Theo các chuyên gia kinh tế, “cây đũa phù thủy” mang tên “phương pháp định giá tài sản” khiến Nhà nước mất đi số tiền khổng lồ khi tiến hành cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước…
Tại hội thảo quốc tế “Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, bàn về câu chuyện cổ phần hóa DNNN, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, còn nhiều nghịch lý, bất cập trong việc định giá tài sản.
Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, mặt bằng, đất đai gắn với nó là lợi thế địa điểm (lợi thế địa lý - kinh tế) của DNNN là thứ tài sản được đánh giá cao nhất trong tất cả các loại hình tài sản của các DNNN được cổ phần hóa. Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa thực tế, loại tài sản này về nguyên tắc không được mang ra định giá và bán- do nó là tài sản Nhà nước, Nhà nước vẫn giữ quyền chủ sở hữu sau khi cổ phần hóa.
Đây chính là mấu chốt làm cho quá trình cổ phần hóa DNNN thường dễ bị trục lợi mà phần thiệt ở phía người chủ sở hữu tài sản (Nhà nước), còn lực lượng luôn bị cản trở tiếp cận đến tài sản, nguồn lực và cơ hội phát triển chính là cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
“Thực tế, công thức xác định ưu tiên là “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ và trí tuệ", về nguyên tắc có thể được vận dụng để giải thích thực trạng này. Với căn nguyên đó, dễ hiểu tại sao việc định giá DNNN để tiến hành cổ phần hóa còn nhiều bất cập, nhất là giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền được thuê đất ở những vị trí đắc địa (theo quy định hiện nay đối với đất thuê thì không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa doanh nghiệp-PV), thương hiệu, lợi thế kinh doanh và xác định giá bán cổ phiếu lần đầu…
Quá trình xác định giá trị doanh nghiệp chủ yếu dựa vào so sánh, chưa có tiêu chuẩn xác định giá trị tiềm năng như thương hiệu, khả năng phát triển trong tương lai”, PGS.TS Thiên phân tích.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, vấn đề nóng nhất được quan tâm vẫn là tránh thất thoát tài sản Nhà nước - nhất là đất đai. Việc nhiều DNNN sở hữu “đất vàng”, nhưng trong tiến trình cổ phần hóa, định giá đất đai rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thị trường, gây thất thoát lớn cho Nhà nước là vấn đề quan trọng nhất mà Chính phủ đang tìm giải pháp đối phó.
Với nhiều DNNN làm ăn thua lỗ, các tài sản khác hầu như không có mấy phần giá trị, chỉ còn đất đai, tính theo giá thị trường, là tài sản giá trị nhất. Thất thoát đến từ chỗ, đất đai thường bị cố ý định giá rất thấp trong khi giá thị trường lại rất cao, đặc biệt ở những vị trí đắc địa nằm ở trung tâm các đô thị hiện nay.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, hiện nay vấn đề đất đai trong thực hiện cổ phần hóa DNNN còn nhiều bất cập, tiêu cực, thất thoát. Mặc dù pháp luật đã quy định xác định giá đất cụ thể đối với trường hợp tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa DNNN, nhưng thực tế vẫn còn nhiều trường hợp xác định giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường, chưa công khai giá một cách minh bạch dẫn đến gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước và tạo cơ hội cho hoạt động đầu cơ, trục lợi.
Tình trạng doanh nghiệp cổ phần sử dụng quyền sử dụng đất (phần vốn của Nhà nước là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp cổ phần) để góp vốn sản xuất kinh doanh với nhà đầu tư khác, nhưng thỏa thuận giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn thấp hơn giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá thị trường là không hiếm.
Cũng có nhiều trường hợp bán tài sản, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước không tuân thủ theo quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Thậm chí, có doanh nghiệp cổ phần hóa tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy hoạch và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định.
“Việc kiểm soát giao dịch ngầm, thỏa thuận của các nhà thầu, nhà đầu tư trong công tác đấu thầu, đấu giá khó thực hiện, chỉ một số ít được phát hiện sau khi giao dịch đã hoàn thành”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Ngân Giang