“Đau đầu” giữa bảo tồn phố cổ và phát triển kinh tế

“Đau đầu” giữa bảo tồn phố cổ và phát triển kinh tế

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

(Nguoiduatin) Việc bảo tồn phố cổ là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, làm gì để vừa bảo tồn được phố cổ vừa phát triển được kinh tế vẫn là câu hỏi không dễ trả lời.

Hiện nay, ở khu vực chợ lớn còn rất nhiều các di sản văn hóa như đền, chùa, chợ Bình Tây, nhà thờ,…và còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, các lễ hội dân gian, tôn giáo. Đây là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa giao thoa của các vùng miền, đặc biệt là văn hóa của người Hoa.

Bất động sản - “Đau đầu” giữa bảo tồn phố cổ và phát triển kinh tế

Theo các chuyên gia về dự án bảo tồn khu phố cổ Chợ Lớn, quy hoạch khu phố cổ không chỉ giúp bảo tồn các di sản, các bản sắc văn hóa của vùng đất này mà còn có thể phát huy những giá trị di sản vốn có để thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế. Các chuyên gia cũng khẳng định, tiềm năng du lịch tại khu vực này là rất lớn, nếu chúng ta không biết tận dụng và khai thác thì rất uổng phí. Việc bảo tồn khu vực này đang ngày càng trở nên cấp bách vì nó đang bị phá hoại nghiêm trọng bởi áp lực phát triển. Theo báo cáo cuối kỳ của dự án, các chuyên gia cho rằng chính sách hiện nay chỉ chú trọng vào các di sản hoành tráng mà bỏ qua những gì được gọi là “tài sản di sản hàng ngày”, cụ thể là nhà phố và cảnh quan đường phố lịch sử.

Từ thực tế trên, ngoài việc bảo tồn hiện trạng, giới hạn chiều cao đối với xây dựng mới trên các con đường được bảo tồn, dự án còn đề xuất thực hiện nhiều hạng mục như; tăng diện tích không gian công cộng chợ Bình Tây, nâng cấp quảng trường phía trước chợ để tăng diện tích tham quan cho du khách, tạo mỹ quan đô thị. Nâng cấp mặt đường cho người đi bộ và tổ chức bãi đậu xe để tránh tình trạng lấn chiếm khu vực dành cho người đi bộ. Không chỉ có quy hoạch và bảo tồn, dự án còn có hạng mục cải tạo kênh Hàng Bàng, khôi phục mối quan hệ chợ - kênh truyền thống được xem là điểm nhấn quan trọng nhất để cải tạo mỹ quan khu phố cổ và địa điểm du lịch cho khách tham quan.

Hiện, UBND quận 6 đã có kế hoạch di dời và bồi thường cho 940 hộ gia đình trên kênh Hàng Bàng, và 58 sạp (gian) hàng không cố định dọc theo mặt tiền phía Nam của chợ Bình Tây. Đây là điều kiện thuận lợi để cải tạo cảnh quanh khu vực này. Theo đơn vị tư vấn DCU, khu vực phía nam của chợ Bình Tây là một tài sản có tiềm năng phát triển du lịch to lớn. Khu vực này nên được chuyển đổi thành một không gian công cộng lớn, bờ kênh sẽ được trồng cây xanh cho du khách tản bộ, hóng mát. Dưới dòng kênh hình thành các tuyến vận tải hành khách đường thủy. Những gian hàng ẩm thực, mua sắm sẽ được bố trí một cách hợp lý nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hang và người dân thưởng ngoạn. Những khu vực dành cho hàng rong cũng phải được tính tới sao cho phù hợp với sự phát triển chung.

Với vị trí ngay trung tâm phố cổ, ngay sát chợ Bình Tây sầm uất, kênh Hàng Bàng sẽ tạo nên cảnh quan chợ - kênh, bến thuyền, di sản… đặc sắc. Nó không chỉ làm đẹp cho đô thị mà còn là điểm nhấn thu hút du khách tham quan. Các chuyên gia dự đoán, khi du lịch khu vực này nở rộ thì cũng tạo điều kiện cho kinh doanh thương mại phát triển, tạo cơ hội tăng thêm thu nhập cho người dân. Đặc biệt là việc mở rộng không gian xung quanh chợ Bình Tây sẽ tạo sự phát triển thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh gần đó, tạo nguồn thu rất lớn cho người dân vì đây là trọng điểm kinh tế của cả khu vực. “Tuy nhiên, để giải được bài toán này không phải là chuyện một sớm một chiều. Bởi nó luôn là mâu thuẫn trong phát triển” – một chuyên gia kinh tế nhận định.

Quyết Thắng


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.