Đau đáu về người viết lịch sử bị lãng quên

Đau đáu về người viết lịch sử bị lãng quên

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Là người đề cao sự tôn trọng tính chân thực và chính xác lịch sử trong tiểu thuyết, Nguyễn Triệu Luật từng tuyên bố: "Tôi chỉ là người thợ vụng, có thế nào làm nên thế, gốc tre già cứ để là gốc tre già chứ không thể hun khói lấy màu, vẽ vân cho thành gấu trúc hóa long".

Tuy là người viết sách về lịch sử nhưng bản thân ông thì lại bị người đời lãng quên. Chọn viết về những giai đoạn đau thương của đất nước, nhà văn Nguyễn Triệu Luật là người có nhiều đóng góp đối với dòng tiểu thuyết lịch sử và văn học Việt Nam những năm 1930. Thế nhưng, một thời gian dài, tên ông gần như đi vào quên lãng, không hề được nhắc, được biết đến trong các sử sách văn học.

Xã hội - Đau đáu về người viết lịch sử bị lãng quên

Nguyễn Triệu Luật (đứng giữa) cùng các học trò

Viết sử chứ không chép sử

Nguyễn Triệu Luật (1903-1946) là người làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Vĩnh Yên (nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông học tại trường Sư phạm Hà Nội, sau đó đi dạy học và viết báo. Trong những năm 1937-1939, ông được mời vào giảng dạy tại trường tư thục Lê Văn ở TP.Vinh.

Chính trong thời gian này, ông viết nhiều tác phẩm nhất. Ông là người có nhiều đóng góp đối với dòng tiểu thuyết lịch sử và văn học Việt Nam những năm 1930 của thế kỷ 20. Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Triệu Luật mong muốn bạn đọc nhìn vào quá khứ để thấy lại lịch sử dân tộc, thức dậy lòng yêu nước. Có thể thấy, những suy nghĩ của ông từ cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị và vẫn là "kim chỉ nam" đáng để cho giới viết truyện lịch sử, tiểu thuyết lịch sử, những nhà làm phim lịch sử tham khảo.

Chỉ trong vòng 7 năm, từ 1937 - 1943, Nguyễn Triệu Luật đã viết liên tục gần 10 tập tiểu thuyết lịch sử, các tác phẩm của ông thường tập trung nghiên cứu giai đoạn cuối Lê, đầu Nguyễn (thế kỷ XVIII). Một vài tác phẩm tiêu biểu là Bà Chúa Chè, Loạn kiêu binh, Ngược đường Trường thi, Chúa Trịnh Khải, Rắn báo oán, Thiếp chàng đôi ngả… Trong đó, ba bài tựa trong cuốn “Hòm đựng người”, "Bà chúa Chè" và "Ngược đường Trường Thi" được coi như 3 tuyên ngôn về cái viết và cách viết tiểu thuyết lịch sử của ông.

Nguyễn Triệu Luật đã viết tiểu thuyết lịch sử với tinh thần của người tham gia vào tâm lý nhân vật chứ không chỉ đơn thuần là chép sử. Ông luôn chọn những giai đoạn đất nước đầy những chuyện đau thương, hỗn loạn, rối ren để viết vì chính thời kỳ lắm cái đau, cái khổ ấy, lịch sử và dân tộc mới để lộ hết thực chất, hết muôn mặt có thực của nó, và chúng ta cũng rút ra được nhiều bài học. Nguyễn Triệu Luật đã để lại cho hậu thế một gia tài văn chương quý giá về tiểu thuyết, báo chí, nghiên cứu, dịch thuật nhưng về cuộc đời nhà văn thì những người thân trong gia đình đều không biết hết.

Nhà giáo Nguyễn Triệu Căn (con trai nhà văn Nguyễn Triệu Luật) đến nay cũng đã ở tuổi thất thập cổ lai hy. Mấy chục năm qua, lúc nào ông cũng đau đáu về chỗ đứng trong lịch sử, trong văn đàn của cha mình. Theo đó, tâm nguyện cuối đời của ông là làm sao có thể trả lại cho thân phụ một chỗ đứng theo đúng nghĩa. Ông bảo: "Tháng 8/2012, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức Hội nghị về nhà văn Nguyễn Triệu Luật là niềm vui, niềm an ủi vô cùng lớn lao với gia đình. Càng xúc động hơn khi ở quận Bình Tân, TP.HCM đã có một con đường mang tên Nguyễn Triệu Luật. Mọi người còn nhớ đến cha mình vậy tại sao tôi lại cố tình quên? Gia đình đang cố gắng tìm lại mọi kỷ vật, những tác phẩm còn thất lạc, những giai thoại của người cha quá cố để nhớ lại, để hiểu".

Tác giả Nguyễn Chí Tình kể lại, khi được hỏi rằng tại sao chỉ chọn những giai đoạn đất nước đầy đau thương để viết, Nguyễn Triệu Luật đã nói: "Tôi cứ thấy mình bị cuốn hút về những chuyện u ám trong lịch sử. Chính trong thời kỳ lắm cái đau, cái khổ ấy, lịch sử và dân tộc mới để lộ hết thực chất và chúng ta cũng rút ra được nhiều bài học hơn. Với tôi, không phải chỉ khi đất nước bình yên, thịnh vượng mà cả những khi đất nước tang thương, khốn đốn, tôi mới cảm thấy yêu đất nước hơn".

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên đánh giá, một khối lượng tác phẩm có giá trị như vậy đủ để "định vị" Nguyễn Triệu Luật trong văn học Việt Nam. Trả lại giá trị cho nhà văn cũng là đem lại cho gia đình ông niềm vui của sự công bằng nhân thế và của sự thật lịch sử. Hội thảo Nguyễn Triệu Luật - con người và tác phẩm do Hội nhà văn Hà Nội tổ chức hôm 23/8 như một buổi cấp lại giấy khai sinh cho một con người, một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử gần như bị quên lãng.

Trọng văn minh nhân loại nhưng cần giữ cốt cách và "biết tự kiêu ngạo"

Nói về những tác phẩm của cha mình, nhà giáo Nguyễn Triệu Căn cho biết, Nguyễn Triệu Luật khác người ở chỗ, cụ mang ánh sáng của phương Tây soi sáng văn hóa cũ. Đây là những tác phẩm tốt cho thanh niên ngày nay đọc để hiểu, yêu và tự hào về lịch sử dân tộc. Cụ cho rằng cần có niềm kiêu hãnh khi là người Việt Nam. Mục tiêu ấy được thể hiện rõ qua ý tưởng gây dựng một nền văn hóa riêng cho dân tộc Việt Nam. Năm 1939, cụ là một trong những người đầu tiên và sớm nhất của nước ta đề xuất ý kiến các trường từ tiểu học tới trung học đều phải dạy bằng tiếng Việt.

"Cụ quan niệm mỗi nước có một nền văn hóa riêng, mỗi dân tộc có một cách vận chuyển, phô diễn tư tưởng riêng, đó là tinh túy riêng của một ngôn ngữ, một dân tộc, là quốc hồn. Theo Nguyễn Triệu Luật, đối với các nền văn hóa ngoại nhập, ta có thể thu nhận mà không hại gì cho cá tính của ta. Tuy nhiên, để thu nhận được thì phải dịch ra tiếng Việt, văn dịch sẽ làm giàu nền văn của ta. "Học hỏi văn hóa nước khác là để làm việc có ích cho dân tộc mình chứ không chỉ bắt chước, học đòi để làm sang, để trở thành những Tây lai mất hết tính cách cũ của giống nòi, để rồi khinh thị dân tộc mình, coi rẻ văn hóa nước mình", ông Căn nói.

Nguyễn Triệu Luật từng đưa ra một vài dẫn chứng thành công trong việc tiếp thu văn hóa ngoại nhập của một số nước, chẳng hạn, Trung Hoa khi dịch hết kinh chữ Phạn sang chữ Trung Quốc thì đạo Phật đã thành của riêng Trung Quốc. Đạo Gia Tô khi đã dịch ra chữ latin thì lập tức bị latin hóa. Nhà phê bình, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cho rằng, cho đến nay, Nguyễn Triệu Luật vẫn thuộc trong số tác gia Việt Nam. Văn nghiệp và sự nghiệp của ông vẫn còn đầy những khoảng trống chưa có thông tin và có thể sẽ vĩnh viễn không có thông tin.

Theo PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, nhà văn Nguyễn Triệu Luật đã đề xuất, trên lĩnh vực trí tuệ, học giới và giáo giới nước nhà phải phá bỏ cái quái trạng ngoại chủng hóa. Biểu hiện của ngoại chủng hóa có nghĩa ở một nơi gọi là trí thức thì một ông nhà Nho phải nói toàn chữ, một ông Tây học phải trưng ra được dăm ba câu tiếng Pháp, một ông giáo dạy môn quốc văn cũng phải tậm tọe được tiếng Pháp. Như thế mới được coi là giỏi, bao giờ có khinh tiếng mẹ đẻ thì mới đứng đắn, bao giờ có ngoại chủng hóa mình đi được thì mới là sang. Nguyễn Triệu Luật là người của một thời, vấn đề xây dựng một nền văn hóa riêng của Việt Nam, một nền giáo dục Việt Nam để đào tạo những con người Việt Nam biết “tự kiêu ngạo”, biết tiếp thu cái hay, cái đẹp của văn minh nhân loại mà vẫn đủ sức bảo vệ cốt cách dân tộc, giữ gìn tiếng nói, phát triển văn chương dân tộc, có thể đàng hoàng đứng trong trời đất là một ý tưởng thật sâu sắc, cao cả.

Trao đổi với PV Người đưa tin, nhà giáo Nguyễn Triệu Căn cho rằng, tư tưởng phá bỏ quái trạng ngoại chủng hóa ở thời nay vẫn còn ý nghĩa thời sự. Tư tưởng vọng ngoại thái quá, bê vác, nhặt nhạnh nguyên xi cả những thứ độc hại thiên hạ đã vứt bỏ đem về làm gia bảo là hiện tượng thường thấy trên nhiều lĩnh vực.

Ký ức khó quên về bạn một thuở của GS. Đinh Xuân Lâm

GS. Đinh Xuân Lâm, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từng tâm sự: "Thời đó, tôi cùng nhà văn Nguyễn Triệu Luật thích đi xem phim điện ảnh chiếu ở rạp. Phim Mỹ nặng về hành động còn phim Pháp lại nặng về tiệc tùng, nói chuyện. Chúng tôi thích xem phim Mỹ nhưng lại cần đi xem phim Pháp để luyện nghe tiếng Pháp. Khi đọc cuốn “Ngược đường trường thi” của Nguyễn Triệu Luật, tôi cứ mong ước ngành điện ảnh của ta có thể dựa vào sách trên để kịch bản và quay một bộ phim đàng hoàng, trong đó có nhiều đối thoại như bộ phim “Ngược đường Champs Elyseés” của Sacha Guitry".

Dương Yến - Hồng Mây


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.