Còn nhớ, tại hội thảo khoa học về dầu và bơ thực vật do báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về vấn đề này.
Theo TS.Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), không phải ăn dầu thực vật tốt hơn hay ăn mỡ động vật tốt hơn mà cái quyết định là các thành phần của chúng. Sự thật thì dầu thực vật nào có tỉ lệ omega 6/omega 3 là 4/1 mới tối ưu và tốt cho sức khỏe. Nếu tỉ lệ omega 6 quá cao có thể tăng nguy cơ tim mạch , dị ứng, xơ vữa động mạch, thậm chí ung thư.
Các chai dầu Otran bị đông được nhà sản xuất giải thích là do chứa thành phần dầu cọ và không sử dụng các chất chống đông
Cũng theo ông Đáng, dầu hạt cải, bông, ôliu là dầu có tỉ lệ omega 6/omega 3 rất hợp lý. Ông Đáng lý giải cần tỉ lệ kể trên vì omega 3 và 6 chỉ có tác dụng khi vào cơ thể, được chuyển hóa theo chu trình tự nhiên, nếu không đảm bảo tỉ lệ 4/1, omega 6 vượt trội có thể ức chế các men khác, ức chế cả omega 3 và gây tình trạng khó chuyển hóa.
Còn theo PGS.TS Phan Thị Sửu, giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm: Mỡ động vật chứa nhiều vitamin A, D, nhiều axit béo bão hòa, ít axit béo cần thiết, điểm nóng chảy cao hơn.
Theo từ điển Wikipedia, dầu cọ rất giàu vitamin K và magiê dạng tiêu hóa được. Dầu cọ chứa khoảng 43 % chất béo no, khoảng 43 % chất béo chưa no đơn nhóm và 13 % chất béo chưa no đa nhóm. |
PGS.TS Phan Thị Sửu cho rằng người tiêu dùng mua dầu thực vật nên chọn mua loại dầu lỏng, chứa nhiều axit béo không no theo thứ tự: dầu ôliu, dầu mè (vừng), dầu ngô, dầu hướng dương, dầu đậu nành, dầu cọ.
Như vậy, dầu cọ nằm ở cuối bảng dầu thực vật, vì chứa ít axit béo không no (axit tốt).
Dầu đông có tốt cho sức khỏe?
Trên báo Tuổi trẻ, trích dẫn thông tin từ hội nghị trên, bà Sửu cũng giải thích có trường hợp nhà sản xuất trộn lẫn các loại dầu với nhau, khi mua về người tiêu dùng có thể thử bằng cách để dầu vào ngăn mát tủ lạnh, nếu chai dầu bị đông đặc hoặc tạo cặn đặc thì chứng tỏ dầu đó chứa nhiều axit béo no, không tốt cho sức khỏe.
Bà Sửu cho biết mỡ động vật thường được cho là chứa nhiều axit béo no, ít axit béo cần thiết, nhưng cũng có ngoại lệ là dầu gan cá (mỡ động vật) lại chứa nhiều axit béo không no, trong khi dầu dừa (dầu thực vật) lại chứa axit béo no là chủ yếu.
Theo TS.Trần Đáng, dầu thực vật dùng để chiên rán thức ăn ở nhiệt độ cao (trên 180 độ C) sẽ bị oxy hóa và biến chất, vì vậy dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần không tốt cho sức khỏe.
TS.Trần Đáng khuyến cáo thêm: “Chiên rán thực phẩm bằng dầu thực vật là không tốt. Càng chiên rán nhiều càng tăng nguy cơ dẫn đến nhiều loại bệnh...”.
Nguoiduatin.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Đức Kế