Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Nguyễn Ngọc Song, nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Bộ Giao thông Vận tải) tỏ ra không đồng thuận trước bản đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Ông Song cho biết, hiện nay kinh tế khủng hoảng, giá cả các mặt hàng leo thang, người dân vốn đã chịu nhiều loại thuế phí nên gánh nặng cuộc sống ngày càng lớn. Nếu áp dụng phí hạn chế phương tiện cá nhân sẽ tạo thêm gánh nặng mới cho dân. Nâng mức phí lên nữa và áp dụng trên địa bàn cả nước càng khiến cho đời sống nhân dân thêm khó khăn hơn.
TS Nguyễn Đình Cung.
Ông Song cũng cho rằng, tăng phí chưa hẳn đã giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông. Lối tư duy, hễ gặp khó khăn trong quản lý là tìm cách đánh thuế, cấm người dân sử dụng sẽ không mang lại hiệu quả. Trong khi đó, cũng phải thừa nhận, việc sử dụng nguồn ngân sách do dân đóng góp ít nhiều chưa được sử dụng tốt. Cơ quan chức năng phải tìm các giải pháp khác để vừa giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông nhưng lại khoan thư được sức dân. "Nhà quản lý nên lắng nghe để hiểu dân nhiều hơn, hãy nhìn vào "nồi cơm của dân" trước rồi ban hành chính sách. Tôi từng công tác trong ngành giao thông nên hiểu được những khó khăn mà ngành đang gặp phải nhưng không vì thế mà đổ hết lên đầu người dân", ông Song chia sẻ.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Đình Cung, phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Chính phủ cần hoãn ít nhất 2 năm về việc thu phí bảo trì đường bộ, hủy bỏ ngay đề xuất thu phí hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân và phí lưu hành phương tiện giờ cao điểm mà Bộ GTVT vừa trình. "Cá nhân tôi đã tìm hiểu rất kỹ và nhận thấy đó không phải phí mà thực chất là thuế đánh vào dân. Những đề xuất này thiếu cơ sở khoa học, thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, gây lo lắng trong dư luận", TS Cung nói.
Chuyên gia này lý giải, người dân và doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do tích tụ từ 4 năm liên tiếp bất ổn về kinh tế vĩ mô. Đây là thời điểm thích hợp để khôi phục, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào Chính phủ và các cấp chính quyền. Lúc này nên cần chia sẻ khó khăn với dân, lấy chữ "đồng" làm trọng, "đồng tâm, đồng lòng, đồng lực và đồng hướng" để thu hút niềm tin của dân chúng.
Mọi giải pháp đều xoay quanh chữ "đồng" này. Sản xuất và đời sống khó khăn nhưng lại đặt mục tiêu tăng thu ngân sách, vừa giảm lãi suất lại tăng phí thì triệt để lẫn nhau và không thể "đồng hướng" được. Do đó, nếu không giảm được thuế phí cho dân thì cũng đừng đề xuất ra các thuế phí mới.
Cũng theo quan điểm của phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Chính phủ cũng cần yêu cầu UBND TP. Hà Nội rà soát lại các đường phố, cho phép đỗ xe, giữ xe hợp lý để tạo điều kiện hơn cho kinh doanh. Những quyết định này đã có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, không chỉ làm xáo trộn đời sống người dân mà còn ảnh hưởng rất mạnh đến hộ kinh doanh nhỏ. Cần lưu ý rằng số lượng hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở Việt Nam rất lớn, nguồn thu của các hộ này hẹp lại sẽ ảnh hưởng ngay đến an sinh xã hội.
Phúc Đức