Dù vậy, vị tân thuyền trưởng người Pháp đã gây ấn tượng bởi sự tươi mới và quyết liệt hành động khiến dư luận dậy sóng về định hướng phát triển bóng đá Việt Nam.
Bước đầu nhào nặn
Tuy ông Philippe Troussier là tân huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam nhưng thật khó để xem vị chiến lược gia người Pháp là một người mới bởi hai lý do. Thứ nhất, ông không còn trẻ. Nhà cầm quân này đã 67 tuổi (sinh năm 1955), độ tuổi thuộc hàng trưởng bối trong nghề. Thực tế thành công vang dội nhất trong sự nghiệp của HLV Troussier cũng đã cách đây 2 thập niên. Đó là chiến tích đưa đội tuyển Nhật Bản vào vòng 1/8 World Cup 2002.
Thứ hai, ông là người cũ đối với bóng đá Việt Nam. Cuối năm 2018, ông trở thành cố vấn chiến lược và giám đốc kỹ thuật chính thức của học viện bóng đá PVF tại Việt Nam. Một năm sau, ông Troussier trở thành huấn luyện viên trưởng của đội tuyển U19 Việt Nam và dẫn dắt lứa cầu thủ hiện thời chính là nóng cốt của U22 Việt Nam.
Bởi lẽ đó, khi ông Troussier được bổ nhiệm thay HLV Park Hang-seo, giới quan sát đề cập nhiều đến uy danh, kinh nghiệm và sự hiểu biết về bóng đá Việt Nam của vị chiến lược gia người Pháp hơn là kỳ vọng vào sự canh tân. Song, chỉ sau một tuần tập trung, vị tân thuyền trưởng của ĐTQG và U.23 Việt Nam đã gây ấn tượng vì sự mới mẻ, thẳng thắn và quyết liệt hành động để nâng tầm không chỉ các cấp ĐTQG mà cả hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Trong đợt tập trung lần này, HLV Troussier hầu như không thực hiện bất cứ xáo trộn nào trong danh sách triệu tập ĐTQG. Đó là những cái tên quen thuộc như Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng, Hoàng Đức, Tiến Linh, Văn Quyết v.v.. Ngoài ra, ông cũng giữ nguyên bán cán sự từ thời tiền nhiệm, với thủ quân Đỗ Hùng Dũng, đội phó Quế Ngọc Hải và Bùi Tiến Dũng. Quyết định này hoàn toàn hợp lý bởi HLV Troussier chỉ có 4ngày làm việc với ĐT Việt Nam và không thi đấu bất cứ trận nào. Điều vị “tân thuyền trưởng” cần là làm quen với những gương mặt ưu tú nhất của bóng đá Việt Nam đã được HLV Park Hang Seo tuyển lựa trước khi đưa ra những điều chỉnh ở các đợt tập trung dài ngày và quan trọng hơn.
Thực tế, trọng tâm của đợt tập trung này là ĐT U.23 Việt Nam, với 4 giai đoạn để chuẩn bị cho SEA Games 32. Giai đoạn 1, từ ngày 1 đến 7.3, nhằm rà soát, đánh giá chất lượng các cầu thủ.Giai đoạn 2, từ ngày 8 đến 11.3, hội quân cùng ĐTQG, rút gọn quân số, HLV phổ biến nguyên tắc, truyền tải lối chơi, đấu pháp chiến thuật. Giai đoạn 3, từ ngày 12 đến 17.3, rút gọn còn 27 cầu thủ, tập huấn với giáo án chuyên biệt. Giai đoạn 4, từ ngày 18 đến 29.3, định hình lực lượng tham dự SEA Games 32. Trong giai cuối cùng này, ĐT U23 Việt Nam cũng lên đường sang Doha, Qatar để tham dự Cúp Quốc tế U23, quy tụ 10 đội tuyển U23 chất lượng gồm Việt Nam, Thái Lan, Iraq, UAE, Kuwait, Kyrgyzstan, Oman, Saudi Arabia, Hàn Quốc và chủ nhà Qatar.
Vì đặc thù này, HLV Troussier cho biết: “Trong tháng Ba, tôi dành sự ưu tiên cho đội U.23 để hướng tới SEA Games 32. Từ ngày 12/3, U23 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn mới với những sự bổ sung từ U20 Việt Nam. Đội sẽ chuẩn bị để hướng tới kết quả tốt nhất tại giải giao hữu tại Doha vào cuối tháng. Dĩ nhiên, như tôi đã nói, SEA Games là ưu tiên cho hiện tại nhưng tôi vẫn dành quãng thời gian quý giá cho ĐTQG. Đây đều là những thành viên ưu tú, đã có quãng thời gian dài làm việc cùng HLV Park Hang-seo và xứng đáng được trao cơ hội”.
Nhà cầm quân thẳng thắn và quyết liệt hành động
Sở dĩ ông Troussier không thực hiện nhiều xáo trộn tại ĐTQG là vì các tuyển thủ gần như chỉ tập trung… cho vui. Bởi vậy trong giai đoạn 2, HLV Trousssier đã mạnh dạn hòa trộn ĐT U23 và ĐTQG, điều chưa từng xảy ra trước đây. Quyết định này của vị chiến lược gia người Pháp đồng thời giúp xóa đi ranh giới giữa các tuyển thủ U.23 và ĐTQG, giúp các cầu thủ trẻ học hỏi từ đàn anh về kinh nghiệm thi đấu cũng như có thêm sự tự tin và nỗ lực hơn. Thậm chí trên sân tập còn xảy ra tình huống thú vị là các cầu thủ trẻ còn hướng dẫn cho đàn anh các chỉ dẫn của ông thầy mới do có thời gian tập trung từ trước.
Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng, thủ quân ĐT Việt Nam chia sẻ: "Sau buổi tập, hai đội ăn cơm chung với nhau, chúng tôi ngồi đan xen, nói chuyện về bóng đá thôi. Những bữa ăn cũng là cơ hội trau dồi cho các cầu thủ trẻ. Những câu chuyện mình trải qua, giúp các em hiểu hơn về bóng đá hiện đại, gần gũi hơn với nhau. Giúp các bạn hiểu được rằng cả U.23 và đội tuyển Việt Nam đều có mục tiêu chung. Đó là điều mà HLV mong muốn". Mục tiêu chung được Hùng Dũng đề cập ở đây chính là vòng loại World Cup 2026. Với mục tiêu lọt vào vòng loại cuối cùng khu vực châu Á và có thể hướng tới tấm vé tham dự vòng chung kết. Đểhiện thực hóa tham vọng này, HLV Troussier cần kế thừa lực lượng đã thành công cùng người tiền nhiệm và những nhân tố mới, chủ yếu là các cầu thủ trẻ.
Ngoài quyết định trộn lẫn hai cấp ĐT Việt Nam, HLV Troussier cũng bắt đầu tạo dấu ấn kỹ chiến thuật trong các buổi tập. Do vừa làm quen, tính đối kháng chưa được đặt nặng, yêu cầu đầu tiên vị chiến lược gia người Pháp đề ra là tính kết nối giữa các cầu thủ thông qua khâu chuyền bóng và di chuyện. Là nhà cầm quân đề cao khả năng kiểm soát thế trận, ông Troussier yêu cầu học trò phối hợp nhanh, nhuyễn, ít chạm để giữ bóng trong tình trạng bị đối phương gây áp lực quyết liệt. Không chỉ vậy, các đường chuyền phiêu lưu (dài, vượt tuyến) đều bị nhắc nhở. Hai “lão đại” Bùi Tiến Dũng và Quế Ngọc Hải vốn có thói quen phất bóng cự ly 40m đã bị ông thầy mới “chỉnh” để đảm bảo chu trình cầm bóng.
Thậm chí, đòi hỏi chơi bóng bằng chân còn được áp đặt cho cả thủ môn, vị trí vẫn được đề cao kỹ năng chơi bóng bằng tay hơn. Cụ thể, trong các buổi tập, những “người gác đền” được HLV Troussier yêu cầu tham gia tranh chấp, phát động hay phối hợp bằng chân cùng các đồng đội. Thực tế xu thế phát triển của kỹ chiến thuật bóng đá đương đại, khả năng chơi chân của các thủ môn hay các đường chuyền ngắn chất lượng ngày càng được đề cao, đóng vai trò quan trọng trong khâu kiểm soát và phát triển bóng của toàn đội. Phương thức HLV Troussier áp dụng đơn giản là đưa ĐT Việt Nam đến gần hơn với xu thế bóng đá tiên tiến và thịnh hành được những nhà cầm quân hàng đầu hiện nay như Pep Guardiola, Juergen Klopp v.v. sử dụng.
Nhìn thẳng gốc rễ vấn đề của bóng đá Việt Nam
Điều đáng trân trọng hơn, không chỉ thực hiện những điều chỉnh trên sân tập, HLV Troussier còn thẳng thắn đưa ra đóng góp giúp bóng đá Việt Nam phát triển hơn. Chia sẻ với truyền thông sau khi kết thúc đợt tập trung ngắn ngủi của ĐTQG, vị chiến lược gia này chỉ ra 2 vấn đề để hiện thực tham vọng World Cup: “Tôi nghĩ có hai điều cần điều chỉnh. Một là gia tăng tính cạnh tranh, làm sao để các cầu thủ có thể chơi 40-50 trận đấu/năm, mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có thể thi đấu liên tục trong vòng 10 tháng. Tiếp nữa, đội tuyển Việt Nam sẽ có cơ hội để thi đấu giao hữu với các đội bóng trong top 60 thế giới”.
Ngoài ra, tân thuyền trưởng của ĐTQG cũng chỉ ra: “Các cầu thủ nói với tôi rằng họ chỉ được đá 4 trận V.League, rồi lại nghỉ một quãng dài do giải đấu hoãn. Tôi muốn các cầu thủ được thi đấu ổn định chứ không phải 4 tháng chỉ đá 4 trận ở giải đấu trong nước. Với quãng thời gian ấy, các cầu thủ châu Âu có thể được đá đến 40 trận đấu”.
Thật vậy, hệ thống bóng đá hay còn gọi là tháp bóng đá của mọi quốc gia, ĐTQG là ngọn, hệ thống giải thi đấu chuyên nghiệp là nền tảng căn bản. Một nền bóng đá phát triển khi giải VĐQG vững vàng. Thành công dưới thời ông Park khiến dư luận quên bẵng đi rằng hệ thống bóng đá Việt Nam vẫn đang vận hành theo hình kim tự tháp ngược, tức số đội V-League nhiều hơn Hạng Nhất, Hạng Nhất nhiều hơn Hạng Nhì và số trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Dễ nhận ra hơn, hãy thử nhìn vào các tuyển thủ quốc gia. Họ trải qua 4 tháng thi đấu 4 trận rồi tiếp tục một đợt tập trung chỉ để cho vui. Với cường độ thi đấu như vậy, các tuyển thủ cũng khó duy trì phong độ chứ chưa kể đến những cầu thủ không lên tuyển, họ gần như ngồi chơi, xơi nước và tập chay. Vậy sự phát triển đâu ra?! Tuy mới nhậm chức nhưng HLV Troussier đã dám nhìn thẳng vấn đề và nói thật trước truyền thông. Điều đó cho thấy ông là người dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam.