Kết quả chụp MRI (cộng hưởng từ) sọ não và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy “có tổn thương tại thùy đỉnh phải, ngấm thuốc dạng viền và có phù não xung quanh. Xét nghiệm về kí sinh trùng cho thấy bệnh nhân dương tính mạnh với giun đũa chó”, PGS.TS Mai Trọng Khoa, phó giám đốc BV Bạch Mai, giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (BV Bạch Mai) cho biết.
Hình ảnh MRI cho thấy có tổn thương tại thùy đỉnh phải, ngấm thuốc dạng viền và có phù não xung quanh. Ảnh: BS cung cấp.
Bệnh nhân được chuyển sang Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương để điều trị theo phác đồ: Albendazole 400 mg x 2 lần/ngày, uống trong 5 ngày, đồng thời dùng thuốc chống phù não.
Theo PGS.TS Mai Trọng Khoa, việc giun đũa chó, mèo xâm nhập vào cơ thể không phải là cá biệt. Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát, mà đất cát lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo (Bởi các loài giun này đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1-2 tuần lễ các trứng này sẽ hoá phôi).
Sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương. Tại đây, các ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người nhiều tháng và sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt hoặc khiến chúng ngừng phát triển nhưng chỉ sau khi các ấu trùng này đã gây tổn thương tại các mô. Tùy vào vị trí trú ngụ mà ấu trùng giun chó, mèo có thể gây các biểu hiện về nội tạng, về mắt, thần kinh…
Để phòng bệnh giun chó, mèo, việc cần làm là định kỳ tẩy giun cho chó mèo. Cần rửa tay xà phòng sạch trước khi ăn. Cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nơi chó, mèo nằm. Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.
Theo Dân trí