NSND Trà Giang
Trong lịch sử Liên hoan phim Việt Nam, NSND Trà Giang đã hai lần đoạt Bông Sen Vàng ở hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP lần thứ 4 năm 1977 với vai Nhân trong Ngày lễ thánh, và tại LHP lần thứ 8, bà đoạt Bông Sen Vàng với vai vợ ba Đề Thám trong phim Thủ lĩnh áo nâu.
Trà Giang bắt đầu sự nghiệp diễn xuất vào năm 1961, khi bà mới 19 tuổi. Nữ nghệ sỹ chạm ngõ điện ảnh bằng phim truyện đầu tay mang tựa “Một ngày đầu thu”. Nhưng chỉ đến khi hóa thân vào các vai diễn để đời trong: Chị Tư Hậu, Vĩ Tuyến 17 ngày và đêm, Huyền thoại người mẹ, Ngày lễ thánh,.. NSND Trà Giang mới trở thành biểu tượng của điện ảnh cách mạng Việt Nam thời kỳ đó.
Trà Giang sở hữu gương mặt đẹp với các đường nét thanh tú, nhưng có lẽ khán giả nhớ bà nhất bởi đôi mắt to, đen và sáng. Cặp mắt ấy đã truyền tải bao dòng cảm xúc và nội tâm phức tạp của nhân vật mà hành động hay lời thoại đều không diễn tả được.
Hình ảnh Trà Giang hiện lên qua các thước phim giúp người xem hình dung rõ diễn biến của một phần cuộc đời diễn viên. Từ nét tươi trẻ thiếu nữ trong bộ phim đầu tay, đến vẻ đàn bà hơn, bi kịch hơn, khi Trà Giang vào vai những người vợ, người mẹ trong thời chiến.
Hầu hết phim có nữ nghệ sĩ Trà Giang đóng đều khắc họa nhiều mặt tính cách phụ nữ Nam Bộ và phụ nữ Việt nói chung trong chiến đấu cũng như xây dựng cuộc sống và tâm hồn con người.
Ngoài giải thưởng cao quý của Liên hoan phim Việt Nam, NSND Trà Giang còn đoạt huy chương bạc liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1963 với vai chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên.
10 năm sau đó, năm 1973, cũng tại LHP Quốc tế Moskva, NSND Trà Giang đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất với vai Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh).
NSND Như Quỳnh
Liên hoan phim Việt Nam bắt đầu được tổ chức lần đầu tiên năm 1970 tại Hà Nội. Liên hoan phim VN luôn được kỳ vọng là ngày hội tôn vinh những người làm điện ảnh. NSND Như Quỳnh là một trong những nữ diễn viên đầu tiên được tôn vinh tại liên hoan phim quốc gia. Với vai Nết trong Đến hẹn lại lên, NSND Như Quỳnh đoạt Bông Sen Vàng cho Nữ diễn viên xuất sắc tại LHP quốc gia lần thứ 3 tổ chức năm 1975.
Hiện tại, NSND Như Quỳnh vẫn tham gia đóng phim. Bà luôn tìm tòi những khám phá mới, những nét mới, những sự lột xác trong những nhân vật mình đảm nhận. NSND Như Quỳnh còn giữ kỷ lục là nữ diễn viên Việt Nam được mời tham gia những dự án phim hợp tác với nước ngoài nhiều nhất.
NSƯT Thanh Tú
Chỉ với một vai Nhu trong bộ phim Sao tháng 8, NSƯT Thanh Tú đã trở thành gương mặt điển hình của điện ảnh cách mạng VN. Bộ phim Sao tháng 8 xoay quanh cuộc cách mạng tháng 8 kỳ diệu của dân tộc Việt Nam năm 1945. NSƯT Thanh Tú thể hiện xuất sắc vai Nhu, với vai diễn này, Thanh Tú được trao Bông Sen Vàng cho nữ diễn viên xuất sắc tại LHP VN lần thứ 4 (1977).
Sau một thời gian dài nghỉ đóng phim, NSƯT Thanh Tú gần đây đã trở lại màn ảnh nhỏ với những vai diễn trong phim truyền hình như: Bà nội không ăn bánh pizza, Lời thú tội của Eva... Tình yêu với điện ảnh trong bà vẫn còn nguyên vẹn.
NSƯT Phương Thanh
NSƯT Phương Thanh đoạt Bông Sen Vàng tại LHP quốc gia lần thứ 5 (1980) ở hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc với vai Hiền “cá sấu” trong bộ phim Tội lỗi cuối cùng. Hiền “cá sấu” được đánh giá là vai diễn để đời của Phương Thanh.
Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, Phương Thanh luôn cần mẫn, chịu khó, chăm chỉ với từng vai diễn, dù chỉ là vai diễn nhỏ. Chị tham gia đóng nhiều phim truyền hình. Năm 2009, NSƯT Phương Thanh đã qua đời tại bệnh viện 108 sau 5 ngày hôn mê do tai biến mạch máu não.
NSƯT Thanh Quý
Bước vào điện ảnh từ năm 18 tuổi đến nay NSƯT Thanh Quý đã có khoảng 20 vai diễn trong 20 phim truyện nhựa, trong đó, vai diễn để lại nhiều ấn tượng nhất với khán giả là vai nữ chính trong phim Người đàn bà bị săn đuổi.
Đã có thời, người ta đã gọi Thanh Quý với cái tên “người đàn bà bị săn đuổi” bởi sự thành công chị đã có được với bộ phim này. Thanh Quý có nhiều vai diễn đáng nhớ trong những bộ phim nhựa: Không có đường chân trời, Chuyện tình bên dòng sông, Chuyện tình trong ngõ hẹp, Ngõ hẹp, Tình yêu và khoảng cách…
Với vai diễn Ngân Hà trong bộ phim Tình yêu và khoảng cách (đạo diễn Đức Hoàn), NSƯT Thanh Quý đã được vinh danh tại LHP lần thứ 7 (1985) ở hạng mục dành cho nữ diễn viên xuất sắc.
NSƯT Chiều Xuân
NSƯT Chiều Xuân được trao Bông Sen Vàng cho nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP lần thứ 11 ( năm 1996) với vai Na trong phim Người yêu đi lấy chồng. Bà được đánh giá là nữ diễn viên có lối diễn xuất truyền cảm, duyên dáng và sở hữu sắc đẹp sang trọng, bền vững với thời gian.
Ở thập niên 90 của thế kỉ trước, Chiều Xuân nhanh tróng trở thành ngôi sao sáng trên màn ảnh khi liên tiếp đảm nhận một loạt vai diễn để đời, như nhà báo Ngân Hà trong "Hà Nội 12 ngày đêm" của đạo diễn Bùi Đình Hạc; Hương trong "Hàng xóm" của đạo diễn Phạm Lộc; vai Mai trong "Tình biển" của đạo diễn Đới Xuân Việt…
Chiều Xuân tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ, niềm đam mê nghệ thuật ngấm dần vào tâm hồn bà và được ươm trồng bởi chính cha của Chiều Xuân .Vai diễn của bà luôn biến hóa đa dạng, nhưng có điểm chung là đều toát lên hình ảnh đặc trưng ở người phụ nữ Việt Nam.
Hiện nay, NSƯT Chiều Xuân vẫn góp mặt trong một số phim truyền hình với vai các bà cô, bà mẹ trung tuổi. Ngoài ra, nữ nghệ sỹ còn tham gia học đạo diễn và đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phim. Chiều Xuân được đánh giá là một nhà làm phim năng động.
Hồng Ánh
Nữ diễn viên Hồng Ánh đang giữ kỷ lục là người được xướng tên nhiều nhất cho giải Bông Sen Vàng nhất tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam. Hồng Ánh sở hữu 3 giải Bông Sen Vàng cho những vai diễn chính, phụ xuất sắc nhất tại các kỳ LHP lần thứ 13, 14 và 16.
Dù xuất thân là diễn viên múa, nhưng Hồng Ánh đã nhanh tróng lọt vào mắt xanh của các nhà làm phim nhờ vẻ đẹp nữu tính, mặn mà. Năm 1996, đạo diễn Lê Cung Bắc đã chọn cô cho vai Bạch Vân trong phim truyền hình Người đẹp Tây Đô khi cô mới 18 tuổi.
Lần đầu tiên đóng phim bên cạnh những tên tuổi nổi tiếng, Hồng Ánh không bị che khuất mà còn gây ấn tượng tốt. Năm 1999, Hồng Ánh hóa thân vào vai người vợ thứ tên Tâm đi tìm chồng trong Đời Cát. Cô diễn tả sự day dứt, nhớ thương chồng cùng với nỗi băn khoăn không biết nên làm thế nào rất có hồn, làm cho khán giả cùng đồng cảm với tâm tư nhân vật.
Chính nhờ lối diễn xuất sáng tạo, hết mình đó, cô đã đoạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất trong LHP Châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 45 tổ chức tại Hà Nội năm 2000 và giúp phim Đời Cát đoạt giải Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ 13.
Tiếp tục khẳng định tên tuổi với vai Hạnh trong bộ phim Trăng nơi đáy giếng (2008) của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Hồng Ánh vinh dự giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Dubai. Hồng Ánh cho rằng Hạnh là nhân vật nặng kí nhất đối với cô, vì tâm lý của người đàn bà này diễn biến rất chậm, sâu lắng và vô cùng phức tạp.
Một năm sau thành công của Trăng nơi đáy giếng, cô được đạo diễn Phạm Nhuệ Giang mời đóng phim Thung lũng hoang vắng quay ở tận Tây Bắc. Phim nhận giải Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ 13 và Hồng Ánh - diễn viên chính trong phim - cũng đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc trong LHP Việt Nam lần đó.