Dấu ấn lịch sử qua bộ kèn đồng đặc biệt cử hành Quốc ca trong ngày 2/9/1945

Dấu ấn lịch sử qua bộ kèn đồng đặc biệt cử hành Quốc ca trong ngày 2/9/1945

Nguyễn Thị Hường

Nguyễn Thị Hường

Chủ nhật, 02/09/2018 08:00

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang lưu giữ một bộ kèn đặc biệt. Bộ kèn từng được sử dụng để tấu bản Quốc thiều đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

73 năm trôi qua kể từ ngày bản “Tuyên ngôn Độc lập” vang lên trên Quảng trường Ba Đình, cho đến nay, bao thế hệ khắc ghi trong tâm tưởng ý nghĩa của mốc son chói lọi, mở ra một nước Việt Nam độc lập. Ít ai biết rằng, khi lá Cờ đỏ sao vàng được kéo lên trong sự hân hoan, mong đợi của hàng vạn người dân cũng là lúc những âm hưởng hùng tráng của bài Tiến quân ca vang lên.

Sửa 2 nốt nhạc trong bài “Tiến quân ca”

Hiện tại, bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang lưu giữ một bộ kèn đặc biệt. Bộ kèn từng được sử dụng để tấu bản Quốc thiều đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Lúc còn sống, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên - người chỉ huy đội kèn Giải phóng quân tấu bài “Tiến quân ca” trong ngày 2/9/1945 kể rằng, đó là những khoảnh khắc mà ông cùng 75 nhạc công trong ban nhạc Giải phóng quân không thể nào quên. Nó đánh dấu bước ngoặt đi theo cách mạng của ông từ một lính kèn trong đội kèn “Bảo an binh”.

Phần lớn anh em trong ban nhạc Giải phóng quân là những người rời bỏ hàng ngũ địch, gia nhập quân đội cách mạng, được Bộ chỉ huy quân sự Hà Nội giao nhiệm vụ cử Quốc thiều trong lễ Tuyên ngôn Độc lập. Sau khi nhận nhiệm vụ, họ đã trăn trở rất nhiều vì Quốc ca tiêu biểu cho khí phách, hồn thiêng non nước; hơn nữa đây lại là lần đầu tiên chúng ta công bố Quốc ca với toàn dân và thế giới.

Chính trị - Dấu ấn lịch sử qua bộ kèn đồng đặc biệt cử hành Quốc ca trong ngày 2/9/1945

Bộ kèn cử hành Quốc ca ngày 2/9/1945 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ( Ảnh BTLSQSVN).

Trong những ngày luyện tập, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đã bàn với nhạc sĩ Văn Cao sửa hai nốt trong bài “Tiến quân ca” để bản nhạc hoàn hảo hơn, xứng đáng là Quốc thiều của nước Việt Nam độc lập. Đó là rút ngắn trường độ của nốt “rê” đầu tiên của chữ “đoàn” và nốt “mi” ở đoạn giữa trong chữ “xác” làm cho bản nhạc khỏe khoắn, trầm hùng hơn. Khi viết tổng phổ, yêu cầu đặt ra phải thể hiện được tính muôn màu, muôn vẻ về chất lượng và âm sắc của các loại nhạc cụ trong dàn nhạc. Tổng phổ viết xong, mọi người trong ban nhạc cảm thấy hài lòng. Cả ngày 1/9 và mấy ngày trước đó, ban nhạc miệt mài luyện tập.

Sáng sớm ngày 2/9, anh em trong ban nhạc đã chỉnh tề trong trang phục soóc kaki, đi giày da, đội mũ ca lô đính quân hiệu, hành quân lên Ba Đình theo đội hình: Đội thông hiệu, đội trống và đội nhạc hơi. Nhận vị trí trước lễ đài, đoàn quân nhạc dàn thành 5 hàng ngang, mặt hướng về lễ đài.

Khi lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên cũng là lúc âm thanh hùng tráng của bản Quốc thiều được tấu bởi bộ kèn đồng gồm 20 chiếc vang lên. Cả quảng trường Ba Đình im lặng xúc động. Trong âm thanh hào hùng trang nghiêm như có tiếng gọi của hồn Nước.

Mệnh lệnh của Tổ quốc vang vọng “Tiến mau ra sa trường, tiến lên! Cùng tiến lên!”. Nhạc điệu mỗi lúc một thúc giục, giống như nhịp đập của trái tim Tổ quốc đang hòa nhịp cùng trái tim mỗi người. Tất cả như bị cuốn hút vào dòng âm thanh có một sức mạnh cổ động thần kỳ - sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của cách mạng.

Chính trị - Dấu ấn lịch sử qua bộ kèn đồng đặc biệt cử hành Quốc ca trong ngày 2/9/1945 (Hình 2).

 Một số loại kèn trong bộ hiện vật mà bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang lưu giữ. (Ảnh: BTLSQSVN).

Bằng chứng sống khơi dậy niềm tự hào dân tộc

Để biểu đạt được cái hồn của bản “Tiến quân ca”, 75 nhạc công lúc đó đã dồn hết tâm trí vào tiếng nhạc, sử dụng chuẩn xác những chiếc kèn, dưới sự chỉ huy chặt chẽ chính xác của nhạc trưởng. Những tiếng kèn đồng hoành tráng cất lên cùng lời tuyên bố về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầy thiêng liêng và ý nghĩa.

Ngày 18/3/1959, bộ kèn đồng đã được nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên thay mặt cho đoàn Quân nhạc trao tặng cho bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ, bảo quản. Bộ kèn có số đăng ký BTQĐ: 2781-K3-79 gồm: Saxo, Temió, Coz, Trompét, Connette... Đã 73 năm trôi qua, bộ kèn đồng ấy là hiện vật đặc biệt tiêu biểu trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

N.Hường – H.Yến

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.