Đau đầu tìm phương án giải cứu BĐS nghỉ dưỡng tại Phú Quốc

Đau đầu tìm phương án giải cứu BĐS nghỉ dưỡng tại Phú Quốc

Dương Thanh Tùng

Dương Thanh Tùng

Thứ 6, 24/11/2017 06:30

Vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển BĐS nghỉ dưỡng tại Phú Quốc tăng đột biến, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều ông lớn. Minh chứng rõ nét là hàng loạt dự án tầm cỡ khu vực đã mọc lên, xen lẫn với hàng trăm khách sạn, khu resort cao cấp khác. Trong khi nguồn khách còn quá ít ỏi, các chuyên gia lo ngại sẽ “ế ẩm”, do đó cần phải tính đến phương án giải cứu.

Tăng chóng mặt

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, các nhà đầu tư đã nhảy vào Phú Quốc một cách ồ ạt, biểu hiện rõ nhất chính là hàng trăm dự án BĐS nghỉ dưỡng mọc lên. Những điểm như bãi Khem, bãi Dâu, bãi Trường... các khu nghỉ dưỡng, khách sạn mọc lên như nấm sau mưa. Tính đến hết tháng 6/2017, tại đây đã có 265 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn gần 378.000 tỷ đồng (khoảng gần 17 tỷ USD), trên diện tích đất quy hoạch hơn 10.000ha.

Trong số dự án nói trên đã có gần 200 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư với diện tích trên 7.200ha, tổng vốn đầu tư là gần 220.000 tỷ đồng. Trong đó, 31 dự án đã đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 2.000ha, có tổng vốn đầu tư gần 50.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 25 dự án đang triển khai xây dựng, với diện tích gần 4.000ha, tổng vốn ước tính trên 100.000 tỷ đồng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, ban Quản lý khu Kinh tế Phú Quốc đã trình UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương đầu tư 16 dự án mới với diện tích gần 480ha. Đồng thời, đơn vị này cũng cấp mới 9 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với diện tích trên 64ha, tổng số vốn đầu tư 2.634 tỷ đồng.

Bất động sản - Đau đầu tìm phương án giải cứu BĐS nghỉ dưỡng tại Phú Quốc

BĐS nghỉ dưỡng ở Phú Quốc đang mọc như nấm sau mưa.

Đáng chú ý, các dự án BĐS nghỉ dưỡng hạng sang ở Phú Quốc cũng chủ yếu là của “ông lớn” nội địa. Ông Phan Văn Cường, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho biết: “Đa số các dự án tại Phú Quốc đều là của các doanh nghiệp nội địa hoặc liên doanh. Chỉ có 26 dự án là có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn 290 triệu USD”.

Thực tế cho thấy, những cái tên đình đám thời gian qua đã có mặt tại Phú Quốc, điển hình như Sun Group, Vin Group, CEO Group... Đi kèm với các chủ đầu tư này là những thương hiệu khách sạn hàng đầu trên thế giới hiện nay như: JW Marriott, Accor, InterContinental... Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho biết, đến thời điểm này mới chỉ đề xuất thu hồi chủ trương đầu tư 2 dự án với diện tích 28,71ha, đồng thời điều chỉnh 21 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và trả lời 65 trường hợp đầu tư tại Phú Quốc.

Bất động sản - Đau đầu tìm phương án giải cứu BĐS nghỉ dưỡng tại Phú Quốc (Hình 2).

Thậm chí, một số BĐS đã nằm bất động một thời gian.

Việc tăng trưởng nóng BĐS nghỉ dưỡng ở Phú Quốc còn thể hiện rõ ở số phòng lưu trú. Năm 2014, trên “đảo ngọc” chưa có một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao nào nhưng hiện tại, dù mới có 5 cơ sở 5 sao nhưng lại có gần 3.000 phòng. Cơ sở lưu trú 4 sao cũng có tới 519 phòng/5 cơ sở và 3 sao có 4 cơ sở với 262 phòng. Rõ ràng phân khúc BĐS cao cấp đã tăng trưởng quá nhanh trong thời gian ngắn.

Tính chung, hiện Phú Quốc có gần 270 cơ sở lưu trú với trên 10.000 phòng, như vậy phân khúc cao cấp chiếm trên 1/3. Trong khi đó, theo thống kê, từ đầu năm đến hết tháng 10/2017, huyện đảo Phú Quốc đã đón 2,7 triệu lượt khách, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế là 250.000 lượt, tăng trên 25% so với cùng kỳ, doanh thu đạt gần 2.900 tỷ đồng. Rõ ràng, khách nội địa đang chiếm phần lớn trong cơ cấu khách đến Phú Quốc.

Làm gì để giải cứu?

Hiện Phú Quốc có thuận lợi là cơ sở hạ tầng, nhất là hàng không đã cơ bản đáp ứng phục vụ du lịch, dịch vụ. Ngoài 4 đường bay nội địa (TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ), sân bay Quốc tế Phú Quốc đang khai thác rất nhiều đường bay quốc tế như: Thâm Quyến, Quảng Châu, Côn Minh (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc), Sheremetyevo và Koltsovo (Nga), Stockholm (Thụy Điển), London (Anh), Helsinki (Phần Lan).

Trong 10 tháng đầu năm 2017, sân bay Quốc tế Phú Quốc đã phục vụ trên 2,1 triệu lượt khách trong nước và gần 113.000 lượt khách quốc tế, tổng lượt hạ cất cánh là gần 15.000 lượt. Dự kiến, từ 19/12/2017 đến tháng 4/2018, hãng hàng không Neos Air (Ý) sẽ bắt đầu khai thác các chuyến bay thuê bao từ Milan tới Phú Quốc vào thứ Tư hằng tuần bằng máy bay Boeing 767-300ER với 250 ghế.

Dù có khá nhiều điểm thuận lợi, đặc biệt là về vị trí độc tôn, nhiều cảnh quan danh lam, thắng cảnh đẹp, visa lưu trú dài ngày... nhưng do sự tăng trưởng chóng mặt của BĐS nghỉ dưỡng cũng là điều đáng lo ngại. Trước bài toán nguồn cung tăng, các chuyên gia cho rằng trong ngắn và trung hạn việc lấp đầy khách tại các khu nghỉ dưỡng, nhất là phân khúc cao cấp là việc làm cấp bách. Bởi, hiện nay, khách quốc tế đến Phú Quốc còn khá ít ỏi, trong khi không ít là đi theo dạng “balo”, phượt.

Bất động sản - Đau đầu tìm phương án giải cứu BĐS nghỉ dưỡng tại Phú Quốc (Hình 3).

Trong khi nguồn khách, nhất là khách quốc tế đến với đảo ngọc này là khá ít ỏi.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Cường cũng tỏ ra lo lắng: “Việc các dự án mọc lên nhanh chóng, trong khi Phú Quốc chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù mang điểm nhấn đối với khách quốc tế thì vẫn khó khăn. Do đó, tôi cũng thấy hơi lo”. Đồng quan điểm và đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Lam, Phó Chủ tịch HĐQT tập đoàn CEO cũng dự báo về tương lai ảm đạm nếu không có các giải pháp kịp thời, hữu hiệu.

Ông Lam nói: “Nếu chúng ta không có cơ chế, biện pháp để thúc đẩy du lịch Phú Quốc phát triển trong tương lai, đặc biệt là thu hút khách quốc tế thì các cơ sở lưu trú sẽ gặp khó khăn, trở ngại. Tuy không bi quan nhưng nếu không đồng lòng, có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, cơ quan chức năng, chúng ta sẽ chứng kiến về những điều mà tôi đã dự báo sẽ xảy ra”.

Thậm chí, có ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải giải cứu BĐS nghỉ dưỡng ở Phú Quốc. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Giờ phải nói đến chuyện giải cứu BĐS nghỉ dưỡng ở Phú Quốc khi cung đang vượt cầu. Cần phải hành động với những phần việc cụ thể và có lộ trình thực hiện. Quan trọng là phải có sự chung tay của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, đóng vai trò dẫn dắt, nòng cốt”.

Theo các chuyên gia, việc cần làm trước mắt đối với doanh nghiệp, nhất là các ông lớn là phải chung tay vì cuộc chơi chung. Quan trọng nhất vẫn là quảng bá, xúc tiến và kết nối hàng không. TS. Nguyễn Đình Trọng, trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng: “Đi kèm với xây dựng khu nghỉ dưỡng, doanh nghiệp cũng phải bắt tay tham gia các sự kiện quảng bá, xúc tiến về du lịch trên thế giới. Qua đó, họ sẽ giới thiệu về điểm đến nhất là chính sản phẩm của mình cho các nhà tổ chức tour ở nước ngoài”.

“Tuy nhiên, nếu để mạnh ai nấy làm là không hiệu quả, phải liên kết lại và làm chuyên nghiệp, tránh trường hợp chỉ làm một “bản”, đến thị trường nào cũng “ca” y chang như nhau sẽ thất bại như trong thời gian vừa qua. Đồng thời, phải đào tạo nguồn nhân lực, nếu có khách đến mà phục vụ theo kiểu vá víu sẽ vừa mất khách, vừa tốn tiền và xảy ra nhiều hệ lụy khác, như lao động, hoạt động du lịch chui...”, chuyên gia này phân tích thêm.

Thành lập quỹ phát triển du lịch Phú Quốc

Mới đây, tại Phú Quốc, các bên liên quan đã thống nhất sẽ thành lập quỹ phát triển du lịch Phú Quốc do chính các doanh nghiệp đang hoạt động tại “đảo ngọc” đóng góp. Theo đó, các doanh nghiệp lớn có mức đóng tối thiểu là 5 tỷ đồng, tùy theo mức đầu tư. Các doanh nghiệp còn lại sẽ đóng góp theo số phòng lưu trú. Đồng thời, cũng sẽ thành lập một tổ chức để quản lý, giám sát quỹ này. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có thông báo chính thức về quỹ này.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.