cũng đã hợp tác với các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam để thực hiện trung tâm dữ liệu lớn", ông Thắng nói.
Tỉ lệ chi cho đổi mới sáng tạo của Việt Nam khá thấp
Dưới góc độ chuyên gia quốc tế, ông Zafer Mustafaoglu - Giám đốc Ban Tài chính, cạnh tranh và đổi mới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đang tăng trưởng ấn tượng song để đạt được mục tiêu tham vọng mà Chính phủ đề ra cần cải thiện rất nhiều.
Về nền tảng công nghệ Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình so với các quốc gia phát triển cả về việc áp dụng công nghệ cũng như trình độ công nghệ của các doanh nghiệp, so với top 20 quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ, Việt Nam còn cách khá xa.
Nguyên nhân của thực trạng trên, theo ông Zafer Mustafaoglu một phần do Việt Nam chưa có mức đầu tư tương xứng. So với các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia tỉ lệ chi cho đổi mới sáng tạo so với GDP của Việt Nam hiện thấp hơn khá nhiều, đặc biệt là so với các quốc gia phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chuyên gia từ World Bank khuyến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Đồng quan điểm, ông Pier Giorgio Aliberti - Đại sứ của Liên minh châu Âu tại Việt Nam khuyến nghị, chuyển đối số và chuyển đổi xanh đều đóng vai trò rất quan trọng.
Trong khi chuyển đổi số giúp Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp thì chuyển đổi xanh giúp Việt Nam thu hút được những dự án công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn mới và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo ông PierGiorgio Aliberti, việc kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh chính là chiến lược cửa ngõ để Việt Nam tiến ra thị trường quốc tế, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghiệp hoá của khu vực.
Để đạt được mục tiêu này, ông đề xuất Việt Nam cần có kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững 2021-2030 cũng như cải thiện tính tuần hoàn của sản phẩm điện tử. Đây là tiêu chí quan trọng để hàng hoá sản xuất tại Việt Nam nổi bật so với hàng hoá từ các quốc gia khác.