Ngày 27/3, thông tin từ Bệnh viện K, bệnh viện vừa phẫu thuật cho bệnh nhân 95 tuổi ung thư đại tràng. Theo đó, bà Hoàng Thị L. (95 tuổi, Nam Định) thấy hiện tượng đau bụng và đi ngoài ra máu một thời gian, cứ ngỡ đó là dấu hiệu bình thường và ở tuổi cao nên bà chủ quan không đi khám.
Khi các dấu hiệu này ngày càng thường xuyên hơn, đau thắt vùng bụng, bà L. mới đến bệnh viện K kiểm tra. Các bác sĩ đã chỉ định chụp chiếu và làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhân L. có u đại tràng sigma chiếm gần hết long đại tràng, bà L. được chỉ định phẫu thuật điều trị.
Về trường hợp này, GS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc chuyên môn, Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K cho biết: "Mặc dù bệnh nhân tuổi đã cao nhưng sau khi đánh giá tổn thương tại chỗ, chưa di căn, thể trạng bệnh nhân đảm bảo và sự quyết tâm của cụ L. cũng như đội ngũ bác sĩ, chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u, giúp bệnh nhân thuận tiện hơn trong sinh hoạt, nâng cao chất lượng đời sống".
Theo GS.TS Phạm Văn Bình, nhiều gia đình có người thân cao tuổi ngoài 70,80 mà phát hiện bệnh ung thư thì thường có tâm lý buông xuôi, không điều trị. Tuy nhiên, vị bác sĩ cho rằng, tuổi là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư, nhưng người bệnh đừng vội từ bỏ.
"Nếu trong điều kiện cho phép và đảm bảo kỹ thuật thì vẫn nên tiến hành phẫu thuật, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh", GS.TS Phạm Văn Bình nói.
Với bệnh nhân trên 80 tuổi, nhiều thách thức được đặt ra trong quá trình phẫu thuật như kỹ thuật ngoại khoa, gây mê trong suốt quá trình mổ 3-4 giờ, mất máu.
Kíp phẫu thuật gồm các bác sĩ khoa Ngoại bụng 1, Trưởng kíp là PGS.TS Phạm Văn Bình và kíp gây mê đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau 3 giờ, kíp phẫu thuật đã thực hiện loại bỏ tổn thương kích thước 5cm và bảo tồn các tế bào lành. Ca mổ diễn ra thành công, bệnh nhân hồi phục tốt, dự kiến ra viện sau 7 ngày điều trị.
TS.BS Trần Đức Thọ - Trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức cho biết thêm, quá trình gây mê cho người bệnh lớn tuổi là một vấn đề quan trọng, cần đánh giá, chuẩn bị kỹ càng bởi nhiều vấn đề có thể xảy ra, vì vậy cần khai thác thông tin rất kỹ như tiền sử bệnh; các vấn đề sức khoẻ đang gặp phải: Thể trạng người bệnh gầy yếu, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cao huyết áp đi kèm.
"Chúng tôi đã điều trị các bệnh lý đi kèm trong vòng 7-10 ngày, điều trị huyết áp ổn định, cho bệnh nhân tập thở bằng bóng Triball, truyền dịch và dinh dưỡng nâng cao thể trạng, cân bằng điện giải cho bệnh nhân. Trong quá trình gây mê hồi sức cho bệnh nhân sử dụng các thuốc ít ảnh hưởng đến tim mạch và đào thải nhanh. Bệnh nhân được theo dõi huyết động bằng hệ thống hiện đại Flotrac trong suốt quá trình phẫu thuật.
Sau mổ bệnh nhân được thoát mê sớm ngay trên bàn mổ và được thực hành giảm đau tuyệt đối bằng phương pháp đa mô thức để bệnh nhân vận động sớm nhằm tránh các biến chứng hậu phẫu và tăng khả năng phục hồi của bệnh nhân", ông Thọ cho hay.
Để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A …và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên.
Các chuyên gia khuyến cáo, những nguời có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu… thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.
Ngay cả khi phát hiện ung thư ở bệnh nhân tuổi cao thậm chí trên 80, 90 vẫn nên quyết tâm phối hợp với các bác sĩ chuyên sâu về ung thư để không bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh bệnh tốt nhất.