Điểm danh các dự án bất động sản “khủng” nhất Thủ Thiêm
Khu đô thị Thủ Thiêm nằm ở bán đảo Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), đối diện quận 1 qua bờ sông Sài Gòn, có tổng diện tích 657 ha. Được Chính phủ phê duyệt từ năm 1996, bán đảo này được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại mang tầm cỡ quốc tế và là đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.
Để đầu tư xây dựng siêu dự án này, TP.HCM đã mất 10 năm để giải tỏa khoảng 15.000 hộ dân, tương ứng với gần 30.000 tỷ đồng đã được huy động để chi trả bồi thường, tái định cư.
Hiện có nhiều tập đoàn lớn đang đầu tư vào Thủ Thiêm như Lotte, Đại Quang Minh, Sunshine Group, Quốc Lộc Phát, HongKong Land, CII,…
Trong đó, khu đô thị Sala (số 10, Mai Chí Thọ, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM) của công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (gọi tắt là Đại Quang Minh) là dự án có quy mô lớn nhất, tầm cỡ nhất tại Thủ Thiêm.
Dự án được Đại Quang Minh giới thiệu là có quy mô 128,69 ha với 5 phân khu chức năng chính bao gồm: Khu tổ hợp văn phòng khách sạn, căn hộ cao cấp Sarimi, biệt thự Saroma, căn hộ dịch vụ và nhà phố thương mại với tổng số cư dân lên đến 22.500 người.
Ngoài ra còn có dự án Khu phức hợp của tập đoàn Lotte, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào 2/9 tới đây. Công trình được xây ở khu chức năng số 2a, trị giá gần 1 tỷ USD (dự kiến 20.100 tỷ đồng). Hiện Lotte đã ký quỹ với TP.HCM 2.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất để được giao trước 6 lô đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Một siêu dự án nữa mang tên dự án Empire City do công ty TNHH Empire City là chủ đầu tư. Công ty này được thành lập từ liên danh 3 nhà đầu tư bao gồm công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước, công ty TNHH Bất động sản Trần Thái (2 công ty này chiếm tỉ lệ sở hữu 50%), và đối tác nước ngoài là Quỹ đầu tư Bất động sản tư nhân Gaw Capital Partners có trụ sở tại Hồng Kông (sở hữu 50% còn lại).
Dự án Empire City trị giá 1,2 tỷ USD, trong đó điểm nhấn là tòa cao ốc 86 tầng.
Bên cạnh đó, KĐT Thủ Thiêm còn xuất hiện một số dự án quy mô nhỏ hơn như khu phức hợp Sóng Việt 7.300 tỷ đồng của CTCP Quốc Lộc Phát, khu phức hợp 3.000 tỷ đồng của Sunshine Group, tổ hợp căn hộ cao cấp 400 triệu USD của liên danh HongKong Land và CII…
Dấu ấn đại gia Khoa “Keangnam” ở siêu dự án Sala
Theo thông tin trên trang web chính thức của công ty Đại Quang Minh thì ngày 22/3/2011 công ty này được thành lập để đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ban đầu, Đại Quang Minh đàm phán cùng tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) để tham gia liên danh thực hiện dự án Đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính nội đô KĐT Thủ Thiêm.
Tháng 06/2013 sau khi được UBND TP.HCM chấp thuận thay thế VIDIFI, Đại Quang Minh đã ký tắt Hợp đồng BT vào ngày 12/11/2013 và khởi công dự án ngày 15/2/2014.
Tiếp đó, Đại Quang Minh được UBND TP.HCM chấp thuận làm chủ đầu tư dự án Cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức hợp đồng BT vào tháng 5/2014.
Cũng trong năm 2014 và 2015, Đại Quang Minh được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông và dự án Vùng châu thổ phía Nam.
Thời điểm năm 2016, công ty công bố đã nộp ngân sách thành phố khoảng 3.325 tỷ đồng tiền sử dụng đất và được UBND TP.HCM chấp thuận giao khoảng 106ha đất để đổi lấy việc thanh toán cho các Hợp đồng BT nói trên. Trên diện tích đất được cấp này, Đại Quang Minh xây dựng dự án khu đô thị Sala.
Nhiều người đặt câu hỏi ai là chủ công ty Đại Quang Minh mà có thể sở hữu siêu dự án lớn như vậy.
Được biết, năm 2006, trong làn sóng hồi hương tìm kiếm cơ hội đầu tư của một số Việt kiều từ châu Âu, ông Trần Đăng Khoa (sinh năm 1970, thường gọi là Khoa "khàn” vì có giọng nói hơi khàn) đã cùng với 2 cổ đông cá nhân khác lập ra công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh (công ty Mai Linh).
Thời điểm những năm 2007-2009, ông Trần Đăng Khoa làm trợ lý chủ tịch công ty Keangnam Vina – chủ đầu tư tại một trong những dự án “hot” nhất thị trường Hà Nội thời điểm trên là dự án khu Tổ hợp Keangnam Landmark Tower. Vì vậy ông còn được gọi là Khoa “Keangnam”.
Những năm sau đó, ông Trần Đăng Khoa được biết đến như một nhân vật đình đám trong giới bất động sản, trong đó nhiều dự án ông tham gia thực hiện và làm chủ đầu tư đã và đang trở thành biểu tượng của Hà Nội và TP.HCM.
Điển hình là các dự án khu chung cư Golden Palace Mễ Trì (đối diện The Manor); dự án Golden Palace Lê Văn Lương; Chung cư No4 Hoàng Đạo Thúy; dự án Công viên giải trí, trường học và Tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Palace A (trên khu đất trước đây của Dự án Tổ hợp khách sạn Dầu khí Việt Nam (PVN Tower) tại Mễ Trì); dự án Công viên cây xanh và nhà điều hành, tổ chức sự kiện phục vụ vui chơi giải trí công cộng Tây Hồ...
Năm 2011, doanh nhân Trần Đăng Khoa cùng một vài đối tác lập ra công ty Đại Quang Minh có vốn điều lệ 4.200 tỷ. Ông Khoa là người ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Đại Quang Minh những ngày đầu thành lập.
Là một người kín tiếng với truyền thông nên mặc dù đã tham gia nhiều dự án đình đám nhưng phải đến dự án Sala Thủ Thiêm, ông Khoa mới bắt đầu được đặc biệt chú ý.
Bên cạnh ông Trần Đăng Khoa luôn có bóng dáng vợ ông là bà Nguyễn Thị Minh Hồng. Bà Hồng là người đứng đầu công ty Mai Linh. Ngoài ra bà Hồng còn là chủ nhân của công ty CP bất động sản Hồng Ngân cùng với 2 cá nhân khác.
Thời điểm năm 2015, báo chí thống kê các dự án từ các công ty liên quan đến cặp vợ chồng này đã và đang đặt kế hoạch phát triển lên tới con số trên 27.000 tỷ đồng.
Trong một diễn biến liên quan, Thaco của "vua" ô tô Trần Bá Dương đã nhiều lần mua lại cổ phần, năm 2012 là 30% sau đó nâng lên 45% vào 2014 và 2016 là gần 90%. Năm 2016 trong lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Đại Quang Minh, tỷ phú USD Trần Bá Dương với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đại Quang Minh đã phát biểu khẳng định Sala Thủ Thiêm là dự án BT quy mô nhất của công ty này.
Tại Đại hội cổ đông của Thaco vừa diễn ra hồi tháng 4/2017, báo cáo của Thaco vẫn ghi nhận trong cơ cấu lợi nhuận sau thuế 2017 của Thaco là 4.898 tỷ đồng có bao gồm lợi nhuận kết chuyển từ Đại Quang Minh là 125 tỷ đồng.
Vinh Phan