Đất 'vàng' được tính vào giá trị doanh nghiệp, hết thời giá rẻ

Đất 'vàng' được tính vào giá trị doanh nghiệp, hết thời giá rẻ

Đỗ Thị Huệ

Đỗ Thị Huệ

Thứ 6, 17/03/2017 09:35

Theo bộ Tài chính, trong dự thảo mới đây sẽ tính luôn thương hiệu, đất đai vào giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa. Thực tế, có nhiều cổ đông vào mua không phải vì doanh nghiệp mà vì đất.

Theo đó, một số đơn vị, cá nhân khi tiến hành mua cổ phiếu doanh nghiệp cổ phần thường chỉ nhắm vào giá trị khu đất mà doanh nghiệp cổ phần đó đang nắm giữ chứ không nhắm vào giá trị thương hiệu cũng như lợi nhuận từ kinh doanh của doanh nghiệp.

Đơn cử như trường hợp của hãng phim truyện Việt Nam, hơn 1,4ha đất do hãng phim này sử dụng trong vài chục năm không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Đây lại là khu đất đẹp, nằm sát hồ Tây, đường Thanh Niên, Thụy Khuê nên nhiều nhà đầu tư sẵn sàng “ôm” doanh nghiệp, kể cả trong trường hợp nhiều năm vừa qua, hãng phim này làm ăn không có lãi.

Theo đại diện bộ Tài chính, việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá được coi là vấn đề quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hoá trong thời gian qua.

Dự thảo về việc doanh nghiệp nhà nước chuyển sang cổ phần hóa tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và thuê) công bố, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Xã hội - Đất 'vàng' được tính vào giá trị doanh nghiệp, hết thời giá rẻ

Hãng phim truyện Việt Nam được nhiều cổ đông nhắm tới vì "đất vàng'


Quy định phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương trước khi tổ chức thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, sẽ đảm bảo ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tiếp tục nắm giữ, “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.

Xem thêm: <<Bộ Tài chính: Chặn việc mua cổ phần ưu đãi như thứ trưởng Kim Thoa<<

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp (bộ Tài chính), để tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, dự thảo Nghị định đã quy định rõ công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của doanh nghiệp theo đúng mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp công ty cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công ty cổ phần phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Riêng với những khu đất “vàng”, giá đất và giá thuê đất sẽ được tính cao hơn (tối đa 30% và 3%) so với đất cùng chủng loại theo khung giá đất do Chính phủ quy định.
“Đa số đất của doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa sẽ chuyển sang nhà nước cho thuê và thu tiền theo năm, mỗi kỳ 5 năm nhà nước thay đổi giá 1 lần. Quy định này sẽ ngăn việc chuyển đổi đất vàng với giá rẻ”, đại diện bộ Tài chính cho hay.

Cũng trong buổi họp báo chuyên đề ngày 16/3, khi được hỏi về việc xác định giá trị thương hiệu vào giá trị của doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa, ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm, hiện trong dự thảo, Điều 31 đã hướng dẫn phương pháp xác định lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có giá trị thương hiệu.

"Chúng ta chưa có thị trường cụ thể đánh giá giá trị thương hiệu như thế giới. Tuy nhiên, kế thừa nghị định 59 cũ, giá trị thương hiệu tiềm năng phát triển, chi phí xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp trong quá khứ, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp so với lãi suất trái phiếu cùng kỳ hạn do bộ Tài chính phát hành cùng kỳ hạn 5 năm cũng sẽ được tính vào giá trị doanh nghiệp", ông Đặng Quyết Tiến cho hay.

 Đ.Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.