Từ ngày đặt chân tới nước Mỹ cách nay hơn một năm, tôi chưa lần nào phải dùng bản đồ để đi lại ở Thủ đô Washington D.C. Cũng họa hoằn lắm mới phải dùng tới bản đồ ở một vài thành phố khác. Thế mà vẫn không bị lạc đường.
Không phải vì tôi có biệt tài tìm đường hay xác định phương hướng. Tôi giống như khá nhiều người Việt khác, thiếu một chút kỹ năng và kiến thức về xác định phương hướng địa lý, dù cho ngày còn trên ghế nhà trường chẳng bao giờ bỏ một tiết môn Địa lý. Chỉ đơn giản là cách đặt tên đường phố ở đây đã giúp tôi và tất cả mọi người.
Hy sinh những danh nhân, anh hùng
Cách đặt tên đường ở đây có lẽ sẽ khiến cho ông Barack Obama không bao giờ có được cái vinh dự là tên của ông được gắn với một con phố nào đó ở thủ đô. Cũng như vị tổng thống thứ 16 đầy công trạng với nước Mỹ, Abraham Lincoln, không có con đường nào ở thành phố này mang tên ông. Đặt tên đường phố theo tên danh nhân, các anh hùng không phải là một ưu tiên ở thủ đô của nước Mỹ và cả ở các thành phố khác. Chỉ có vài trường hợp cá biệt, như Martin Luther King, nhà hoạt động xã hội, cả đời đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, mới có tên gắn làm tên đường phố.
Nhưng không phải nước Mỹ không tôn vinh những vĩ nhân, hay họ không đoái hoài tới lịch sử. Trái lại, có hẳn một ngôi đền Abraham Lincoln hùng vĩ nằm trên trục “thần đạo” của Washington là một đường thẳng với nhà Quốc hội và tháp Washington. Hoặc đơn giản hơn, những anh hùng, danh nhân của Mỹ được tạc tượng ở các quảng trường, công viên hay ngay đầu một con phố.
Cho những đô thị không phải là ma trận
Washington không phải vì có diện tích hình vuông mà nó giống với một cái bánh trên đó các đường phố là những lát cắt dọc ngang rất gọn. Người ta đã chia thành phố ấy làm tư, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc và Đông Nam bằng hai trục đường cắt ngang qua đồi Capitol. Thế nên, chỉ cần nói rằng nhà anh ở phía nào của thủ đô, người ta đã mường tượng ra được một cách tương đối.
Chưa hết, ở cả hai phía theo hướng Đông - Tây, các con phố được đánh theo số thứ tự từ bé tới lớn tính từ trục cắt tòa nhà Quốc hội. Còn theo hai hướng Nam - Bắc, các con phố được đánh thứ tự theo ABC cũng tính từ trục cắt qua nhà Quốc hội.
Cách đánh tên đường ấy giúp cho ai đó đang đứng ở giữa ngã tư của đường H với phố 12 có thể biết rằng phố 20 là ở phía trước mặt họ và phố 5 là ở sau lưng (hoặc ngược lại). Và đường F là ở phía trước mặt còn đường C là ở phía sau.
Ngay cả khi đã sử dụng hết bảng chữ cái, thì những đường phố gắn với những cái tên cụ thể và riêng nào đó cũng là theo thứ tự ABC, như sau phố W là phố Adam, rồi Bryant, Channing...
New York, một thành phố không ngủ với hệ thống đường phố chằng chịt cũng có một hệ thống đánh tên đường tương tự. Khu Manhattan trứ danh, có mật độ dân cư đông nhất nước Mỹ (khoảng 27.300 người/km2) và mạng lưới đường xá không khác gì một cái mạng nhện, thậm chí đã được đặt tên theo cách thức này hơn hai thế kỷ. Khi ấy người ta chỉ trích cách đặt tên phố bằng chữ số và chữ cái là một sự đơn điệu và cứng nhắc. Nhưng ngày nay, ai cũng thấy sự tiện lợi của nó. Ở Denver, bang Colorado, toàn thành phố là những con đường và những con phố tuân theo một trật tự của các chữ cái cứ hết A lại tới B và hết Y thì tới Z.
Và đánh số nhà cũng là một nghệ thuật
Nhà Trắng nằm trên đại lộ Pennsylania, số nhà 1600. Chẳng phải vì tổng của nó là 7, một con số đẹp với người phương Tây. Cũng không phải vì nó gắn với một sự kiện nào đó. Chỉ đơn giản, ngôi nhà là văn phòng làm việc của tổng thống Mỹ và là nơi ở của gia đình số 1 nước Mỹ ấy nằm đúng góc đường cắt với phố 16.
Đó là một cách đánh số nhà để cho bất cứ ai đi tìm địa chỉ nào đó cũng không phải lần mò và đếm từng cái nhà.
Nếu bạn phải tìm tới trụ sở của Bộ Ngoại giao Mỹ với số nhà 2201 trên phố C của khu Tây Bắc thủ đô từ tòa nhà Quốc hội, bạn hiểu rằng cứ đi dọc con phố C cho tới khi nào nó cắt với đường số 22, ắt bạn sẽ tìm thấy nơi mà bà Hilary Clinton làm chủ.
Cũng không phải chỉ có những cơ quan công quyền mới có cách đánh số nhà ấy. Quán ăn Miss Saigon nằm trên đường M thuộc khu Tây Bắc ở Washington D.C có số nhà 3057 bởi vị trí của nó nằm ở giữa đoạn phố 30 và 31 cắt ngang đường M.
Có lẽ, bây giờ nhiều người cũng có thể tin rằng mình có thể đi thăm Thủ đô Washington D.C ngay trong lần đầu tiên đặt chân tới đó mà không cần phải cầm theo một cái bản đồ!
Theo TTXVN